Doanh nghiệp cổ phần hoá chậm vì “muốn làm ông chủ giả cho khoẻ”?

06/12/2016 19:49 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May việc cổ phần hoá diễn ra chậm vì tâm lý của người đứng đầu doanh nghiệp muốn “làm ông chủ giả, xài vốn nhà nước”.

Chia sẻ kinh nghiệm về cổ phần hoá tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 diễn ra vào chiều nay (6/12), ông Trần Quang Nghị nhấn mạnh sự quyết liệt chủ quan và trách nhiệm của người lãnh đạo doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hoá.

Bởi lẽ, ông nhận định rằng việc cổ phần hoá nhanh hay chậm phụ thuộc vào tâm lý của người đứng đầu doanh nghiệp. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay đang có tâm lý muốn làm ông chủ giả, xài vốn nhà nước, như thế khoẻ hơn ông chủ thật phải bỏ tiền ra để kinh doanh, chỉ cần bảo toàn vốn là được, không cần phải đẩy nhanh cổ phần hóa để "chiến đấu" với thương trường.

Ông Nghị cũng cho rằng khi tiến hành cổ phần hoá các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thì nên cổ phần hoá công ty mẹ trước, công ty con sau, như thế tốc độ sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh khi bán, phải xác định rõ đâu là nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết với ngành, phải đầu tư bằng cả khối óc và trái tim, không đầu tư lướt sóng… Bởi lẽ, có như vậy thì doanh nghiệp sau cổ phần hoá mới phát triển bền vững và bảo vệ được quyền lợi của người lao động.

“Đây là bài toán phát triển bền vững phải có tư vấn”, ông nói.

Về kỹ thuật bán, ông cho rằng đây là một khâu rất quan trọng để giải bài toán chống thất thoát, làm sao không bán quá rẻ, bán được giá. Ông ví von, giống như việc bán nhà, phải làm đẹp cho nó thì mới bán được giá. Tuy nhiên, ông Nghị cũng thẳng thắn khi chỉ ra nhiều “chủ nhà cố tình làm hình ảnh xấu bớt, giấu đi lợi thế để bán giá thấp cho nhóm lợi ích”.

Do đó, ông cho rằng Chính phủ phải hết sức lưu ý, nếu không có người giám sát kỹ khâu bán cổ phần sẽ dễ gây thất thoát, không đảm bảo lợi ích cho Nhà nước.

Cùng chuyên mục
XEM