Điều bất ngờ xảy ra khi tịch thu điện thoại của con: Câu chuyện khiến nhiều bố mẹ suy nghĩ

22/01/2017 09:25 AM | Sống

Chị Karly quyết định làm điều mà nhiều bậc phụ huynh muốn làm nhưng lại sợ thất bại và sợ "những cuộc biểu tình" của con cái.

"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi tịch thu điện thoại của con?"

Trước đây vào mỗi sáng, chị Karly Tophill luôn phải "dốc hết sức" để bảo cậu con trai 13 tuổi bỏ chiếc điện thoại xuống, mặc quần áo và chuẩn bị đi học. Nhưng đây là không phải là thời điểm duy nhất bà mẹ phải luôn mồm nhắc con.

Khi đi học về, Dylan vẫn không rời tay khỏi chiếc điện thoại, vội vàng làm bài tập về nhà qua loa để được sử dụng điện thoại. Không khi nào là cậu bé không xuất hiện trên Instagram.

Dylan đã thay đổi hoàn toàn sau khi bị mẹ tịch thu điện thoại trong 3 tháng.
Dylan đã thay đổi hoàn toàn sau khi bị mẹ tịch thu điện thoại trong 3 tháng.

Nhưng sau đó, chị Karly, 41 tuổi, một giáo viên dạy yoga ở Cornwall quyết định làm điều mà nhiều bậc phụ huynh muốn làm nhưng lại sợ thất bại và sợ "những cuộc biểu tình" của con cái.

Chị tuyên bố tịch thu điện thoại của Dylan trong 1 năm.

Trong 3 tháng cuối cùng của năm 2016, chị thực hiện nghiêm ngặt.

Chỉ trong 6 tuần đầu, Karly nhận thấy một sự thay đổi ở con trai. Điểm số của Dylan cao hơn hẳn. Cậu bé nói nhiều hơn, vui vẻ và năng động hơn.

Cậu bé bắt đầu muốn đi chơi ở ngoài và chơi cùng em. Do "rảnh tay" nên Dylan muốn giúp bố mẹ nhiều việc nhà hơn.

"Đó là một quyết định tuyệt vời, tôi muốn kêu gọi các bậc phụ huynh khác làm theo", chị Karly hạnh phúc chia sẻ.

Nhưng dĩ nhiên, những cha mẹ đang đọc những dòng này vẫn tự nhủ rằng: Nói dễ hơn làm.

Dù được xem là một thiết bị giải trí nhưng với trẻ em, điện thoại không hề tốt. Ai cũng biết điều đó nhưng không ai đủ kiên nhẫn và dũng cảm để bắt con từ bỏ điện thoại.

Hơn 10 năm qua, tình trạng trẻ em "dán mắt" vào điện thoại đang rất phổ biến. Theo một thống kê Internet Matters, trẻ em từ 11-16 tuổi xuất hiện trên mạng xã hội trung bình 26 lần/ngày.

Thậm chí, khi người lớn áp đặt lệnh giới nghiêm trong ngày, 8 trong 10 đứa trẻ thừa nhận chúng coi thường quyết định đó.

Hơn thế nữa, một bản báo cáo gần đây của Common Sense Media, một tổ chức hoạt động nhằm cải thiện đời sống trẻ em thông qua công nghệ và giáo dục truyền thông cho thấy 1/2 giới trẻ nghiện điện thoại. Và 60% bậc phụ huynh đồng ý với điều này.

Dù thừa nhận điện thoại đang thay đổi dần cuộc sống gia đình, tại sao tất cả chúng ta không cấm việc này?

Nhà tâm lý học, tiến sĩ Aric Sigman tin rằng bố mẹ sẽ dễ dàng hạn chế con dùng điện thoại nếu làm chúng hiểu được tác hại của điện thoại.

"Sử dụng điện thoại không chỉ là một sự lựa chọn lối sống mà đó còn là vấn đề y tế. Bạn nên cấm con sử dụng 2 giờ trước khi đi ngủ. Có một mối quan hệ rõ ràng giữa sử dụng các thiết bị điện tử vào buổi tối và chứng mất ngủ .

Trẻ em sẽ dễ bị trầm cảm, lo lắng, học hành sa sút và tăng chất béo trong cơ thể bởi thiếu ngủ làm thấy đổi hóc-môn gây đói", tiến sĩ Aric Sigman cho biết.

Nhưng thực tế chỉ mỗi khi bực tức, các ông bố bà mẹ lại cấm con hoàn toàn, đó không phải là giải pháp hiệu quả.

Noël Janis-Norton, giám đốc chương trình giảng dạy "Calmer, Easier, Happier Parenting" đồng ý với cách hành động của Karly, lúc đầu chỉ cấm con không sử dụng điện thoại 3 ngày/tuần.

"Con trẻ có thể phàn nàn rằng chúng mất hết mối quan hệ xã hội. Nhưng điều này không đúng. Có một số phụ huynh cho rằng họ không muốn con cái buồn. Nhưng có nhiều điều bố mẹ phải làm bởi vì đó là điều đúng đắn".

Tiến sĩ Sigman tin rằng trẻ em cần nhận thức được hậu quả của việc lạm dụng điện thoại. Đó là mỏi mắt và dễ cáu kỉnh.

"Đó chỉ là một trong vài vấn đề sức khỏe mà bố mẹ nên nói với con mình", tiến sĩ Sigman khuyên.

Quả thực, sau 3 tháng "chia tay" chiếc điện thoại, Dylan thừa nhận cậu không còn chịu áp lực trả lời những thông báo liên tục của các trang mạng xã hội.

"Lúc đầu, cháu thật sự rất buồn nhưng nó không thật sự tệ lắm. Giờ cháu có nhiều thời gian để làm các việc khác rồi", Dylan cho biết.

Tác hại của điện thoại với sức khỏe trẻ em

Ngoài khiến việc học tập xa sút, giao tiếp xã hội kém và tạo những hành vi xấu, việc sử dụng điện thoại nhiều khiến sức khỏe của trẻ em trở nên nguy hiểm hơn.

Ảnh hưởng tới giấc ngủ: Mang điện thoại lên giường ngủ sẽ khiến con bạn ngủ ít hơn. Vì mỗi phút xem điện thoại tăng thêm mỗi ngày, trẻ sẽ ngủ ít hơn tới 1 giờ đồng hồ.

Trẻ em cần ngủ nhiều hơn và bộ não cần được nghỉ ngơi để có thêm năng lượng cho ngày mới. Và dĩ nhiên một chiếc điện thoại sẽ không mang lại những lợi ích trên.

Ánh sáng phát ra từ màn hình các thiết bị này sẽ gây ức chế hormone melatonin sinh ra trong giấc ngủ đảm bảo giúp cơ thể có giấc ngủ ngon và tỉnh dậy tỉnh táo vào ngày hôm sau, điều này làm thay đổi chu kỳ sinh học tự nhiên của cơ thể.

Ảnh hưởng tới tâm lý: Theo các chuyên gia tâm lý, việc dành quá nhiều thời gian trên điện thoại và máy tính bảng là một yếu tố làm gia tăng các chứng bệnh về tâm thần ở trẻ em như tình trạng trầm cảm, lo âu rối loạn cảm xúc, thiếu tập trung, rối loạn hành vi...

Ngoài ra, trẻ em có thể rơi vào tình trạng bị bắt nạt trực tuyến, khi những hình ảnh của trẻ em được chia sẻ có thể phải nhận những lời bình luận tiêu cực, bị mang ra làm trò đùa... từ đó làm ảnh hưởng tâm lý của trẻ, đặc biệt những trẻ ở giai đoạn dậy thì.

Gián tiếp gây béo phì: Dành quá nhiều thời gian vào điện thoại ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của con trẻ. Với một chiếc điện thoại, con bạn có thể ngồi lỳ một chỗ trong vòng vài giờ. Sử dụng quá nhiều thiết bị này cũng là nhân tố gây béo phì.

Nhiều chuyên gia thậm chí còn tin rằng trẻ em trong thế kỷ 21 sẽ là thế hệ đầu tiên có tuổi thọ thấp hơn cha mẹ mình do mắc chứng béo phì và sử dụng các thiết bị công nghệ cao.

Nhiễm khuẩn: Hầu như điện thoại ít được vệ sinh vì vậy đó là nơi trú ngụ lý tưởng cho các mầm bệnh. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, màn hình điện thoại và máy tính bảng chứa số lượng vi khuẩn thậm chí còn nhiều hơn nắp bồn cầu.

Nhưng thực tế trong khi bồn cầu vẫn thường xuyên được tẩy rửa thì hầu như không ai có thói quen lau chùi màn hình smartphone.

Thoái hóa thần kinh và cong vẹo cột sống: Các bức xạ có hại phát ra từ điện thoại di động có thể gây tổn hại DNA, từ dẫn tới thoái hóa thần kinh. Ngoài ra dùng điện thoại với tư thế không khoa học trong thời gian dài dễ khiến trẻ bị cong vẹo cột sống.

Các bệnh về mắt: Thói quen nhìn chằm chằm vào di động trong thời gian dài sẽ dễ khiến bé cảm thấy nhức mắt, khô mắt thậm chí mờ dần. Có thể gây cận thị và các bệnh về mắt.

Lời khuyên dành cho bố mẹ

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng điện thoại di động là cần thiết cho con trẻ để tiện bề liên lạc. Vì vậy, nếu phải cho con một chiếc điện thoại di động, bạn nên lưu ý và hướng dẫn con cách dùng điện thoại một cách thông minh mà không gây hại.

- Không cho con dưới 16 tuổi sử dụng điện thoại.

- Không nên để con gọi điện thoại trong xe buýt, xe hơi, và thang máy hoặc các nơi như bệnh viện, máy bay, trạm xăng...

- Không nên để con sử dụng điện thoại di động khi tín hiệu yếu và quá nóng. Hạn chế sử dụng điện thoại di động xung quanh trẻ em.

- Không nên để điện thoại di động trong phòng ngủ của trẻ em vào ban đêm.

- Thiết lập thời gian tối đa sử dụng điện thoại mỗi ngày cho trẻ. Tư vấn cho trẻ về những điều trên mạng xã hội và thông tin về các loại trang web.

Theo Hoàng Hương

Cùng chuyên mục
XEM