Điều gì xảy ra với email của một người sau khi họ qua đời?

23/10/2017 11:01 AM | Công nghệ

Cuộc sống khiến chúng ta quá bận rộn với việc viết email mà không biết điều gì sẽ xảy ra với hộp thư của mình khi ta qua đời. Liệu người trong gia đình hay một đại diện mà bạn chỉ định có được phép truy cập hay không? Nếu bạn không để lại di chúc và người ta cần biết bạn muốn giải quyết vật dụng cá nhân của mình thế nào thì sao?

Vừa qua, một tòa thượng thẩm Massachusetts đã đưa ra phán quyết trong vụ kiện giữa Yahoo và Ajemian như sau: ngay cả khi không có sự cho phép rõ ràng, các đại diện hợp pháp của người đã chết cũng có thể truy cập các thư điện tử để biết được ý định của người đó về tài sản.

Vụ việc này bắt đầu vào năm 2009 ở tòa chứng thực di chúc Massachusetts, sau khi Robert Ajemian 43 tuổi chất trong một tai nạn xe đạp. Ông không để lại di chúc và các anh chị em được coi là đại diện hợp pháp của ông theo luật. Họ tìm cách truy cập vào email Yahoo của ông để biết người anh em của mình muốn phân chia mọi thứ thế nào. Yahoo cho rằng chia sẻ thông tin này là vi phạm quy định bảo vệ quyền riêng tư theo Đạo luật Lưu trữ Thông tin Liên lạc (SCA) năm 1986, và vi phạm chính các điều khoản cung cấp dịch vụ của công ty.

Ban hội thẩm gồm 8 thẩm phán liên bang đưa ra phán quyết trên đã không đồng thuận với tuyên bố đầu tiên của Yahoo, nói rằng SCA không cấm những người quản lý tài sản truy cập các tài sản điện tử để thực hiện nhiệm vụ của mình. Nhưng ban hội thẩm không phán quyết về việc liệu Yahoo có thể từ chối yêu cầu dựa vào các điều khoản của mình hay không. Vấn đề được gửi đến tòa án cấp thấp hơn.

Ban hội thẩm biết rằng các tòa án đều ra sức bảo vệ quyền riêng tư. Nhưng phán quyết của họ cũng có nghĩa là luôn có người muốn được quyền truy cập dưới một số trường hợp cụ thể, như khi ý định của người đã chết về cách phân chia tài sản không được thể hiện. Họ kết luận rằng CSA cho phép Yahoo tiết lộ nội dung của những tài khoản email mà các đại diện cá nhân yêu cầu về việc giải quyết tài sản.

Albert Gidari, giám đốc trung tâm Internet và Xã hội thuộc Đại học Luật Stanford, cực lực phản đối phán quyết này. Ông cho rằng đây là một quyết định vô nghĩa và thậm chí vấn đề này không cần thiết phải giải quyết.

"Vấn đề này đã được đặt ra kể từ khi email xuất hiện", Gidari cho biết. Các nhà cung cấp dịch vụ email có các chính sách và quy định khác nhau, nhưng tất cả đều tuân theo luật liên bang, trong đó cấm tiết lộ nội dung liên lạc cho bất kỳ ai nếu không có sự đồng ý của người dùng. Khi đó một tài khoản phải bị hủy và xóa khỏi hệ thống.

Tuy nhiên trong trường hợp của Ajemian, gia đình ông cho rằng những người quản lý tài sản phải được truy cập email của ông vì họ cần điều đó và họ là đại diện hợp pháp của người đã khuất, vì thế mặc nhiên được cho phép, và tòa thượng thẩm cũng đồng ý.

Theo quan điểm của Gidari, phán quyết ở Massachusetts mâu thuẫn với hầu hết luật các bang, và có thể cả tâm nguyện của người đã chết. Ông cho rằng vấn đề không chỉ là quyền riêng tư của Ajemian, mà là của tất cả những người có liên lạc với ông. "Khi còn sống ông ta không chia sẻ thông tin này, và không tận dụng các công cụ mà Yahoo cung cấp để cho phép người dùng truy xuất dữ liệu và lưu trữ offline", Gidari giải thích. "Quyền truy cập để giải quyết di sản vì thế là vô cớ và không cần thiết".

Gidari đã nghiên cứu vấn đề này trong 20 năm, và chỉ ra rằng những thành viên trong gia đình thường ngạc nhiên với những điều họ tìm ra. Họ đọc email và tìm kiếm niềm an ủi nhưng, ông nói: "Theo kinh nghiệm của tôi, điều ngược lại sẽ xảy ra – vì người dùng thường trao đổi những vấn đề riêng tư như thiên hướng tình dục của họ hay của những người khác, có thể là vấn đề sử dụng ma túy, suy nghĩ thực về một thành viên khác trong gia đình hoặc về bạn bè, một điều bí mật mà người khác gửi gắm, v.v. Những nội dung đó chắc chắn không phải dành cho những người đại diện cá nhân".

Đinh Vân

Từ khóa:  email
Cùng chuyên mục
XEM