Điện thoại Trung Quốc sẵn sàng cho "trận đánh" toàn cầu

28/02/2017 12:05 PM | Công nghệ

Thiết bị giá rẻ đã giúp các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc chiếm vị trí đầu bảng trên thị trường nội địa. Bây giờ, họ muốn dựa vào công nghệ đột phá để vươn ra toàn cầu.

Rũ khỏi hình ảnh chuyên sao chép, các thương hiệu điện thoại lớn nhất Trung Quốc bắt đầu “bung” mọi thứ, từ cấu hình đến chiến dịch tiếp thị. Huawei không che giấu tham vọng soán ngôi Apple, Samsung trong vòng nửa thập kỷ. Oppo dùng MWC 2017 để giới thiệu công nghệ camera tiến bộ nhất, đánh dấu bước trưởng thành mới. Xiaomi cũng tự thiết kế chip di động.

Để vươn lên vị trí hàng đầu tại thị trường quê nhà, các nhãn hàng này dựa vào thiết bị giá rẻ nhưng chất lượng tốt. Họ muốn chứng minh không chỉ là những người học hỏi nhanh chóng mà cũng là những nhà đổi mới với các mẫu máy có khả năng đối đầu với Samsung, Apple. Bộ ba Oppo, Huawei và Vivo ngày càng quyết liệt trên mặt trận quốc tế, từ Đông Nam Á tới Ấn Độ.

Thực tế, thương hiệu Trung Quốc vẫn chưa được thế giới chấp nhận rộng rãi. Dù Lenovo, Xiaomi, Oppo phổ biến tại châu Á, họ chưa tạo được dấu ấn đáng kể tại các nước phát triển, nơi đang bị Apple và Samsung thống trị. Không rõ những điện thoại mới trình làng tuần này tại MWC 2017 có giúp họ thực hiện nguyện vọng hay không.

Trong năm qua, bằng cách mở rộng quy mô và mạng lưới bán lẻ, điện thoại Trung Quốc nhanh chóng thay thế iPhone và Samsung Galaxy. Tốc độ này đã khiến giới quan sát ấn tượng. Theo Văn phòng tài sản sở hữu trí tuệ, 7 trong số 10 hãng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế năm ngoái sản xuất điện thoại. Trong số này, Oppo, Huawei và Xiaomi cùng nhau nộp gần 12.000 đơn, chiếm 1/3.

Kitty Fok, Giám đốc nghiên cứu IDC Trung Quốc, nhận định về công nghệ và đổi mới, người chơi Trung Quốc đang tiệm cận những người dẫn đầu như Samsung. Thị trường Internet di động khổng lồ của nước này đã giúp thúc đẩy các dịch vụ trực tuyến, cần tới phần cứng tốt hơn. Nhiều hãng nắm bắt cơ hội để thoát khỏi hình ảnh “copycat”.

Dẫn đầu là Oppo với các tính năng nổi bật như sạc nhanh, chụp ảnh thiếu sáng, RAM 6GB. Hãng điện thoại số 1 Trung Quốc đang tập trung vào camera, hướng đến giới trẻ thích selfie điên cuồng cũng như những người chụp ảnh nghiệp dư.

Oppo vừa tiết lộ cái mà họ gọi là công nghệ nhiếp ảnh di động tiến bộ nhất hiện nay, đó chính là kỹ thuật zoom quang, kết hợp ống kính tele và góc rộng cùng phần mềm được thiết kế đặc biệt để tạo ra hiệu ứng zoom 5x.

Huawei, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới sau Samsung và Apple, cũng muốn gây tiếng vang tại Barcelona năm nay với P10. Công ty giới thiệu 1 trong 2 smartphone camera kép, màn hình OLED một năm trước. Tại MWC 2017, Huawei mang đến thiết bị còn tiến bộ hơn, có khả năng nhận diện gương mặt và điều chỉnh góc độ, ánh sáng, giá gần 700 USD.

Huawei cho thấy bản thân tự tin có thừa: năm 2016, hãng thề thay thế Apple và Samsung trên thị trường toàn cầu trong 5 năm. Thậm chí, họ còn khiến giới công nghệ sốc khi kiện Samsung tại Mỹ và Trung Quốc vì vi phạm bản quyền. Ngoài mặt trận pháp lý, Huawei còn củng cố nỗ lực quảng bá, liên kết với Leica và mời ngôi sao Hollywood Scarlett Johanssen trong chiến dịch tiếp thị.

Xiaomi, từng một thời thống trị Trung Quốc nhờ cộng đồng mạng, cũng không ngồi yên. Tháng 10/2016, công ty trình làng Mi MIX, phát triển cùng nhà thiết kế nổi tiếng Philippe Starck, sở hữu thân máy bằng gốm và màn hình gần như không viền. Sắp tới, thương hiệu sẽ ra mắt điện thoại đầu tiên dùng chip Pinecone tự phát triển để không còn phụ thuộc vào Qualcomm và MediaTek. Như vậy, Xiaomi sẽ gia nhập “câu lạc bộ” cùng với Huawei, Apple và Samsung. Con chip này giúp tiết kiệm chi phí và cho phép Xiaomi đưa vào các tính năng độc cho điện thoại.

Theo Jia Mo, chuyên gia của Canalys, các thương hiệu Trung Quốc đua nhau ra mắt công nghệ mới vì đây là yếu tố then chốt để vươn ra toàn cầu.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM