Doanh nghiệp Việt nhận thức được tầm quan trọng của 4.0, nhưng vẫn chưa 'buồn' đầu tư công nghệ

30/01/2018 17:33 PM | Xã hội

Theo báo cáo của Vietnam Report, doanh nghiệp đã có một năm 2017 khởi sắc, đóng góp vào mức tăng trưởng tăng cao nhất trong 10 năm của nền kinh tế

Mới đây, Vietnam Report đã tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 cho năm 2017, đánh dấu sự xuất hiện trong năm thứ 11 liên tiếp của bảng xếp hạng này. Có thể nói, buổi công bố này giống như một màn tổng kết cho toàn bộ bức tranh doanh nghiệp Việt năm vừa qua.

Năm 2017 là một năm vô cùng đặc biệt, đã đánh dấu sự phục hồi của kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,81% - cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Đóng góp vào sự khởi sắc này có một phần lớn là nhờ vào sự khởi sắc nơi các doanh nghiệp. 

Và ở điểm này, báo cáo của Vietnam Report cũng thể hiện rõ điều đó. Cụ thể, theo như VNR500 thì đã có 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát của báo cáo này phản hồi rằng mình đã tăng doanh thu trong năm nay. So với cũng con số này vào năm 2016, sự tăng lên là khá rõ rệt.

Báo cáo này cũng đồng quan điểm với nhiều báo cáo kinh tế vĩ mô khác, cho rằng khối các doanh nghiệp tư nhân đã có một năm 2017 khá thành công. Sau hơn 10 năm, bảng xếp hạng ghi nhận số doanh nghiệp khối tư nhân đã tăng lên gần gấp 2,5 lần, chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong bảng. 

Đồng thời, đóng góp của khu vực này cũng được nâng lên từ 27% trong năm 2016 lên tới 32,3% trong năm 2017. Những chỉ số trên đã phản ánh phần nào nỗ lực, cũng như sự hiệu quả, của các chính sách thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ trong suốt năm qua.

Bên cạnh đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, người ta cũng chờ đợi màn công bố cuốn sách trắng thường niên của Vietnam Report - ấn bản cho riêng năm 2017. Năm nay, trước bối cảnh kinh tế thế giới đang biến chuyển không ngừng với Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cuốn sách trắng cũng lựa chọn tựa đề là "Nền kinh tế số và Quốc gia khởi nghiệp".

Theo như sách trắng này thì Việt Nam đang có sẵn những nền tảng rất tốt như vị trí địa chính trị, kinh tế thuận lợi, dân số trẻ, tỉ lệ dân số sử dụng Internet cao, nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng trưởng khởi sắc, sự đồng thuận của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Những yếu tố này có thể trở thành con đường dẫn dắt để giúp Việt Nam có lợi thế trong làn sóng 4.0 sắp tới.

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp còn chưa coi trọng việc áp dụng công nghệ trong hoạt động của mình. Hai nguyên nhân lớn nhất khiến họ còn dè dặt áp dụng công nghệ là do yêu cầu nguồn vốn đầu tư lớn và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Để tận dụng các lợi thế có sẵn trong Cuộc Cách mạng 4.0, rõ ràng phía các doanh nghiệp vẫn cần phải có sự chủ động hơn.

Về những kiến nghị đóng góp, nhiều doanh nghiệp trong Top VNR500 mong muốn Chính phủ sẽ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, đánh giá năng lực cán bộ; kết hợp với cắt giảm đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và tái cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty lớn trong thời gian tới. Nói chung, những kỳ vọng của doanh nghiệp vào Chính phủ vẫn là những điều được 'nhắc đi nhắc lại' qua nhiều năm, bài toán đặt ra là làm sao để những người điều hành có thể thực hiện những kế hoạch cho cả nền kinh tế một cách tốt nhất.

Trong khuôn khổ sự kiện, Vietnam Report cũng đã công bố danh sách Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc nhất năm 2017 – Top 50 Vietnam the Best 2017.

Quảng Đức

Cùng chuyên mục
XEM