Do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, doanh thu của SCG – đồng chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, giảm 7% trong 6 tháng đầu năm 2019

02/08/2019 07:00 AM | Kinh doanh

Mặc dù là doanh nghiệp của Thái Lan, song SCG vẫn chịu tác động liên đới bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung, khiến doanh thu bán hàng trong nửa đầu năm 2019 của họ giảm 7% so với 2018. Chỉ mỗi thị trường Việt Nam là vẫn giữ được phong độ.

Việt Nam là một trong những số ít thị trường mà SCG vẫn giữ được phong độ

Tập đoàn SCG vừa công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán của mình trong quý II/2109. Trong đó, doanh thu bán hàng đạt 80.453 tỷ đồng (3,453 tỷ USD), giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá hoá chất giảm; và sụt giảm 3% so với quý trước, do sự đi xuống ở hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn.

Lợi nhuận quý II (chưa có khoản điều chỉnh trợ cấp thất nghiệp) giảm xuống 6.695 tỷ đồng (287 triệu USD), giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái và 22% so với quý trước, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại lên lợi nhuận hoá chất và thất thoát hàng hoá với giá trị 848 tỷ đồng (36 triệu USD). Nếu tính cả khoản điều chỉnh trợ cấp thất nghiệp 1.500 tỷ đồng (64 triệu USD), lợi nhuận của SCG trong quý đạt 5.195 tỷ đồng (223 triệu USD).

Theo đó, doanh thu bán hàng của SCG trong nửa đầu năm 2019 giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 162.489 tỷ đồng (7,005 tỷ USD), chủ yếu do giá hoá chất giảm.

Lợi nhuận trong kỳ (chưa tính các khoản điều chỉnh trợ cấp thất nghiệp), giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 15.217 tỷ đồng (656 triệu USD), do lợi nhuận ngành hoá chất suy giảm trước bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang có xu hướng lan ra toàn cầu.

Tuy nhiên, ngành xi măng – vật liệu xây dựng của tập đoàn lại đạt doanh số cao hơn nhờ sự hồi phục của thị trường xây dựng trong khu vực Đông Nam Á. Nếu tính cả khoản điều chỉnh trợ cấp thất nghiệp, lợi nhuận trong kỳ của SCG đạt 13.724 tỷ đồng (592 triệu USD).

Do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, doanh thu của SCG – đồng chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, giảm 7% trong 6 tháng đầu năm 2019 - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy BATICO của SCG ở Việt Nam.

Dựa trên báo cáo quý II/ 2019, SCG Việt Nam sở hữu giá trị tài sản lên tới 55.753 tỷ đồng (2,392 tỷ USD), với tổng doanh thu bán hàng đạt 7.897 tỷ đồng (339 triệu USD), bao gồm doanh thu bán hàng từ các công ty thành viên tại Việt Nam và doanh số nhập khẩu từ Thái Lan, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam là một trong những số ít thị trường mà SCG vẫn giữ được phong độ trong nửa đầu năm 2019. Doanh số bán hàng của thị trường Việt Nam đạt 14.654 tỷ đồng (632 triệu USD), tương đương với cùng kỳ năm trước.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều SCG, cho biết: "Mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi tác động của chiến tranh thương mại, suy giảm kinh tế toàn cầu, điều chỉnh trợ cấp thất nghiệp cũng như thất thoát hàng hóa, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của quý II và nửa đầu năm 2019, đặc biệt trong ngành hoá chất.

Song SCG vẫn sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất các sản phẩm và dịch vụ HVA (giá trị gia tăng), đồng thời đưa mô hình ‘kinh tế tuần hoàn’ vào các hoạt động của tập đoàn, nhằm mang đến các giải pháp toàn diện cho khách hàng. Tập đoàn cũng sẽ tập trung đẩy nhanh các dự án đầu tư nhằm mang lại giá trị kinh doanh theo đúng mục tiêu đề ra.

Với hai chiến lược chủ đạo này, SCG sẽ có thể tăng khả năng phục hồi từ những biến động kinh tế toàn cầu, cùng cách quản lý tập trung vào tăng trưởng dài hạn và ổn định".

Ngành bao bì tăng trưởng ngoạn mục nhờ thương mại điện tử và công nghiệp thức ăn nhanh

Hiện tại, ngành xi măng – vật liệu xây dựng của SCG đang trên đà tăng trưởng mạnh, đặc biệt là nhờ các khoản đầu tư liên tục vào các dự án xây dựng của chính phủ Thái Lan cùng với tiến triển kinh tế khả quan từ các nước trong khu vực, ngoại trừ Indonesia đang đối mặt với suy giảm nhu cầu nội địa. Vì vậy, SCG đã chủ động khám phá các thị trường tiềm năng và tăng trưởng nhanh như ngành công nghiệp bán lẻ.

Ngoài ra, ngành hậu cần - logistics của SCG cũng mở rộng quy mô các nhà kho có thể kiểm soát nhiệt độ. Bên cạnh đó, SCG cũng nỗ lực mang đến các giải pháp toàn diện cho khách hàng như các giải pháp về mái ngói giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, ngăn thấm dột, tăng độ bền màu và mang lại sự tiện nghi, thoải mái cho gia chủ.

Do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, doanh thu của SCG – đồng chủ đầu tư Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, giảm 7% trong 6 tháng đầu năm 2019 - Ảnh 2.

SCG kỳ vọng rất nhiều vào việc mua cổ phần của nhà máy Fajar.

Ngành bao bì của SCG đạt mức tăng ngoạn mục với tiềm năng mở rộng cùng với đà tăng trưởng kinh tế nội địa và khu vực, đặc biệt tại ASEAN. Một số yếu tố quan trọng khác bao gồm: sự bùng nổ thương mại điện tử và sự tăng trưởng của ngành công nghiệp thức ăn nhanh. SCG tập trung thúc đẩy phát triển kinh doanh bằng cách mở rộng quy mô sản xuất tại nhà máy UPPC (Philippines) và BATICO (Việt Nam), bên cạnh việc mua cổ phần tại Fajar – nhà sản xuất bao bì giấy chủ chốt ở Indonesia.

Để duy trì sự ổn định, SCG đề cao tầm quan trọng của quy trình quản lý tiền mặt, bằng cách duy trì dòng vốn hoạt động ở mức hợp lý. Vào cuối quý II/2019, SCG có lượng tiền mặt và tiền mặt quản lý đạt mức 32.277 tỷ đồng (1,385 tỷ USD). Đây là mức hợp lý với kế hoạch đầu tư và môi trường kinh doanh biến động. Ngoài ra, chiến lược này cũng tái đánh giá các dự án đầu tư với trọng tâm được đặt vào các dự án có thể nhanh chóng tạo ra giá trị.

Ví dụ điển hình như việc mua cổ phần tại Fajar, sẽ giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh của ngành bao bì SCG trong quý III/2019. Những dự án đang được triển khai như Tổ hợp Hoá dầu Miền Nam (LSP) cũng sẽ được thúc đẩy tiến độ để kịp kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, SCG cũng tìm cách nâng cao hiệu quả sản xuất và cắt giảm chi phí nhờ sử dụng công nghệ. Tập đoàn cũng xúc tiến hợp tác phát triển công nghệ số với khoản đầu tư 22.000 tỷ đồng (95 triệu USD) vào các công ty khởi nghiệp hàng đầu thế giới trong thời gian 5 năm (từ 2017 tới 2021). SCG cũng khuyến khích các đơn vị khởi nghiệp bên trong tập đoàn và thúc đẩy sự hợp tác giữa các phòng ban để phát triển các công nghệ chuyên sâu, thống nhất các hoạt động của SCG trong tất cả các đơn vị kinh doanh cốt lõi.

SCG cũng tập trung thúc đẩy các cơ hội xuất khẩu toàn cầu. Ví dụ: xuất khẩu bao bì sang Trung Quốc và các thị trường ASEAN, hay xuất khẩu các sản phẩm trần và tường của ngành xi măng – vật liệu xây dựng sang thị trường Hàn Quốc, hướng tới mở rộng sang thị trường Châu Âu.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM