Điều sốt ruột của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

15/05/2016 19:41 PM | Kinh tế vĩ mô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các Bộ ngành phải tìm cách rút ngắn thời gian soạn thảo và ban hành các văn bản về điều kiện kinh doanh phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.

Đây là ý kiến tiếp theo của Thủ tướng về vấn đề này, sau kết luận của ông tại cuộc họp ngày 25/4 về tình hình triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đã được Văn phòng Chính phủ phát đi tại Thông báo số 66/TB-VPCP ngày 27/4/2016.

Nếu kết luận của Thủ tướng tại Thông báo số 66/TB-VPCP đề cập tới toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, thì ý kiến chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng tập trung vào vấn đề điều kiện kinh doanh.

Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1/7/2016 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực.

Đây được coi là nội dung cải cách nổi bật nhất trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, nhưng cũng vấp phải nhiều khó khăn, rào cản nhất trong triển khai, mà trước tiên là do khối lượng công việc rất lớn với thời gian còn lại rất hạn hẹp.

Đến nay, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời hạn cuối cùng, trong khi theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện có hàng nghìn điều kiện kinh doanh tại hàng trăm thông tư của các Bộ ngành.

Đã có những ý kiến đề nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xin lùi thời hạn đến sau ngày 1/7, tiếp tục áp dụng các thông tư để có thêm thời gian xây dựng nghị định. Tuy nhiên, Thủ tướng đã yêu cầu việc ban hành các nghị định phải kiên quyết xong trước 1/7, đúng thời hạn luật định và phải trình Chính phủ các dự thảo nghị định trước ngày 30/5.

Nay, còn đúng nửa tháng nữa là tới thời hạn, Thủ tướng yêu cầu các bộ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ ban hành văn bản về điều kiện đầu tư kinh doanh; các Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo việc soạn thảo, có biện pháp rút ngắn thời gian soạn thảo, thẩm định, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo.

“Hết thời hạn nêu trên, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa ký trình Chính phủ các nghị định trong phạm vi quản lý sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng chỉ rõ.

Đồng thời các Bộ trưởng phải chỉ đạo quyết liệt việc tập hợp, rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh đang quy định tại các thông tư, quyết định của Bộ trưởng, gửi kết quả rà soát đến Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trước ngày 21/5/2016.

Thủ tướng cũng yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan có liên quan. Cụ thể, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan chủ trì soạn thảo rút ngắn thời gian thẩm định, có văn bản thẩm định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo nghị định.

Đối với các dự thảo nghị định đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ phải tập trung ưu tiên thẩm tra, rút ngắn thời gian trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hằng tuần, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xây dựng các văn bản.

Hiện các Bộ ngành đang triển khai thực hiện yêu cầu này. Chẳng hạn, Bộ NN&PTNT vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, bao trùm toàn bộ 8 lĩnh vực quản lý, thay thế toàn bộ 37 thông tư của Bộ.

Bộ Y tế đang dự thảo hàng loạt Nghị định, như dự thảo Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, kiểm nghiệm thực phẩm… Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa…

Có thể còn có những ý kiến khác nhau về tính hợp lý, tính cần thiết và tính hiệu quả của các điều kiện kinh doanh trong các dự thảo Nghị định, nhưng đây là nỗ lực rất lớn và đáng hoan nghênh, đặc biệt là của Bộ NN&PTNT.

Chính phủ và Thủ tướng đã nhiều lần thể hiện quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân, tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, dứt khoát loại bỏ các “giấy phép con” đang là thử thách lớn nhất và rõ ràng nhất với Chính phủ trong việc thực hiện những cam kết ấy.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang đặc biệt quan tâm và có thể nói ông đang “sốt ruột” trước tiến độ xây dựng các văn bản về điều kiện kinh doanh. Chỉ còn khoảng hai tuần nữa để các Bộ ngành trình Chính phủ, nhưng nhiều văn bản vẫn chưa được “trình làng”. Trong khi, nếu không thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng, thì cải cách lớn nhất của Luật Đầu tư, với mục tiêu kiểm soát các điều kiện kinh doanh, có thể bị vô hiệu hóa.

Thời gian không còn nhiều trong khi tình hình đang rất gấp rút. Người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang trông đợi những hành động quyết liệt từ phía các Bộ ngành để thực thi quyết tâm chính trị của Thủ tướng.

Theo Hà Chính

Cùng chuyên mục
XEM