Diễn biến dai dẳng hơn 1 năm và vẫn còn tiếp diễn, đâu là cái kết của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

15/05/2019 09:00 AM | Xã hội

Mới đây, ông Trump cho biết: "Tôi không biết điều gì sẽ diễn ra." Thực tế là, có 3 con đường có khả năng xảy ra dẫn tới sự kết thúc của cuộc chiến thương mại.

Ở thời điểm hiện tại, Tổng thống Trump đang nỗ lực đạt được một thoả thuận thương mại rất lớn với Trung Quốc, một điều mà chưa tổng thống nào có thể làm được. Việc này cũng chưa bao giờ là dễ dàng. Chỉ chưa đầy 2 tuần trước, Mỹ và Trung Quốc đã phát ra những tín hiệu cho thấy một thoả thuận đã đến rất gần. Thế nhưng, giờ đây tương lai về thoả thuận thương mại lại trở nên ảm đạm.

Ông Trump đã đẩy tình trạng căng thẳng lên một nấc thang mới. Hôm thứ Sáu, Mỹ chính thức nâng thuế đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngài Tổng thống hiện đã đánh thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc. Dù ông khẳng định rằng thuế quan sẽ là do phía Trung Quốc gánh chịu, nhưng thực ra chịu thiệt nhiều nhất vẫn là người tiêu dùng Mỹ. Sau đó, chứng khoán Mỹ đã giảm khoảng 2% và phái đoàn đàm phán Trung Quốc rời Washington mà không có một thoả thuận nào. Thêm vào đó, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang chuẩn bị cho động thái đáp trả, với mức thuế 25% được áp dụng lên 60 tỷ USD hàng hoá Mỹ.

Các cuộc đàm phán hầu như luôn trong tình trạng hỗn loạn, nhưng Mỹ và Trung Quốc dường như đang "chật vật" để thoát khỏi đống bùn. Từ những nhà đầu tư Phố Wall cho tới nông dân vùng trồng đậu tương đều "đau đáu" một câu hỏi, đó là: Cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc như thế nào?

Hôm thứ Năm, ông Trump phát biểu: "Tôi không biết điều gì sẽ diễn ra." Thực tế là, có 3 con đường có khả năng xảy ra khi cuộc chiến thương mại kết thúc.

1. Ông Trump đạt được điều mình mong muốn

Ý kiến về việc một thoả thuận hoàn hảo mà Mỹ nhận được lại khá chủ quan. Tuy nhiên, hầu hết các kinh tế gia, nhà đàm phán thương mại và lãnh đạo doanh nghiệp đều cho biết rằng Trung Quốc sẽ đồng ý tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và mở cửa thị trường Trung Quốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận. Các chuyên gia thương mại cho biến cơ chế thực thi sẽ cần được đưa ra để đảm bảo Trung Quốc thực hiện theo đúng những gì đã cam kết.

Diễn biến dai dẳng hơn 1 năm và vẫn còn tiếp diễn, đâu là cái kết của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 1.

 Khoảng 1 năm trước, Trung Quốc cố gắng "mua chuộc" ông Trump bằng cách đề nghị mua thêm hàng tỷ USD khí đốt tự nhiên, đậu tương và các loại nông sản khác của Mỹ. Đây là một động thái có thể phần nào giúp giảm thâm hụt thương mại, nhưng việc này về cơ bản sẽ thay đổi mối quan hệ thương mại của Mỹ và Trung Quốc. Ông Trump đã nói không với thoả thuận đó, vậy nên áp lực đối với ông là phải nhận nhiều hơn từ phía Trung Quốc, hơn là những gì được đặt trên bàn đàm phán hồi năm ngoái.

Michael Froman, cựu Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Barack Obama, cho hay: "Trung Quốc đã hy vọng rằng họ sẽ có thể thực hiện tham vọng đó. Họ nghĩ rằng bởi tổng thống đang bận suy tính về tình trạng thâm hụt thương mại song phương, nên ông ấy có thể đồng ý mua hàng nghìn tỷ USD hàng hoá của họ. Đến nay, chính quyền Trung Quốc đã nói rằng họ sẽ không chỉ dừng ở đó."

Một số chuyên gia ở Phố Wall vẫn cho rằng kịch bản này có thể sẽ xảy ra, điều này giúp giải thích tại sao thị trường không có diễn biến quá tệ hồi tuần trước. Đây cũng sẽ là một điểm trọng tâm cho chiến dịch tranh cử năm tới của ông Trump. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp và phía Trung Quốc cũng muốn thuế quan được dỡ bỏ sau khi 2 nước đạt được thoả thuận. Nếu thuế quan vẫn được áp dụng, thì đây vẫn một rào cản lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt trong chiến dịch tái tranh cử năm 2020.

2. Không có thoả thuận nào được ký kết

Đây là trường hợp một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ xảy ra, một kịch bản tệ nhất mà các nhà kinh tế lo ngại. Hai bên không đạt được thoả thuận, ông Trump và ông Tập tiếp tục gia tăng thuế quan đáp trả lên hàng hoá của nhau, tạo rào cản thương mại và thậm chí có thể lan sang những khu vực khác. Trường hợp này về cơ bản như một "phiên bản" thương mại của Chiến tranh Lạnh và hậu quả kinh tế có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Các kinh tế gia của Merrill Lynch Bank of America viết trong một lưu ý gửi khách hàng hôm thứ Sáu: "Một cuộc chiến thương mại, với thuế quan xuyên suốt trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, sẽ đẩy nền kinh tế đi tới tình trạng suy thoái."

Tax Foundation, một tổ chức nghiên cứu có xu hướng bảo thủ, cho biết các mức thuế đã áp dụng đã lên tới 72 tỷ USD trên tổng mức thuế mới mà người Mỹ phải chịu. Nếu ông Trump đưa ra mức thuế cao hơn nữa, như những gì đã đe doạ, thì tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 0,75%, "đi ngược với gần như những tác động dài hạn của Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm" và số lượng việc làm sẽ giảm xuống còn hơn 580.000, tổ chức này dự báo.

Diễn biến dai dẳng hơn 1 năm và vẫn còn tiếp diễn, đâu là cái kết của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung? - Ảnh 2.

 Nền kinh tế đang có diễn biến khá khả quan và nhiều ý kiến ở Washington băn khoăn rằng tại sao ông Trump lại mạo hiểm với kịch bản này, điều có thể khiến ông gặp rủi ro trong cuộc bầu cử và dẫn đến suy thoái kinh tế.

3. Ông Trump nhận về một thoả thuận tồi và thuế quan vẫn ở đó

Thoả thuận dễ dàng nhất để đạt được thì Trung Quốc đã đặt ra trên bàn đàm phán: Trung Quốc đồng ý mua thêm hàng hoá của Mỹ. Tuy nhiên, sau gần 1 năm thuế quan Trump được áp dụng và gây nhiều tổn hại tới nông dân, thì một thoả thuận như thế này có thể sẽ gây thất vọng.

Đây là một thoả thuận đã có thể được ký kết cách đây 1 năm và không cho phép các công ty Mỹ tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc. Điều cốt lõi mà những gì các công ty Mỹ muốn có trong thoả thuận đó là "những thay đổi thực chất, ràng buộc về pháp lý đối với các chính sách Trung Quốc", Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung cho hay. "Các thành viên của chúng tôi muốn mong muốn có một thoả thuận bao gồm những kết quả trực quan, có ý nghĩa về mặt thương mại."

Dù thị trường có thể sẽ nhẹ nhõm khi một thoả thuận được đưa ra, nhưng đảng Dân chủ sẽ tạo áp lực lên ông Trump và cho rằng ông là một nhà đàm phán yếu đuối. Hơn nữa, các doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ gặp bất lợi ở Trung Quốc. Giữ nguyên thuế quan sẽ chỉ gây tổn hại nhiều hơn tới cả ông Trump và nước Mỹ.

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM