Điều chưa biết về vaccine Pfizer: Rã đông sai có thể khiến vaccine bị hỏng, gây nguy hiểm

08/12/2021 13:35 PM | Xã hội

Theo các chuyên gia, nếu giảm nhiệt độ đột ngột khi rã đông vắc xin có thể tạo các vết nứt trên lọ, là điều kiện dẫn tới nhiễm tạp chất và vi sinh vật.

Theo các chuyên gia, rã đông vắc xin là một quy trình quan trọng trong việc tiêm chủng, đặc biệt đối với vắc xin Covid-19 được bảo quản trong nhiệt độ từ âm 90 độ - âm 60 độ thì công đoạn này vô cùng quan trọng. Nếu để xảy ra sơ xuất hậu quả rất khôn lường.

TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết rã đông là quy trình làm cho lọ vắc xin tăng nhiệt độ dần từ nhiệt độ bảo quản âm sâu. Sau khi đã đưa lọ vắc xin lên nhiệt độ tủ mát (khoảng 4°C) hoặc nhiệt độ phòng (khoảng 25-30°C) thì không được đưa trở lại nhiệt độ âm sâu.

"Chú ý, khi rã đông nhiều lô vắc xin cũng nên tránh dồn lọ vắc xin đang ở nhiệt độ rất thấp bên cạnh lọ đã rã đông. Việc giảm nhiệt độ đột ngột này có thể tạo các vết nứt trên lọ, là điều kiện dẫn tới nhiễm tạp chất và vi sinh vật. Đặc biệt các tác nhân vi sinh vật như nấm hoàn toàn có thể phát triển trong lọ vắc xin thông qua vết nứt. Nếu trong quá trình rã đông không kiểm tra kỹ mà tiếp tục sử dụng những lọ vắc xin có vết nứt thì người tiêm vắc xin sẽ bị nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc tố và có thể dẫn tới phản ứng không mong muốn sau tiêm", TS Minh phân tích.

Ngoài ra, theo TS Bùi Lê Minh, quy trình rã đông cần phải tuân thủ chặt chẽ, tùy thuộc vào nhiệt độ cuối và tốc độ rã đông thì thời gian sử dụng vắc xin sau đó cũng phải thay đổi tương ứng.

Đưa về nhiệt độ cao thì thời gian có thể sử dụng vắc xin rất ngắn. Khi không đảm bảo quy trình rã đông thì vắc xin có thể giảm hiệu lực nhanh chóng. Đặc biệt với các vắc xin mRNA, cấu trúc RNA cần được bảo vệ và ổn định trong các hạt nano lipid nên rất nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ, có thể dẫn tới vỡ các hạt lipid, giải phóng và phân hủy RNA, dẫn tới giảm hiệu quả vắc xin.

 Điều chưa biết về vaccine Pfizer: Rã đông sai có thể khiến vaccine bị hỏng, gây nguy hiểm - Ảnh 1.

Quy trình rã đông vô cùng quan trọng.

Quy trình rã đông vắc xin

Nhóm nghiên cứu chống dịch COVID toàn cầu (gồm: PGS.TS.BS. Nguyễn Tiến Huy (Khoa Y, Trường Bệnh Nhiệt Đới và Sức Khỏe Toàn Cầu, Đại học Nagasaki, Nhật Bản) và BS Hoàng Thủy Tiên (Khoa Dược, Đại học Kỹ thuật Y-Dược Đà Nẵng)) cho biết vắc xin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên giống với vi sinh vật gây bệnh. Chế phẩm này đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, giúp cơ thể tự tạo miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.

Vắc xin chống Covid-19 của Pfizer và Moderna đều là loại vaccine mRNA. Vắc xin mRNA giúp các tế bào cơ thể tạo ra protein gai của vi rút SARS-COV-2, protein này được cho là vô hại với cơ thể của người. Sau đó, protein vô hại này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể tạo kháng thể chống lại vi rút SARS-CoV-2. Vắc xin mRNA không làm thay đổi hoặc tương tác với DNA của người được tiêm chủng theo bất kỳ cách nào, không sử dụng vi rút sống gây bệnh COVID-19; không thể gây bệnh COVID-19 cho người được tiêm chủng.

Vắc xin của hãng Pfizer được cho là kém ổn định hơn Moderna và phải được bảo quản đông lạnh ở nhiệt độ cực thấp (-80°C đến -60°C) mà rất ít cơ sở y tế có, trong khi vắc xin Moderna được bảo quản trong tủ đông ở nhiệt độ -20°C mà các cơ sở y tế thường có.

Margaret Liu, một nhà nghiên cứu vaccine và là chủ tịch Hiệp hội vaccine quốc tế đưa ra một ví dụ dễ hiểu để giải thích tại sao mRNA vaccine phải được bảo quản đông lạnh. Bởi vì vắc xin mRNA dễ bị phân hủy bởi các enzym và phân rã cấu trúc, các nhà sản xuất phải sử dụng các các hạt nano lipid bao phủ để chúng ổn định hơn, nó cũng giống như nhà sản xuất bao phủ một lớp đường/kẹo để bảo vệ sô cô la không bị chảy. Tuy nhiên nó vẫn chưa đủ, mà cần phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp. Nhiệt độ càng thấp thì càng làm chậm quá trình phân hủy. Các hạt nano lipid của 2 hãng khác nhau nên tính chất bảo vệ khác nhau, và nhiệt độ bảo quản phải dựa vào tài liệu nghiên cứu của họ. Trong thời gian tới họ có thể nghiên cứu để tăng nhiệt độ bảo quản lên để dễ dàng hơn cho việc vận chuyển và tiêm vaccine.

Theo nghiên cứu của nhóm, để tiêm vaccine, các cơ sở y tế cần tuân thủ quy trình rã đông và chú ý khi đang rã đông hay sau khi rã đông, vắc xin không được để đông lạnh lại. Nó giống như mua một miếng thịt và sau đó cố gắng làm đông lạnh lại, bạn không thể đảm bảo tính nguyên vẹn của sản phẩm sau khi nó được rã đông, các nhà nội trợ có thể thấy rằng miếng thịt rã đông, rồi đông lạnh rồi rã đông mau hư hơn là một miếng thịt chỉ rã đông một lần. Chính vì lỗi lầm này mà Thành Phố Kawasaki (Nhật Bản) phải vứt bỏ 6.396 liều vắc xin Covid-19. Nhiều nơi khác cũng có lỗi lầm như thế.

Khi rã đông vắc xin, cần tránh rã đông quá nhiều vắc xin trong một tủ lạnh nhỏ hay có những vaccine khác trong tủ lạnh, bởi nhiệt độ quá thấp của một khối lớn vaccine làm giảm thấp nhiệt độ của tủ lạnh nhỏ, gây tăng nguy cơ đông lại vắc xin đã rã đông hoặc các vắc xin khác được bảo quản trong tủ lạnh.

Tóm lại, vắc xin có thể bị hư hỏng, giảm hoặc mất hiệu lực thậm chí nguy hiểm nếu không được bảo quản và rã đông đúng cách.

Theo Lê Liên

Từ khóa:  vaccine pfizer
Cùng chuyên mục
XEM