Điều gì sẽ xảy ra khi nước Mỹ bị coi như một "tập đoàn" kinh doanh?

12/05/2017 19:10 PM | Xã hội

Vào ngày 18/4/2017, bản báo cáo mẫu 10-K dành cho doanh nghiệp nhưng đối tượng lại là chính phủ Mỹ của ông Steve Ballmer, cựu CEO Microsoft đã được đăng tải trên trang web “USAfacts.org“ và ngay lập tức thu hút được 2,6 triệu lượt xem trong ngày đầu.

Khi còn làm giám đốc điều hành Microsoft, ông Steve Ballmer vốn nổi tiếng là người đầy nhiệt huyết. Một đoạn clip về buổi họp của Microsoft đã từng thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube chỉ bởi vị CEO này bước lên sân khẩu với điệu nhảy vui nhộn cùng câu khẩu hiệu: “Tôi yêu công ty này”.

Năm 2014, ông Ballmer thôi việc ở Microsoft và đầu tư vào những dự án của riêng mình. Một là việc chi 2 tỷ USD mua lại đội bóng rổ LA Clippers, sau đó là việc đầu tư cho một dự án xây dựng báo cáo dạng 10-K vốn dành cho các công ty, nhưng là để đánh giá chính phủ Mỹ.

Theo luật định, chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải công bố báo cáo ít nhất 1 lần mỗi năm theo mẫu 10-K. Hầu hết các nhà đầu tư đều tin tưởng vào các báo cáo theo mẫu 10-K và bản báo cáo hơn 300 trang được coi là tiêu chuẩn vàng để đánh giá doanh nghiệp, bao gồm báo cáo tài chính, hệ thống quản lý, những rủi ro, thách thức...

Những quỹ đầu tư xem xét các báo cáo này để chắc chắn rằng các nhà quản lý công ty mà họ chi tiền không làm ăn láo, trong khi các giám đốc nghiên cứu báo cáo của đối thủ nhằm tìm điểm yếu.

Thay vì xem xét một doanh nghiệp, dự án đầy tham vọng của ông Ballmer nhắm vào chính quyền Washington khi người dân Mỹ đang bị thiếu trầm trọng những thông tin về chính phủ trong khi những luồng thông tin giả tràn lan trên các mạng xã hội.

Vào ngày 18/4/2017, bản báo cáo mẫu 10-K đối với chính phủ Mỹ của ông Ballmer đã được đăng tải trên trang web “USAfacts.org“ và ngay lập tức thu hút được 2,6 triệu lượt xem trong ngày đầu.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh giá một chính phủ như đánh giá một công ty còn khá nhiều hạn chế. Doanh nghiệp tồn tại là để tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông theo quy định của pháp luật trong khi chính phủ chịu trách nhiệm gia tăng đời sống của người dân khi phải đối mặt với nhiều khó khăn trên thị trường tài chính.

Chính phủ Mỹ có thể đánh thuế và in thêm tiền để vay nợ nước ngoài nhiều hơn nhưng doanh nghiệp thì không thể làm vậy và việc đánh giá chính phủ là một đẳng cấp hoàn toàn khác với việc phân tích doanh nghiệp.

"Tập đoàn" nước Mỹ

Dẫu vậy, việc đánh giá hoạt động của chính phủ theo mẫu báo cáo của doanh nghiệp cũng có lợi thế khi tập hợp được tất cả các tài liệu liên quan đến GDP, thuế, ngân sách, số liệu tội phạm... Bản đánh giá của ông Ballmer thu thập số liệu của tất cả các bang tại Mỹ cũng như của chính phủ liên bang. Tài liệu này chia hoạt động của chính phủ thành 4 mảng chính với số liệu tài chính cùng báo cáo đánh giá riêng biệt.

Tài liệu của ông Ballmer cho thấy chính phủ Mỹ là một bộ máy đồ sộ với khoảng 100.000 cơ quan, bộ, ban ngành. Nguồn thu 5 nghìn tỷ USD mỗi năm của nước Mỹ cao gấp 11 lần so với hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart.

Trong số các khoản chi, chính phủ Mỹ chủ yếu tốn tiền cho các khoản thanh toán như phúc lợi xã hội, lương cho nhân viên công chức... Nghe có vẻ khập khiễng nhưng mức lợi nhuận biên của chính phủ Mỹ chỉ vào khoảng “-3%”, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 8% của các tập đoàn trong chỉ số S&P 500 Index.

Dẫu vậy, chính phủ Mỹ tái đầu tư nhiều hơn các doanh nghiệp. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng vốn đầu tư của Mỹ chiếm khoảng 12% nguồn thu, cao hơn mức 8% của các doanh nghiệp thuộc S&P 500.

Xét về khoản nợ nần, Mỹ có khoản nợ chiếm tới 289% doanh số (tính bằng doanh thu từ thuế) so với mức 77% của các doanh nghiệp thuộc S&P 500.

Nếu xem xét trên quan điểm của một doanh nghiệp và nhà đầu tư thì chính phủ Mỹ đang hoạt động vô cùng tệ. Kết quả “kinh doanh” trong 10 năm qua khá trồi sụt. Thêm vào đó, viễn cảnh hiện nay của “công ty” này cũng không khả quan.

Chi phí cho an sinh xã hội, y tế tăng nhanh khiến thâm hụt ngân sách và nợ công đi lên, qua đó đe dọa đến khả năng hoạt động của chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, khả năng quản lý của chính phủ Mỹ khá kém khi không phối hợp đồng bộ được các phòng ban như nhiều doanh nghiệp. Ví dụ như Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ chia sẻ quyền điều hành đất nước dựa trên 20 ban ngành cho từng hệ thống. Tuy nhiên công việc của nhiều ban ngành lại trùng lặp nhau, hoặc lấn sân nhau về phạm vi quản hạt gây nên sự thiếu hiệu quả và xung đột trong quản lý.

Bên cạnh đó, mẫu báo cáo 10-K cũng chỉ ra sự minh bạch trong “tập đoàn” Mỹ là khá kém. Thông thường, các mẫu báo cáo 10-K thường xem xét liệu các cấp quản lý có nhận tiền từ khách hàng để đưa ưu đãi cho họ hay không và đây là 1 chỉ tiêu quan trọng cho nhà đầu tư đánh giá hội đồng giám đốc.

Tại chính phủ Mỹ, báo cáo cho thấy tình trạng minh bạch của các cấp quản lý là không cao khi có nhiều nguồn quỹ ủng hộ chính trị, chủ yếu là các công ty và giới nhà giàu cho những nhân vật chủ chốt tranh cử. Điều này bị các nhà đầu tư đánh giá tiêu cực nếu xét theo cách nhìn của 1 doanh nghiệp.


Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hệ quả từ sự cường thịnh của các công ty đa quốc gia Mỹ

Trên thực tế, ý tưởng điều hành đất nước như điều hành một doanh nghiệp không hề mới tại Mỹ. Năm 1909, Bộ trưởng tài chính Mỹ Franklin MacVeagh đã cam kết điều hành chính phủ theo các tiêu chuẩn của một doanh nghiệp.

Chính trị gia Ross Perot, người đã 2 lần tham gia tranh cử tổng thống Mỹ cũng có quan điểm như vậy. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho thấy mình sẽ điều hành nước Mỹ như một doanh nghiệp khi tuyển hàng loạt các quan chức chủ chốt xuất thân là doanh nhân vào bộ máy chính quyền Washington với hy vọng đem lại những thành quả tốt hơn so với bộ máy cũ.

Nhiều chuyên gia kinh tế và chính trị gia phản đối cách làm này của Tổng thống Trump bởi việc tổ chức một đội đồng điều hành như công ty chẳng thể giải quyết hết được các vấn đề của nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Ballmaer lại chỉ ra một hướng đi mới cho quan điểm này khi cho thấy chính phủ Mỹ có thể bị phân tích như một doanh nghiệp thông thường.

Có lẽ, quan điểm điều hành chính phủ như một doanh nghiệp hiện nay tại Mỹ bị ảnh hưởng bởi tình trạng phát triển mạnh mẽ từ những tập đoàn xuyên quốc gia nơi đây. Trong khi chính phủ Mỹ bị chỉ trích vì bất lực hoặc không hiệu quả thì 14/20 tập đoàn lớn nhất thế giới là của Mỹ. Những công ty này hoạt động vô cùng hiệu quả và hầu như luôn đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Bởi vậy, rất có thể nhiều người dân Mỹ đồng tình rằng đã đến lúc chính phủ Mỹ cần học tập các doanh nghiệp. Dẫu vậy, việc điều hành nước Mỹ theo phong cách doanh nghiệp có đem lại hiệu quả hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM