Đoạn kết buồn của "Vua Gỗ"

16/08/2016 10:43 AM | Kinh doanh

"Vua gỗ" Võ Trường Thành đành ngậm ngùi ra đi “không trống không kèn” khỏi công ty do chính Ông cất công gầy dựng. Sự thật đằng sau câu chuyện này là gì? Phải chăng ông Thành chấp nhận ra đi vì đã hoàn thành sứ mệnh cứu TTF của mình.

Tiêu tốn nhiều giấy mực của giới báo chí và trở thành cái tên tạo nhiều sóng gió trên thị trường chứng khoán Việt nhiều nhất trong khoảng thời gian qua không ai khác ngoài cái tên TTF (cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành) và vị chủ tịch cùng tên Võ Trường Thành.

Mới đây nhất, hội đồng quản trị công ty này đã ra quyết định bãi nhiệm ông Võ Trường Thành khỏi chiếc ghế chủ tịch mà nguyên nhân được đưa ra là do Ông Thành đã không hoàn thành đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT trong tình hình khó khăn khẩn cấp cuả Công ty này.

Như vậy là sau khoảng 23 năm làm chủ một “đế chế” chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam. Ông Võ Trường Thành đành ngậm ngùi ra đi “không trống không kèn” khỏi công ty do chính Ông cất công gầy dựng và từng vượt qua biết bao nhiêu khó khăn từ thời kinh tế mới giai đoạn đầu mở cửa.

Hành trình trở thành "Vua Gỗ"

Sự nghiệp kinh doanh đến với ông Thành rất tình cờ. Thuở hàn vi, Ông từng là giáo viên dạy toán ở Bình Định, nhưng tình thế thay đổi, cuộc sống ở quê khó khăn quá nên Ông phải vào Sài Gòn sinh sống và tham gia vào thanh niên xung phong. Ông nhanh chóng thể hiện được tài năng và trở thành giám đốc lực lượng này ở độ tuổi trẻ nhất mà không phải là đảng viên. Cái duyên đến với ngành gỗ đến với Ông khi vì một vài sự cố cá nhân mà Ông không được kết nạp vào Đảng và rời Thanh Niên Xung Phong để ra ngoài khởi nghiệp.

Với số vốn ít ỏi, nhưng ông đã gặp may khi mua được một doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ với giá rất rẻ và phát triển nó thành doanh nghiệp ngành gỗ tăng trưởng liên tục trong vòng 20 năm.

Bằng tài năng và sự linh hoạt xoay chuyển tình thế của mình, Ông Thành đã đưa doanh nghiệp mình vượt khó khăn và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, khi mà nhiều doanh nghiệp khác phải đóng cửa.

Năm 2000, Ông Thành đã đặt dấu ấn trong sự nghiệp của mình khi trở thành doanh nhân đầu tiên mua lại được một công ty nước ngoài ở Bình Dương và phát triển nó thành đại bản doanh của Gỗ Trường Thành hiện nay.

Trước khi tiến hành niêm yết vào 2008, TTF đạt tốc đột tăng trưởng rất cao với doanh thu tăng mạnh từ khoảng 168 tỷ đồng lên hơn 600 tỷ đồng năm 2007, lợi nhuận ròng cũng tăng mạnh gấp 10 lần chỉ sau 2 năm. Có thể nói, sự nghiệp của Ông Thành đã đi lên như diều gặp gió.

Năm 2010, Trường Thành đã tạo tiếng vang khi hợp tác cùng với tập đoàn OJI Paper, tập đoàn sản xuất giấy hàng đầu Nhật Bản thực hiện dự án trồng rừng có quy mô hơn 17 ngàn hecta tại Phú Yên. Ông Thành từng cho biết đây là dự án có quy mô rất lớn và khi đi vào thu hoạch có thể mang lại lợi nhuận cho TTF cả trăm tỷ đồng mỗi năm.

Chỉ 3 năm sau khi niêm yết, TTF đã có mức tăng trưởng doanh số kỷ lục. Đạt gần 3.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2011. Đưa TTF trở thành một trong những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất Việt Nam. Tên tuổi của ông Thành và công ty của mình cũng trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh gỗ cũng như quen thuộc với nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Ông Võ Trường Thành trong cuộc trao đổi với Phóng viên NDH tại nhà riêng.

Những ngày "giông bão"

Những tưởng tương lai sáng lạn phía trước sẽ dành cho Gỗ Trường thành khi mà doanh nghiệp này đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu mạnh. Và dự án trồng rừng hợp tác với OJI được kỳ vọng sẽ mang đến tương lai màu hồng cho TTF. Thế nhưng ít ai ngờ rằng, đằng sau sự hào nhoáng lại là một bức tranh u tối.

Việc dự trữ một lượng lớn những loại gỗ đắt tiền dành cho xuất khẩu đã khiến TTF chịu mất mát khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến vào năm 2008. Khủng hoảng kinh tế khiến khách hàng không đặt những loại gỗ đắt đỏ nữa, mà chỉ xài đồ rẻ tiền. Thị trường quay ngoắt 180 độ, TTF bị chôn vốn trong khi thiếu tiền để làm những mặt hàng rẻ hơn phục vụ thị trường.

Việc trồng rừng với mục đích chủ động nguồn nguyên liệu để phát triển bền vững thì hóa ra lại góp phần đẩy doanh nghiệp này đến với bề vực sụp đổ khi mà nguồn vốn tài trợ cho dự án lại là vốn vay. Lạm phát phi mã đẩy lãi suất cho vay lên cao khiến TTF rơi vào tình cảnh khốn đốn.

TTF cùng lúc phải đối mặt với doanh số cũng sụt giảm mạnh, trong khi chi phí lãi vay lớn đã đưa doanh nghiệp vào tình thế nguy kịch, mất khả năng thanh toán.

Cục diện lúc đó đã có những xoay chuyển với những tình tiết hết sức bất ngờ. Bằng những việc làm chưa có tiền lệ, ông Võ Trường Thành đã xoay chuyển được tình thế để đưa TTF trở lại mạnh mẽ .

Ông là người đầu tiên mua doanh nghiệp nước ngoài, Ông lại là người đầu tiên phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá đồng thời cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên thuyết phục được DATC mua nợ. Kế đến là câu chuyện phát hành thành công khoản vay chuyển đổi 1.200 tỷ đồng cho công ty con của Vingroup là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát vào cuối năm ngoái.

Với một loạt những giải pháp được thực thi cùng với “chiếc phao” đến từ Tập đoàn Vingroup, cổ phiếu TTF đã được nhà đầu tư săn đón trên thị trường với kỳ vọng nhờ nguồn lực của VIC, TTF sẽ bay cao bay xa…

Ông Võ Trường Thành cũng từng chia sẽ với cổ đông rằng việc trở thành công ty con của VIC sẽ giúp công ty phát triển mạnh hơn. Phần vốn của gia đình ông tại TTF giảm xuống, nhưng giá trị thì lại tăng lên. Cổ đông cũng tin là như vậy, khi giá cổ phiếu TTF ngấp nghé dưới ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu, nhiều đồn đoán cho rằng thời gian tới cổ phiếu TTF sẽ vượt lên mức 50.000 đồng/cổ phiếu và cao gấp cả chục lần so với mức giá khủng hoảng.

Ông Thành khi đó còn được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị Công Ty Cổ Phần Khoáng Sản và Xây Dựng Bình Dương ( BIMICO), một doanh nghiệp khai thác đá xây dựng có hiệu quả kinh doanh rất tốt trên sàn chứng khoán Tp.HCM.

Đó là thời điểm mà nhiều người cho rằng Ông Thành cùng gia đình đã tiến lên nấc thang cao hơn trong sự nghiệp. Uy tín cũng như khả năng chèo lái con thuyền TTF vượt bão của ông đã gây tiếng vang trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị tài sản của gia đình Ông cũng đã tăng lên đáng kể. Và lẽ dĩ nhiên, nhiều cổ đông và nhà đầu tư cũng vô cùng hào hứng khi giá cổ phiếu TTF lên cao.

Những tưởng đó là một kết cục hoàn hảo của vị doanh nhân này. Thế nhưng, với những bê bối vừa được phanh phui gần đây, ông chủ của Gỗ Trường Thành đã phải ra đi sớm hơn dự kiến.

Sự việc là công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (cổ đông lớn của Trường Thành) đột ngột thông báo tạm dừng giải cứu khoản nợ 1.202 tỉ đồng của Trường Thành vì phát hiện “sai lệch nghiêm trọng” trong việc ghi nhận hàng tồn kho và nợ khó đòi.

Theo kết quả kiểm kê, Ernst & Young đã phát hiện, TTF thiếu tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho so với báo cáo và khoản dự phòng phải thu khó đòi ngắn hạn của TTF đã được điều chỉnh lên mức 258 tỷ đồng (cập nhật tại thời điểm 30/06/2016). Kết quả sau khi kiểm toán đã khiến lỗ lũy kế của TTF đến cuối quý II là 1.082 tỷ đồng, bay mất 75% vốn điều lệ của công ty này.

Sự việc này đã gây chấn động giới đầu tư, bởi lẽ trong kỳ đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào tháng 7, chưa ai được biết rõ con số “sai lệch” lại lớn đến như vậy. Và sự sai lệch này ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Hy sinh cho một sứ mệnh?

Chỉ khoảng hơn 2 tháng trước, ngay sau mùa đại hội cổ đông, sau những ngày đi qua "giông bão" ông Võ Trường Thành đã dành cho NDH một cuộc phỏng vấn dài hơn 3h và ông đã chia sẻ câu chuyện của mình như trút bầu tâm sự mà không hề né tránh điều gì.

Khi được hỏi về số nợ ông cũng trả lời rất thật rằng, ông đã “show” hết nợ ra cho các nhà đầu tư để cùng có phương án xử lý thì những đề xuất của ông thì người ta mới cảm thấy hữu lý hơn. "Như vậy thì muốn trình bày các con đường phải đi thì buộc chúng ta phải chân thật hết, không giấu diếm gì cả", ông nói.

Trong cuộc trao đổi với NDH, khi được hỏi, vì sao TTF lại chào bán cho Tân Liên Phát thành công và nhanh như vậy thì ông Thành cho biết, "do có kết quả thẩm định và định giá của các tổ chức đã quan tâm đầu tư trước đó là Sun Chang, OJI… nên không mất nhiều thời gian để họ thẩm định lại".

Thậm chí ông cũng thừa nhận rằng mình đã có chút gì đó hơi thiếu minh bạch khi thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ, nhưng với tình hình cấp bách, để thực hiện đúng kế hoạch tái cấu trúc và uy tín với các chủ nợ, ông buộc phải âm thầm thực hiện. Ông cũng chia sẻ rằng, phía Vingroup chỉ chấp nhận nhảy vào TTF nếu ông chịu lèo lái TTF thêm một thời gian nữa.

"Đối với sự nghiệp của tôi và gia đình thì sau khi công ty đã tái cấu trúc thành công cũng đã mãn nguyện lắm rồi. Có những người họ có tư tưởng rằng quyết định khó khăn nhất là khi xa rời quyền lực. Tôi thì không nghĩ như vậy. Tôi nghĩ rằng nếu công ty không đi lên được thì nắm quyền lực cũng chẳng để làm gì", ông Thành nói.

Bài phỏng vấn dài của ông sau đó đã không được xuất bản vì ông không đồng ý, mà theo giải thích là ông không còn quyền phát ngôn về TTF. Sự thật đằng sau câu chuyện chắc sẽ rõ ràng hơn khi ông Thành lên tiếng.

Chưa biết sự việc trên sẽ dẫn đến kết quả trên như thế nào, nhưng trước mắt, chiếc ghế chủ tịch tại KSB cũng đã không còn nữa. Và cay nghiệt hơn, là chiếc ghế vàng tại chính công ty do mình dày công xây dựng suốt 23 năm cũng đã bị tước đi từ những người mới. Ngoài ra, cũng có thể ông Thành chấp nhận ra đi vì có thể đã hoàn thành sứ mệnh của mình.

Trong câu chuyện với NDH, ông Thành cũng kể rằng, lúc đang khó khăn, ông từng nói với con trai của mình là Võ Diệp Văn Tuấn rằng, là nếu bây giờ ông bước ra khỏi công ty và giao lại hết cho ngân hàng thì gia đình ông vẫn sống bình thường, tài sản, nhà cửa đất đai cái gì cũng có hết. Nhưng về danh chánh, sự nghiệp sau này thì đó là một vết nhơ và ông không xứng đáng để nhìn lại chuyện sau này đối với cổ đông hay là dạy con dạy cháu cũng không nên lời. Do đó, ông đã quyết định là sẽ chiến đấu tới cùng.

Quả thật TTF đã được cứu, công ty đã được giữ lại, nhưng rõ ràng việc ra đi sớm và trong tư thế không mấy tốt đẹp như vậy chắc chắn cũng là một ký ức buồn cho doanh nhân tên tuổi một thời.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF cũng đã bị đưa vào diện kiểm soát và chỉ được giao dịch trong phiên chiều nhưng vẫn liên tục lao dốc, mất đến 2/3 giá trị so với trước khi vụ bê bối diễn ra nhưng vẫn chưa thoát khỏi đà bán tháo. Những tiếng khóc than của nhà đầu tư vào cổ phiếu TTF đang vang vọng lên trên khắp các diễn đàn chứng khoán và vẫn chưa dừng lại.

Tuy nhiên, trong một diễn biến khác, trong một chuyến tham quan nhà máy của TTF ở Bình Dương của phóng viên NDH cùng với một công ty chứng khoán mới đây cho thấy, hoạt động kinh doanh của nhà máy vẫn diễn ra bình thường, xe chở hàng vẫn ra vào nhộn nhịp. Thậm chí công ty này đang treo bảng tuyển 1.000 công nhân cho nhà máy mà TTF vừa mua lại của một doanh nghiệp Hàn Quốc ở kế bên.

Theo Huy Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM