DN đầu tư vào nông nghiệp, nông dân mất đất: Bộ trưởng Nông nghiệp nghĩ như thế nào?

19/09/2016 09:29 AM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều ý kiến cho rằng, các DN đầu tư trong nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc tích tụ ruộng đất vào các đơn vị sản xuất khiến nông dân mất tư liệu sản xuất. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, không phải cứ có đất mới là có đời sống.

Ngành Nông nghiệp đã thực hiện đề án tái cơ cấu được 3 năm, tuy nhiên việc thu hút đầu tư của các DN (doanh nghiệp) vào lĩnh vực này còn rất hạn chế. Điều này dẫn đến khó khăn trong định hướng chuyển ngành nông nghiệp Việt Nam sang nền sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đất đai là một trong những nút thắt khiến DN khó khăn trong đầu tư vào nông nghiệp.

Chỉ chưa đến 1% DN đầu tư vào Nông nghiệp, trong đó 90% là DN nhỏ

- Xin chào Bộ trưởng. Có thể nói 2016 là một năm đầy khó khăn đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, lần đầu tiên ngành có mức tăng trưởng âm. Vậy nguyên nhân do đâu?

- Chúng ta biết rằng nửa đầu năm, lần đầu tiên trong nhiều năm nông nghiệp có GDP tăng trưởng âm 0,18%, gây ra tác hại lớn. Cho đến nay, nông nghiệp vốn chiếm vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, 70% số dân vẫn sống ở khu vực nông nghiệp và hiện có 46% lao động trong khu vực này.

Những năm qua, nông nghiệp trở thành điểm đệm trong nền kinh tế, nhất là thời điểm kinh tế khó khăn. Do vậy, việc tăng trưởng âm là điều trăn trở chung của toàn ngành, tác động không nhỏ tới đời sống bà con nông dân, nhất là vùng khó khăn.

Biến đổi khí hậu làm tất cả vùng sản xuất bị đảo lộn. ĐBSCL nguy cơ ngập tới 1m sau 100 năm nữa, ảnh hưởng tới tất cả vùng sản xuất trọng điểm.

Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, hàng nông sản có cơ hội đi quốc tế nhiều hơn nhưng phải chấp nhận cạnh tranh khốc liệt với nông sản phẩm hàng hóa thế giới ở quốc gia có lợi thế hơn nhiều về tài nguyên, khoa học, sức sản xuất, quản trị… . Cùng lúc, chúng ta chịu 3 áp lực. Do đó, chúng ta không còn con đường nào khác phải tái cơ cấu ngành.

- Sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu, ngành Nông nghiệp đã có những nỗ lực nhất định nhằm thu hút đầu tư từ DN. Tuy nhiên, số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực này hiện nay vẫn chưa đáng kể?

- Để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, DN là hạt nhân cốt yếu, làm nền tảng cho mọi liên kết thực hiện được nền sản xuất hàng hóa tập trung.

Đến nay có khoảng 3.643 DN đầu tư vào nông nghiệp/gần nửa triệu DN đầu tư vào 3 khu vực nền kinh tế. Về số lượng thì còn ít chưa đến 1%, trong đó 90% số DN đầu tư là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Số DN lớn mang tính đầu tàu còn ít.

- Việc thực hiện Nghị định 210 của Chính phủ về Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thời gian vừa qua không được như kỳ vọng. Một số DN cho rằng còn nhiều bất cập. Ông đánh giá như thế nào?

- Thời gian qua, chủ trương, chính sách, cơ chế liên tục được hoàn thiện, trong đó có nội dung tập trung làm sao đổi mới khuyến khích DN đầu tư phát triển kinh tế nói chung, trong đó có nông nghiệp.

Trước đó có Nghị định 61, sau đó sửa đổi, gần đây nhất là Nghị định 210 nhằm thu hút ưu đãi khuyến khích DN tập trung đầu tư vào nông nghiệp. Đến nay, một số nơi làm tốt, còn bình diện chung một số nội dung của chính sách 210 chưa đi vào cuộc sống được.

Nguyên nhân do, thứ nhất, Nghị định 210 áp dụng trên mọi vùng miền tuy nhiên điều kiện phát triển mọi vùng miền khác nhau, chính sách chưa phân định được.

Thứ hai, áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư theo Nghị định 210, mức tối đa chỉ 2,5 tỷ đồng. Đầu tư nông nghiệp rủi ro lớn, một số ngành hàng yêu cầu vốn lớn trong khi Trung ương còn phải điều tiết về ngân sách thì bản thân địa phương gặp khó trong kinh phí, bởi Trung ương chỉ tập trung dự án đầu tư lớn, phân khúc lớn.

Bên cạnh đó, một số hình thức tín dụng hay trong vấn đề tiếp cận đất đai còn đang bất cập. Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT và các Bộ liên quan khảo sát, đánh giá, đề xuất tiếp tục có kiến nghị để Nghị định 210 sát thực tiễn hơn, khuyến khích DN đầu tư.

- Một trong những nút thắt hạn chế các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là vấn đề tích tụ đất đai để có vùng sản xuất lớn, hàng hóa. Vậy làm sao có thể tháo gỡ được nút thắt này, thưa ông?

- Đúng là một trong những khó khăn hiện nay đang kìm hãm DN đầu tư là nút thắt về đất đai. Tất cả DN đầu tư muốn sản xuất phải có đất.

Năm 1993, chúng ta đã thực hiện giao đất cho nông dân để ổn định lâu dài, đến khi nhu cầu cần tập trung thì phải đối mặt với khó khăn.

Để giải quyết cho DN, nhiều tỉnh đã sáng tạo cách làm. Ví dụ: tại Hà Nam, những nơi nông dân cảm thấy làm hiệu quả không bằng dồn vào một tổ chức làm tốt hơn thì trên cơ sở dân tự nguyện, tỉnh đại diện giao lại đất cho DN. Quyền sử dụng đất vẫn của nông dân nhưng chuyển quyền sử dụng trong giới hạn thời gian nhất định cho DN.

Hay tại tỉnh Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này bị giới hạn bởi hạn điền.

Hiện nay, quy định hạn điền cho phép DN tiếp nhận chuyển nhượng chỉ giới hạn 20-50 ha. Thế nhưng, DN tổ chức làm tốt vẫn tích tụ được diện tích nhất định.

Tiếp theo là hình thành các hợp tác xã. Nhiều nông dân xúm vào cùng nguyện vọng, thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt với DN. Con đường này đúng luật.

Sau khi giao đất ổn định lâu dài cho nông dân, Nhà nước đã có những thể chế, cơ chế để nông dân thực hiện quyền. Tuy nhiên, chế tài làm cái này phải rõ hơn nhằm tạo điều kiện cho DN có đất tổ chức sản xuất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Không phải cứ có đất là có đời sống!

- Các DN đầu tư trong nông nghiệp cũng đồng nghĩa với việc tích tụ ruộng đất vào các đơn vị sản xuất. Có không ít ý kiến lo lắng, việc này sẽ dẫn đến nông dân sẽ mất tư liệu sản xuất. Ý kiến ông thế nào?

- Ở đây cần làm rõ, khi thực hiện chính sách giao quyền sử dụng đất cho nông dân cũng tính tới tích tụ, nên đã có quyền chuyển nhượng quyền đó cho người sản xuất lớn hơn. Luật quy định rõ điều này.

Không phải cứ có đất là có đời sống. Đời sống nhân dân, việc làm nhân dân mới đáng chú ý. Sử dụng đất đã có chế tài quy định. Ai làm việc tốt hơn thì làm, sản xuất trên quy mô lớn có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến kỹ thuật, quản trị để ra nhiều việc làm hơn. Thu nhập của người dân, DN và tổ chức sản xuất cũng cao hơn.

- Vấn đề vốn, các thủ tục hành chính là những khó khăn, rào cản để DN đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, DN đầu tư vào NN có sự rủi ro cao và tỷ suất lợi nhuận thấp. Bộ Nông nghiệp có giải pháp gì?

- Hiện nay sản xuất của DN trong tình trạng chung, mọi điều kiện vốn tham gia sản xuất kinh doanh vẫn cần lượng lớn về tín dụng, thậm chí tới 80-90%.

Trong nông nghiệp thời gian qua, tín dụng hệ thống ngân hàng thương mại có sự chuyển đổi nhanh. Ví dụ, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, trong 6 năm qua, tổng số đầu tư vào thì 51% là tín dụng.

Trong mục nông thông nông nghiệp tỷ lệ nợ xấu rất thấp. Dư địa đầu tư vào nông nghiệp nông thôn còn rất lớn.

Thời gian qua, DN ngân hàng thương mại đã tập trung có chuyển biến đầu tư bằng cải cách hành chính thủ tục. Trước yêu cầu thực tế, ngành ngân hàng phải tiếp tục đổi mới.

Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để tập trung vào các gói tái cơ cấu ngành hàng, cấp tỉnh, địa phương…, phối hợp tập trung sâu hơn vào tái cơ cấu theo hướng này.

- Một tín hiệu tốt hiện nay là có những DN lớn, quan tâm đầu tư vào nông nghiệp. Đây sẽ là cú hích quan trọng để hình thành các liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. Theo ông, những đơn vị này có đảm bảo được vai trò này không?

- Điều đáng mừng gần đây nhiều DN lớn đã nghiên cứu và quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Ví dụ Vingroup đã lập Vineco với số vốn 2.000 tỷ đồng với chiến lược 2 năm phấn đấu hoàn thành khoảng 300 nhà kính phát triển tập trung sản xuất rau sạch; tập trung phát triển chuỗi mặt bằng phân phối nông sản ở các vùng miền. Sau 1 năm, qua quá trình thăm quan, một số đã đi vào sản xuất như 46 nhà kính ở Tam Đảo, đang triển khai ở Hải Phòng và một số nơi.

Trong chuỗi sản phẩm về thịt lợn, gà có Dabaco ở Bắc Ninh. Một năm, công ty sản xuất tới 45 triệu con giống, mỗi ngày 1 triệu trứng thương phẩm, 8 siêu thị phân phối sản phẩm sạch... DN đã nhìn thấy tiềm năng, khả năng có thể sinh lời trong nông nghiệp. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Mỹ Lan (ghi)

Cùng chuyên mục
XEM