Đố bạn: Ngựa vằn là trắng sọc đen hay đen sọc trắng?

14/03/2017 21:31 PM | Khoa học

Câu hỏi này đã gây đau não cho các nhà khoa học trong thời gian dài. Bạn nghĩ sao? Ngựa vằn có màu gì?

Bạn có nhớ cảnh trong phim Madagascar, khi mà sư tử Alex vì quá đói nên đã lỡ "cạp" mông ngựa vằn Martin và ngụy biện rằng mình muốn biết Martin trắng sọc đen hay đen sọc trắng hay không?

Cuối cùng, Alex đếm ra 30 sọc đen và 29 sọc trắng, do đó đã kết luận rằng Martin có màu đen sọc trắng.

Kết luận của Alex có đúng không? Khoa học đã đưa ra giải đáp cho câu hỏi xoắn não này.

Màu của ngựa vằn chính xác là gì?

Màu lông của tất cả các loài động vật lớp thú đều được chỉ định bởi một tế bào sản xuất hắc tố melanin, gọi là melanocyte, nằm ở trong nang lông.

Trong trường hợp của ngựa vằn, melanocyte trong nang lông kích hoạt sắc tố đen. Tuy nhiên, một số khu vực trên da ngựa vằn lại ức chế các tế bào này, tạo ra các sọc trắng. Nói cách khác, màu trắng có mặt ở đây là do các tế bào melanocyte bị ức chế, không thể hoạt động.

Điều này có nghĩa rằng màu sắc chính của ngựa vằn là màu đen, với sọc trắng tô điểm thôi.

Bộ lông của ngựa vằn đặc biệt nhất đồng cỏ

Ngựa vằn trông thật nổi bật giữa một rừng động vật hoang dã châu Phi. Đặc biệt cảnh sắc chán phèo của đồng cỏ savan lại càng "tôn" lên bộ lông đặc sắc của chúng.

Nhưng rõ ràng, càng nổi bật thì lại càng dễ thành bữa trưa ngon lành cho sư tử hay bất kỳ loài thú ăn thịt nào khác. Thế vì sao tự nhiên lại ban cho chúng một bộ lông "độc quyền" như vậy?

Nổi bật thì sẽ bị cạp mông như thế này

Brenda Larison, nhà sinh vật học tại ĐH California, Los Angeles và các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu 16 quần thể ngựa vằn trên khắp châu Phi. Họ đã xem xét 29 yếu tố môi trường khác nhau như: độ ẩm đất, lượng mưa, dịch bệnh, sự phân bố của sư tử... để tìm ra đâu mới là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sọc vằn trên bộ lông của chúng.

Cuối cùng, đáp án họ tìm ra chính là nhiệt độ: nơi nào càng nóng thì ngựa vằn nơi đó càng có nhiều sọc.

Có 2 giả thuyết được đưa ra để giải thích cho việc này.

Thứ nhất, màu đen hấp thụ nhiều nhiệt hơn màu rắng, do đó khi có một luồng gió thổi đến, nó sẽ tác động nhanh và mạnh với phần sọc đen và chậm hơn đối với sọc trắng. Chỗ giao nhau giữa 2 sọc, gió sẽ tạo thành một vòng gió xoáy nhỏ để làm mát da ngựa vằn.

Chính vì hiệu ứng làm mát này mà nhiệt độ da trung bình của một con ngựa vằn nhiều sọc sẽ thấp hơn khoảng 3 độ C so với những con thú không có sọc trong cùng một môi trường.

Thứ hai, nhiệt độ da thấp của ngựa vằn có thể giúp chúng chống đỡ bệnh tật. Do các loại côn trùng truyền bệnh chỉ thích nhiệt độ cao, nên màu lông này sẽ góp phần xua đuổi chúng bằng cách hạ nhiệt độ da như ở trên đã nói.

Theo Thiên Dung

Cùng chuyên mục
XEM