Điều gì thực sự xảy ra với kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2019?

19/07/2019 15:02 PM | Xã hội

Chính phủ Trung Quốc đã tung ra đến 3700 tỷ nhân dân tệ tương đương 530 tỷ USD để kích thích kinh tế tăng trưởng. Người ta không khỏi đặt câu hỏi điều gì rồi sẽ đến và tác động của nó như thế nào.

Trung Quốc được nhiều chuyên gia kinh tế trên thế giới đánh giá cao bởi thành tích 25 năm kinh tế không suy thoái, thế nhưng các số liệu công bố gần nhất cũng cho thấy kinh tế Trung Quốc thực sự đã có sự chững lại so với trước đây.

GDP quý 2 tăng 6,2%, sản xuất công nghiệp tháng 6 đạt 6,3%, phục hồi nhẹ so với mức 5% của tháng 5, tiêu dùng cũng tăng nhẹ trở lại. Đầu tư cơ sở hạ tầng đã suy giảm bất chấp các khoản trái phiếu địa phương tiếp tục được tung ra. Trong khi thị trường nhà đất vẫn chịu kiểm soát từ các ngân hàng thì sản xuất thép và than đá đã tăng vọt. Điều gì đã xảy ra với kinh tế Trung Quốc?

Điều gì thực sự xảy ra với kinh tế Trung Quốc nửa đầu năm 2019? - Ảnh 1.

 Những thông tin trên được giải đáp trong buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Trung Quốc nửa đầu năm 2019 được tổ chức ngày hôm nay tại Viện nghiên cứu Trung Quốc bởi tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES).

Những số liệu trên cho thấy các chính sách kích thích kinh tế (gồm cả kênh tiền tệ và tài khoá) đã phát huy tác dụng. Quy mô gói kích thích lần này là 3700 tỷ NDT (hoặc 530 tỷ USD), điều này không khỏi làm người ta nhớ lại thời điểm năm 2008 - khủng hoảng tài chính - và năm 2015 - cú shock tỷ giá và thị trường chứng khoán. Trung Quốc đều tung ra khoảng 4000 tỷ NDT trong hai lần đó. Kết quả, tỷ lệ nợ của Trung Quốc đã tăng vọt từ 140% GDP (2007) lên 280% GDP (2018).

Với số tiền lớn được tung ra để kích thích kinh tế Trung Quốc, nhiều người không khỏi đặt câu hỏi vậy đằng sau những con số được công bố, gói kích thích kinh tế thực sự đã mang lại gì và rằng Trung Quốc còn có khả năng kích thích kinh tế đến đâu nữa.

Tiến sỹ Thành nhấn mạnh các số liệu kinh tế Trung Quốc gần đây phát đi tín hiệu không mấy tích cực khi mà đầu tư tài sản cố định, chỉ báo quan trọng về niềm tin của doanh nghiệp vào tương lai, giảm. Cùng lúc đó lợi nhuận công nghiệp chỉ tăng trưởng được 1,1%, mức tăng trưởng này chỉ cao hơn chút so với thời kỳ khủng hoảng trước đây.

Năm 2015, Bắc Kinh công bố dự án “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025). Đây là bản kế hoạch 10 năm phát triển ngành công nghiệp chế tạo, một sáng kiến chiến lược đầy tham vọng nhằm biến Trung Quốc thành siêu cường chế tạo cạnh tranh được với Mỹ, theo một bài báo được Nghiên cứu Quốc tế đăng tải.

Cụ thể, lấy cảm hứng từ Chiến lược Industrie 4.0 của Đức, dự án “Chế tạo tại TQ 2025” xác định 10 lĩnh vực trọng điểm lớn về phát triển ngành chế tạo:   – Công nghệ tin học thế hệ mới;  – Máy công cụ điều khiển số cấp cao và robot; – Thiết bị hàng không vũ trụ; – Thiết bị công trình biển và tàu biển công nghệ cao; – Trang thiết bị giao thông quỹ đạo tiên tiến;   – Ô tô tiết kiệm năng lượng và dùng nguồn năng lượng mới; – Thiết bị điện lực; – Trang thiết bị nông nghiệp; – Vật liệu mới; – Y dược sinh học và thiết bị y tế tính năng cao.

Đã 4 năm từ khi triển khai với rất nhiều tuyên bố hùng hồn, tiến sỹ Phạm Sỹ Thành không khỏi băn khoăn về đóng góp thực sự của Made in China 2025 vào kinh tế Trung Quốc nói chung bởi nếu thực sự Made in China 2025 phát huy tác dụng thì tại sao sản xuất công nghiệp Trung Quốc vẫn không ngừng suy giảm. Tiến sỹ Thành hoài nghi liệu việc tác động hạn chế của 2025 bắt nguồn từ tính thiếu hiệu quả trong triển khai hay do bản thân chính sách được đưa ra trong Made in China 2025 có vấn đề.

Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc chịu nhiều tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc, Trung Quốc đang áp dụng lại chiêu bài cũ để kích thích kinh tế. Cụ thể, mỗi khi khủng hoảng, Trung Quốc thường ngay lập tức điều chỉnh chính sách để tăng xuất khẩu nhưng cùng lúc giảm mạnh nhập khẩu. Điều này lý giải cho việc thặng dư thương mại của Trung Quốc tăng 40 tỷ USD trong nửa đầu năm 2019 thế nhưng chủ yếu do nguyên nhân nhập khẩu giảm.

Chiến lược giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu cũng từng được Trung Quốc áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng định hướng tái cân bằng kinh tế Trung Quốc theo hướng khuyến khích nhiều hơn vào tiêu dùng, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thế nhưng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc dù không làm kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng mất kiểm soát thế nhưng đang làm chệch hướng mục tiêu phát triển kinh tế ban đầu của chính phủ Trung Quốc cho giai đoạn 2013 – 2017.

Tiến sỹ Thành phân tích rằng không nên nhìn vào số liệu thương mại của năm 2018 để đánh giá được chuẩn xác về diễn biến thương mại Trung Quốc bởi năm 2018 chứng kiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng ồ ạt do hiệu ứng chạy thuế, các doanh nghiệp đua xuất khẩu nhằm né tránh mức thuế cao mà phía Mỹ chuẩn bị áp dụng.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM