Doanh nghiệp ô tô Indonesia khuyên doanh nghiệp Việt Nam nên tự cứu lấy mình, đừng trông chờ người khác

02/06/2017 20:50 PM | Kinh doanh

Đại diện doanh nghiệp ô tô Indonesia cho biết tình cảnh của Việt Nam khá giống với họ 10 năm trước. Họ cho biết để phát triển ngành công nghiệp ô tô như hiện nay, điều họ luôn tâm niệm đấy là cuộc chiến riêng của họ, Chính phủ Indonesia cũng không có chính sách nội địa hoá.

Gần cuối Hội nghị hợp tác giữa doanh nghiệp Indonesia và Việt Nam về công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy sáng nay (2/6), đại diện một doanh nghiệp Việt Nam đứng dậy đặt câu hỏi. Anh nói rằng tựu chung các doanh nghiệp nhỏ như anh gặp rất nhiều khó khăn, cần lắm những người dẫn đầu, làm chủ cuộc chơi. Indonesia có được điều này, còn Việt Nam thì chưa. Bên cạnh đó, anh cũng đặt câu hỏi về những chính sách hỗ trợ của Chính phủ Indonesia đối với ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam có thể rút ra được bài học gì?

Ông Widjanarko Koko, Giám đốc phụ trách thương mại của Toyota Indonesia cho biết tình cảnh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi và các nhà cung cấp linh kiện ô tô Việt Nam khá giống với Indonesia 10 năm trước. Để trở thành một nước mạnh về công nghiệp ô tô như hiện nay, Indonesia đã học tập từ Thái Lan trong việc xây dựng các kênh cung ứng linh kiện.

“Thái Lan có hơn 2.000 nhà cung ứng lớn, Việt Nam thì chỉ có 800 nhà cung cấp, như vậy khó để nội địa hoá tốt được”, ông Widjanarko Koko nói.

Còn đại diện công ty Astra Toto Parts, đơn vị cung ứng phụ kiện lớn cho các doanh nghiệp ô tô Indonesia cho biết Chính phủ nước họ không có chính sách hỗ trợ cụ thể nào đối với ngành trừ một số chính sách hỗ trợ về công nghệ.

“Chúng tôi không có chính sách nội địa hoá. Trên thực tế, đây là cuộc chiến của riêng chúng tôi. Đó là yêu cầu tất yếu, nếu không nội địa hoá được, giá sản phẩm cao, không cạnh tranh, khách hàng sẽ rời bỏ”, đại diện này nói.

Bên lề hội thảo, một vị đến từ Bộ Công thương cho biết, hiện doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang còn ỷ lại vào Nhà nước rất nhiều. Người này than thở bản thân ông đã đọc qua hàng trăm yêu cầu, đề nghị của doanh nghiệp. Nhưng…

“Khi chúng tôi kết nối doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam gặp gỡ các đối tác nước ngoài, đến cái brochure họ còn không có chuẩn bị, thiếu chuyên nghiệp từ những điều nhỏ như thế, nói gì đến những chuyện khác”, ông nói.

Vị này cũng nói thêm rằng, thậm chí doanh nghiệp còn không muốn lớn, cứ ỳ ạch mãi, vậy thì phải làm thế nào?

Còn đối với yêu cầu cần một doanh nghiệp lớn làm đầu tàu, làm chủ cuộc chơi như câu hỏi đặt ra, vị này cho rằng hiện tại Việt Nam chưa có một doanh nghiệp nào đủ lớn, đủ mạnh để làm được việc đó.

Mặt khác, vị này cũng thừa nhận, nếu giờ lại tìm cách đưa ra chính sách, làm rào cản với các doanh nghiệp nước ngoài để bảo vệ doanh nghiệp nội, e là lại lấy đá ghè chân mình. Bởi lẽ, các ông chủ bên kia biên giới có đủ tiềm lực, khả năng họ dễ dàng “bước qua rào”, trong khi, doanh nghiệp nội có khi lại không qua nổi.

Do đó, hơn bất cứ điều gì, đó là doanh nghiệp Việt phải tự tìm cách “tự lo cho chính bản thân mình”. Vị này chia sẻ, trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ Việt nam đã tìm được hướng đi, hàng của họ đã tìm được chỗ đứng và được công nhận ở châu Âu, “Quan trọng là tự mình thôi”, ông nói.

Theo N.Dương

Cùng chuyên mục
XEM