Điều gì khiến quê hương của Đệ nhất phu nhân Mỹ nằm trong top các nước có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới?

06/06/2017 07:45 AM | Kinh tế vĩ mô

Kể từ khi độc lập năm 1991, Slovenia được coi là một trong những quốc gia thành công nhất về chuyển đổi kinh tế, với GDP/đầu người cao nhất trong khu vực Trung Âu với tăng trưởng GDP hằng năm mạnh mẽ và đều đặn.

Vào năm 2017, quốc gia nay lọt vào top 20 danh sách Các quốc gia tốt nhất cho việc kinh doanh của Forbes. Có nhiều lý do giúp Slovenia đạt được những thành tựu như vậy.

Slovenia có tên gọi chính thức là Cộng hòa Slovenia, là một quốc gia miền Nam Trung Âu, nằm ở ngã tư các tuyến đường văn hóa và thương mại chính của châu Âu. Slovenia có đường biên giới chung với Ý, Áo, Hungary, Croatia, và biển Adriatic.

Quốc gia này có diện tích hơn 20.200 km2 và dân số hơn 2 triệu người. Slovenia là một nước cộng hòa nghị viện, là một thành viên của Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và NATO. Thủ đô và thành phố lớn là Ljubljana.

Kể từ khi độc lập năm 1991, Slovenia được coi là một trong những quốc gia thành công nhất về chuyển đổi kinh tế, với GDP/đầu người cao nhất trong khu vực Trung Âu với tăng trưởng GDP hằng năm mạnh mẽ và đều đặn. Quốc gia này có tỷ lệ tăng trưởng GDP năm 2015 là 2,5%, trong khi đó, GDP/đầu người của Slovenia là 19.262 Euro, thuộc hàng cao nhất ở Trung Âu.

Có nhiều lý do giúp Slovenia đạt được những thành tựu như vậy:

Vị trí chiến lược

Slovenia có một vị trí chiến lược cho những cơ hội kinh doanh. Quốc gia này ở trung tâm của một thị trường 500 triệu người tiêu dùng và với những mối liên kết thương mại quốc tế tuyệt vời. Nhờ quan hệ kinh doanh lâu dài và những liên kết cá nhân, Slovenia có thể đóng vai trò trung tâm cho phía tây vùng Balkans và hơn thế nữa.

Vị trí trung tâm của Slovenia đóng vai trò rất quan trọng đối với những nhà đầu tư mong muốn có trụ sở gần với số lượng lớn khách hàng tập trung ở châu Âu. Slovenia này có thể tận dụng vị trí địa lý thuận lợi để phát triển đất nước nhờ vào mối liên kết chặt chẽ lâu đời với vùng lân cận và tư cách thành viên EU để thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài EU.

Lực lượng lao động chất lượng cao

Slovenia tập trung vào giáo dục, đào tạo và nghiên cứu định hướng ngành công nghiệp để hỗ trợ ngành công nghệ cao và các ngành có giá trị gia tăng khác như truyền thông và công nghệ thông tin, dược phẩm và khoa học đời sống.

Theo Eurostat, Slovenia đã đáp ứng 2 mục tiêu giáo dục của châu Âu 2020: 43,4% người trong độ tuổi từ 30 đến 34 đã hoàn thành bậc đại học vào năm 2015 (24,6% vào năm 2005) và chỉ có 5% những người từ 18 đến 24 tuổi đã bỏ học sớm.

Không chỉ những người trẻ tuổi mà cả những người trẻ trung cũng có kỹ năng về công nghệ thông tin và hiểu biết về kỹ thuật số. Hơn 70% dân số có thể trò chuyện bằng ít nhất 2 ngoại ngữ. Tiếng Anh, tiếng Đức và tiếng Ý được sử dụng rộng rãi và các khóa học tiếng Pháp rất phổ biến.

Slovenia tự tin về khả năng cạnh tranh quốc tế của mình phần lớn là nhờ lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và có tính cạnh tranh. Người Slovenia luôn giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và có khả năng tư duy ngoài giới hạn.

Tiến bộ đáng kể đạt được trong việc nâng cao hiệu quả thị trường lao động là nhờ tăng cường sự linh hoạt bằng cách thích ứng hệ thống giáo dục của Slovenia với nhu cầu của thị trường lao động. Văn hóa sáng tạo của Slovenia cùng với sự sẵn sàng chấp nhận những ý tưởng mới đã khiến cho quốc gia này nổi danh là một địa điểm đầu tư hiệu quả, năng động và có tư duy tiến bộ.

Cơ sở vật chất tốt

Mạng lưới giao thông và truyền thông tiên tiến cung cấp cho các công ty đặt tại Slovenia lợi thế phục vụ thị trường nhanh chóng và hiệu quả. Quốc gia này có đầy đủ cơ sở vật chất cho việc vận chuyển hàng hóa trong nội địa, cùng với các khu vực cảng hiện đại, nguồn cung cấp xăng dầu, điện, và kết nối Internet ổn định.

Những chính sách ủng hộ kinh doanh

Slovenia có một môi trường kinh doanh minh bạch và hiệu quả. Thông qua những cải cách chủ động, chính phủ quốc gia này đã thể hiện lời cam kết mạnh mẽ nhằm cung cấp các điều kiện phù hợp cho các doanh nghiệp để phát triển và đầu tư.

Ví dụ, về quy chế thị trường lao động, chính phủ Slovenia đã bãi bỏ các quy tắc ưu tiên cho việc thuê lại nhân công, thay đổi thời hạn thông báo và các quy định về trợ cấp thôi việc cho việc sa thải thừa thãi và tăng mức lương tối thiểu.

Một ví dụ khác là Slovenia đã khiến việc nộp thuế dễ dàng và ít tốn kém hơn cho các công ty bằng cách thực hiện việc nộp đơn điện tử, thanh toán các khoản đóng góp an sinh xã hội và bằng cách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Những nỗ lực của chính phủ để phát triển một hệ thống thuế tốt hơn, thị trường lao động linh hoạt hơn, bãi bỏ quy định của một số ngành, và loại bỏ các rào cản hành chính trước đó và hệ thống hưu trí mới cho thấy rằng Slovenia đã sẵn sàng chào đón những nhà đầu tư.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM