Điều gì khiến người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới cảm thấy buồn rầu

02/02/2017 14:01 PM | Sống

Bộ não của Matthieu Ricard hoạt động theo một cách hết sức đặc biệt và chưa từng được ghi lại bao giờ trong thế giới khoa học.

Matthieu Ricard, một thầy tu theo Phật giáo Tây Tạng, được coi là người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng có một điều khiến ông phật ý.

Các nhà khoa học đặt cho thầy tu 70 tuổi biệt danh này sau khi ông tham gia vào một nghiên cứu kéo dài 12 năm về thiền định và lòng trắc ẩn tại Đại học Wisconsin.

Nhưng Ricard, vốn sinh ra ở Pháp và sống trong một tu viện ở Nepal, lại nói với các phóng viên tạp chí GQ rằng ông thấy danh hiệu này hơi "ngớ ngẩn".

"Tôi biết còn nhiều thầy tu hạnh phúc hơn mình", vị sư có khả năng thiền định nhiều ngày liên tục cho biết. "Tôi nói thật đấy. Danh hiệu đó thật là ngớ ngẩn".

Khi phải vật lộn để đối phó với sự chú ý của công chúng sau khi nghiên cứu được công bố, ông đã xin phép Dalai Lama được sống ẩn dật kín tiếng. Nhưng đức Dalai Lama nói với Ricard rằng thế giới này cần sự chỉ dẫn của ông. "Nếu họ muốn ông là người hạnh phúc nhất thế giới, thì hãy là người mà họ mong muốn".

Để đi đến kết luận Ricard là người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới, nhà khoa học thần kinh Richard Davidson đã kết nối vị sư này với 256 cảm biến khi ông thiền định. Davidson phát hiện ra rằng bộ não của Ricard tạo ra một mức sóng gamma – vốn liên quan đến khả năng nhận thức, chú ý, học tập và ghi nhớ - chưa từng được ghi nhận trong các tư liệu khoa học từ trước đến nay.

"Các kết quả chụp chiếu cho thấy vùng não trái trước trán hoạt động mạnh hơn rất nhiều so với phần bên phải, cho phép ông có khả năng cảm nhận hạnh phúc lớn lao khác thường và thiên hướng suy nghĩ tiêu cực giảm thiểu đáng kể", Davidson cho biết.

Mặc dù lảng tránh danh hiệu này, Ricard vẫn viết về triết lý sống của mình trong các cuốn sách như Altruism (Lòng vị tha), On the Path to Enlightenment (Trên đường Giác ngộ), và Happiness (Hạnh phúc). Ông cũng cho xuất bản một vài cuốn sách hình của mình.

Khi được hỏi làm thế nào để chúng ta có được hạnh phúc, Ricard nói rằng sự tử tế và lòng vị tha chính là yếu tố chủ chốt. Ngoài ra việc luyện tập để tâm trí luôn suy nghĩ tích cực trong 15 phút mỗi ngày cũng có tác dụng. Các gợi ý của ông đều được khoa học ủng hộ, vì nghiên cứu của Davidson cho thấy chỉ cần 20 phút thiền định cũng có thể khiến một người cảm thấy hạnh phúc hơn.

Ricard còn nói rằng lấy mình ra so với người khác là một hành động gây hại cho bản thân: "Sự so sánh chính là yếu tố giết chết hạnh phúc".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM