Đồ chơi Việt “chật vật” tìm đất sống

30/05/2016 08:50 AM | Kinh tế vĩ mô

Các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi nội địa vẫn đang loay hoay tìm cách tồn tại trước sức ép từ đồ chơi ngoại nhập ngày càng lớn hiện nay.

Vào mùa nhưng vẫn “buồn thiu”

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đang đến gần, thị trường đồ chơi trở nên nóng hơn bao giờ hết. Theo khảo sát của phóng viên trên một số tuyến phố như Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược, Chùa Bộc, Khương Thượng,… các loại đồ chơi với đa dạng mẫu mã và chủng loại đã được bày bán khá tấp nập.

Tuy nhiên, đa phần đồ chơi được tiêu thụ mạnh là đồ chơi của Trung Quốc, còn đồ chơi của Việt Nam vẫn chỉ khiêm tốn với một vài mẫu mã và không được nhiều người hỏi mua.

Nhiều người bán đồ chơi nhận định, nhược điểm của đồ chơi nội địa là ít có sự đầu tư về khâu thiết kế, công nghệ chậm đổi mới. Trong khi đó, đồ chơi ngoại, nhất là đồ chơi Trung Quốc vẫn tỏ ra khá hấp dẫn thị trường khi năm nào cũng có nhiều nhãn hiệu mới với màu sắc bắt mắt cùng giá cả phải chăng.

Những năm gần đây, để đáp ứng tiêu chí an toàn và mới lạ, các thương hiệu đồ chơi nhập ngoại từ Thái Lan, Nhật Bản cũng ồ ạt tràn về với giá cả không quá đắt, đa phần người tiêu dùng đều chấp nhận được. Những mặt hàng này tập trung vào chất lượng sản phẩm, giấy tờ bảo hành đi kèm cùng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đã thu hút nhiều bậc phụ huynh quan tâm tìm mua cho con em mình.

Theo TS. Vũ Thị Thanh Thủy, Trưởng bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Đại học Lao động xã hội, hiện nay doanh nghiệp đồ chơi Việt đang gặp nhiều khó khăn. Nhập khẩu đang “tranh tối, tranh sáng”, vẫn có tình trạng “đi đêm”, lợi dụng chính sách tiểu ngạch để nhập sản phẩm lậu, khiến sản phẩm nhập vào bán với giá rẻ, phá giá ở thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm định có phần chưa chuẩn, thiếu chặt chẽ, khó kiểm soát. Điều này phần nào khiến các doanh nghiệp nội chật vật tìm đất sống, khó khăn trong tiếp cận ưu đãi, bà Thủy nhận định.

Về đâu đồ chơi Việt?

Nghiên cứu từ Nkind cho thấy, tổng dung lượng thị trường phục vụ trẻ em trong nước gồm hàng hóa, dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí ước tính gần 5,2 tỷ USD/năm. Đây là thị trường có nhu cầu mạnh mẽ về dịch vụ cho trẻ em nhưng doanh nghiệp trong nước chưa khai thác được tiềm năng, để “khoảng trống” lớn trong tiếp cận và chiếm thị phần, do đó doanh thu cũng còn khiêm tốn.

Một doanh nghiệp sản xuất đồ chơi bằng gỗ tại Cầu Giấy, Hà Nội nhận định, doanh nghiệp nội địa dù rất nỗ lực nhưng vẫn khó vươn lên. Nguyên nhân một phần vì môi trường cạnh tranh thiếu minh bạch, lẫn lộn sản phẩm trôi nổi, khó truy xuất nguồn gốc.

Người này cũng cho biết, ở Việt Nam vẫn có tình trạng nhiều cơ sở sản xuất đồ chơi không có xưởng mà chỉ đăng ký trên danh nghĩa và nhập hàng ngoại về dán nhãn sản phẩm. Điều này khiến thị trường thêm rối loạn, môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh còn người tiêu dùng thì mất niềm tin.

Khó khăn là vậy nhưng theo một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất đồ chơi trẻ em, doanh nghiệp nội vẫn có thể tồn tại và nổi bật trên thị trường. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đi sâu vào thị trường ngách, những thị trường mà công ty nước ngoài chưa để ý tới.

Một trong những thị trường ngách quan trọng là mảng dịch vụ với việc đầu tư phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí đề cao tính giáo dục, nhân văn, thể lực cho các em. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể khai thác dịch vụ y tế phục vụ trẻ em đồng thời đẩy mạnh các sản phẩm thiết yếu dành cho mẹ và bé.

Trong bối cảnh ngành kinh doanh đã bão hòa, các doanh nghiệp muốn phát triển cần đi sâu khai phá những thị trường ngách nhiều hơn nữa. Quy mô ngành đồ chơi trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, và cơ hội thành công là không nhỏ đối với những doanh nghiệp có bước đi phù hợp.

Theo TUYẾT NHUNG

Cùng chuyên mục
XEM