Điện thoại Nokia biến mất, doanh nghiệp Việt này chịu mức sụt giảm lợi nhuận kỷ lục

17/08/2016 08:57 AM | Kinh doanh

Nokia/Microsoft, nhà cũng cấp lớn nhất trong mảng điện thoại di động của Digiworld đã bất ngờ có sự thay đổi lớn về chiến lược toàn cầu, khi không còn tập trung vào phát triển phần cứng (thiết bị điện thoại di động) mà tập trung phát triển khai thác phần mềm và điện toán đám mây.

Theo một dự báo của BMI, thị trường smartphone Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 15,4% về giá trị trong năm 2016 và 10,1%/năm trong giai đoạn 2016-2020, với tỷ lệ thâm nhập của smartphone sẽ đạt 79% vào năm 2020.

Điều này khiến phân phối smartphone là lĩnh vực vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhất là khi Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ và am hiểu công nghệ, nên sẽ là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của sản phẩm smartphone trong tương lai.

Thế nhưng, Digiworld, nhà phân phối điện thoại di động với 6.000 điểm bán hàng trên toàn quốc liên tục tăng trưởng âm thời gian gần đây.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, lợi nhuận Digiworld quý 2 đạt 11,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với các quý trước và chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu tuy tăng so với quý 1 nhưng vẫn ở mức thấp so với các quý năm 2015.

Nếu so với kế hoạch kinh doanh năm 2016, doanh thu Digiworld 6 tháng đầu năm mới chỉ hoàn thành 1/3 kế hoạch, còn lợi nhuận mới chỉ đạt 1/5.

Lợi nhuận Digiworld sụt giảm do doanh số bán hàng của nhãn hiệu Nokia giảm mạnh. Trước đó, cũng chính sự ảnh hưởng của Nokia đã khiến thị phần ở mảng điện thoại di động của Digiworld năm 2015 chỉ đạt 4,66%, giảm mạnh so với năm 2014 là 8,73% và xuống còn thấp hơn so với thị phần năm 2013. Giá trị sụt giảm đối với Digiworld khoảng 1.572 tỷ đồng.

Nokia/Microsoft, nhà cũng cấp lớn nhất trong mảng điện thoại di động của Digiworld đã bất ngờ có sự thay đổi lớn về chiến lược toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với chiến lược mới "phần mềm và dịch vụ", Nokia/Microsoft sẽ không tập trung vào phát triển phần cứng (thiết bị điện thoại di động) mà tập trung phát triển khai thác phần mềm và điện toán đám mây.

Sự thay đổi bất ngờ từ Nokia khiến Digiworld buộc phải thay đổi, chuyển mình sang phát triển các mảng kinh doanh khác. Trong đó, mảng máy tính xách tay và máy tính bảng tăng trưởng 12%, mảng điện thoại thông minh ngoài Nokia/Microsoft tăng trưởng hơn 500% và mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng 32%.


Cơ cấu doanh thu của Digiworld

Cơ cấu doanh thu của Digiworld

Trong cơ cấu doanh thu của Digiworld, đứng đầu giờ đây không còn là doanh thu từ Nokia/Microsoft mà là doanh thu từ máy tính xách tay và máy tính bảng. Số liệu thống kê từ GFK cho biết, lượng máy tính xách tay trên thị trường năm 2015 gần như không đổi so với năm 2014, nhưng Digiworld vẫn tăng trưởng và tiếp tục đứng số 1 với 25% thị phần. Công ty bao phủ phần lớn thị trường với 5 nhãn hiệu máy tính là Acer, Asus, HP, Lenovo và Dell.

Các sản phẩm điện thoại di động ngoài Nokia trong năm ngoái đã tăng trưởng hơn 500%, với sự đóng góp chính của nhãn hàng điện thoại di động đến từ Pháp là Wiko, dù còn là một nhãn hiệu mới với thị trường Việt Nam.

Còn đối với thiết bị văn phòng, mảng này đóng góp 10,5% doanh thu cho Digiworld. Thị trường thiết bị văn phòng có sự phục hồi đáng kể, khoảng hơn 20% cùng với nhịp phục hồi kinh tế nói chung. Khối văn phòng sau vài năm khủng hoảng sức mua, thắt lưng buộc bụng đã bắt đầu đến kỳ thay thế máy móc thiết bị cũ và mua sắm máy móc thiết bị mới để phục vụ cho việc mở rộng kinh doanh.

Digiworld đặt mục tiêu hồi đầu năm đặt mục tiêu mảng điện thoại di động sẽ tăng trưởng đến gần 260%, thiết bị văn phòng tăng 66% và máy tính xách tay, máy tính bảng tăng 4% so với năm 2015. Tuy nhiêu, hồi giữa tháng 7 vừa qua, công ty đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay, theo hướng giảm xuống đến 53,5% (lợi nhuận sau thuế) so với kế hoạch đầu năm.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM