Doanh nghiệp Nhật dự tính mang hàng ngàn con bò sang chăn nuôi tại Việt Nam

18/10/2016 16:27 PM | Xã hội

Công ty chăn nuôi Ushichan Farm tại vùng Ishinomaki-tỉnh Miyagi-Nhật Bản sẽ bắt đầu chăn nuôi khoảng 5.000 con bò thịt tại Việt Nam, bắt đầu từ cuối năm nay sau khi vùng này bị ảnh hưởng bới trận động đất năm 2011.

Hãng Ushichan sẽ hợp tác với Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) trong việc phát triển dự án này. Theo đó, SAGRI sẽ cung cấp trang trại, gia súc còn phía Ushichan sẽ đưa các chuyên gia về chăn nuôi sang để phối hợp.

Phía Nhật Bản sẽ nhận được khoảng 3 triệu USD hàng năm từ phí tư vấn. Đây là một trong những dự án lớn của ngành chăn nuôi Nhật Bản tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên và cũng đánh dấu bước chuyển biến lớn trong mảng này của nông nghiệp Nhật.

Hãng Ushichan là một trong những công ty chăn nuôi bò lớn nhất tại vùng Tohoku với khoảng 4.000 con bò chất lượng cao.

Trước đó vào năm 2011, trận sóng thần đã cuốn trôi nhiều trang trại cùng khoảng 50 con bò của hãng. Tiếp theo đó, thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima đã khiến doanh thu của Ushichan giảm khoảng 500 triệu Yên.

Dẫu vậy, chất lượng bò của Ushichan không hề suy giảm mà còn tăng do chuyên viên của công ty liên tục áp dụng các công nghệ chăn nuôi hiện đại.

Tại Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng khiến đời sống đi lên, qua đó gia tăng nhu cầu tiêu thụ thịt bò. Vì vậy, SAGRI muốn được hợp tác với các chuyên viên Nhật Bản nhằm tận dụng kỹ thuật của họ, qua đó gia tăng sản lượng cũng như chất lượng thịt bò.

Sau khi ký kết thỏa thuận vào tháng 8 năm nay, SAGRI sẽ cung cấp khoảng 500 ha trang trại cùng 5.000 con bò. Phía Ushichan sẽ cử nhân viên sang hướng dẫn kỹ thuật như cách quản lý hay phối thức ăn chăn nuôi.

Dự kiến thịt bò của dự án sẽ bắt đầu được bày bán tại các siêu thị vào năm 2018 và doanh số sẽ được chia đều cho cả 2 công ty.

Tận dụng lợi thế từ hiệp định TPP, phía Nhật Bản đang muốn nhập khẩu thịt bò nuôi tại Việt Nam theo công nghệ Nhật Bản đồng thời cạnh tranh với các sản phẩm từ Mỹ hay Australia trên thị trường quốc tế khi quốc gia này chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai.

Những vùng chịu nhiều thiên tai tại Nhật Bản như tỉnh Miyagi đang hướng tới việc kinh doanh tại thị trường nước ngoài như một kênh thu nhập mới. Ví dụ một công ty nông nghiệp tại thị trấn Yamamoto đã bắt đầu trồng dâu tại Ấn Độ vào năm 2012, trong khi nông dân tại thành phố Iwanuma bắt đầu trồng lúa tại Việt Nam từ năm 2014.

Một trong những nguyên nhân chính khiến nông nghiệp Nhật Bản chuyến hướng ra nước ngoài là do các nước siết chặt quy định nhập khẩu nông sản từ những vùng thiên tai, đặc biệt là các vùng chịu thảm hỏa hạt nhân Fukushima.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM