Điểm mặt 6 nguy cơ rình rập tấn công sức khỏe trong những ngày Tết

18/02/2018 19:21 PM | Sống

Tết đến xuân về là dịp mọi người tận hưởng thời gian nghỉ làm hoặc nghỉ học để thư giãn bên bạn bè và người thân. Nhưng hàng nghìn người mỗi năm lại bị gián đoạn cuộc vui bởi bệnh tật hoặc chấn thương phải nhập viện với những nguyên nhân không đáng có.

1. Ăn uống "thả phanh"

Đối với nhiều người, dịp Tết luôn gắn liền những cuộc vui liên tiếp với những bữa tiệc nhiều đồ ăn và đồ uống có cồn như rượu, bia. Với những người có sẵn bệnh như tiểu đường, hạn chế lượng đường tiêu thụ là điều thiết yếu để tránh phải đi cấp cứu.

Những người bị bệnh tim nên đặc biệt cẩn thận với muối và đồ ăn mặn. Ăn nhiều muối có thể khiến bệnh tim trầm trọng hơn. Theo một nghiên cứu gần đây, số lượng người nhập viện vì suy tim tăng lên ngay sau những ngày nghỉ lễ.

Uống quá nhiều rượu bia có thể gây ra nhịp tim bất thường tạm thời, thậm chí ngay cả ở những người không có bất kì vấn đề về tim nào trước đó. Điều này rất hay xảy các kỳ nghỉ lễ kéo dài, vì vậy các bác sĩ gọi là "hội chứng tim ngày lễ". Hãy cẩn thận với lượng rượu bia uống vào, và nhất định không lái xe sau khi uống quá nhiều rượu bia.

2. Tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông tăng dần trong những ngày Tết, nhất là những ngày cuối của kỳ nghỉ. Đặc biệt, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người tử vong.

Nguyên nhân chủ yếu khiến tai nạn xảy ra nhiều là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, nhất là ở các vùng nông thôn. Tình trạng người lái xe chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, lạng lách, đánh võng... vẫn phổ biến.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý vi phạm tại các tuyến giao thông nông thôn của các lực lượng chức năng còn hạn chế, chưa khép kín được hết địa bàn. Hãy đảm bảo rằng khi tham gia giao thông là lúc bạn đang còn đủ tỉnh táo. Tuân thủ nghiêm túc các luật lệ, không chỉ cứu sống chính bạn mà còn cả tính mạng của người khác.

3. Trầm cảm

Tết là ngày vui nhưng vẫn có rất nhiều bạn rơi vào "khủng hoảng", thậm chí trầm cảm. Biểu hiện thường thấy đó là: cau có, khó chịu, buồn bực vô cớ và dễ rơi nước mắt. Những ngày đầu năm, mọi người thường rất bận rộn, công việc sẽ xuất hiện dồn dập, nên nhiều bạn sẽ cảm thấy áp lực, không biết phải làm việc nào trước, việc nào sau.

Mọi người đều bận rộn như nhau nên đôi khi không có thời gian quan tâm, hỏi han nhau, nên dù bạn rảnh rỗi vẫn thấy cô đơn vì bị… bỏ rơi.

Điểm mặt 6 nguy cơ rình rập tấn công sức khỏe trong những ngày Tết - Ảnh 1.

Tỉ lệ trầm cảm gia tăng, được gọi là nỗi cô đơn của ngày lễ, khiến những bữa tiệc và sự kì vọng xã hội vào mùa lễ trở nên khó khăn với một số người. Tình trạng trầm cảm thậm chí có thể khiến người ta đi cấp cứu vì ý định tự tử, nghiện chất và hoảng loạn.

Một số người cảm thấy tốt hơn khi nhận ít lời mời ăn tiệc hơn hoặc chỉ dành thời gian với một ít bạn bè thân thiết và người trong gia đình. Hãy duy trì những thói quen giảm stress hiệu quả như tập thể dục, viết nhật kí, trò chuyện với bạn bè,.. và cho phép bản thân tự lựa chọn tham gia những sự kiện cần thiết.

4. Kiệt sức

Thực tế đúng là những ngày gần Tết, nhiều người bận hơn vì phải giải quyết công việc hiện tại, không để tồn đọng sang năm mới hoặc họ phải chạy các kế hoạch cho dịp Tết, chuẩn bị mọi thứ cho những ngày lễ, mua sắm... Và kết quả, tình trạng kiệt sức là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận để không gặp phải những dấu hiệu thể chất nghiêm trọng như đau ngực, thở gấp, tim đập bất thường, hoặc đau bất thường đến kiệt sức. Những triệu chứng này là dấu hiệu cảnh báo cho những bệnh nguy hiểm mà bạn phải đến gặp bác sĩ.

Cuối năm là lúc hàng loạt các trung tâm mua sắm, cửa hàng,.. đồng loạt giảm giá. Đứng lâu để xếp hàng sau khi bỏ bữa sáng hoặc không uống nước đầy đủ có thể khiến bạn dễ bị ngất xỉu. Nên nghỉ ngơi và uống nước đầy đủ. Điều quan trọng là nên xếp giờ ăn và nghỉ ngơi hợp lý nếu bạn dự định dành cả ngày mua sắm – nếu không muốn vào bệnh viện vì kiệt sức. Đảm bảo ưu tiên giấc ngủ bằng việc duy trì thói quen thức và ngủ điều độ và vệ sinh giấc ngủ tốt.

5. Ngộ độc thực phẩm

Tết là dịp dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao do người dân trữ thực phẩm nhiều mà việc bảo quản không đúng và ăn uống thất thường. Mặt khác, đây cũng là dịp một số đối tượng gia tăng sản xuất sản phẩm kém chất lượng nhưng người dân lại tiêu dùng nhiều trong dịp tết như: bánh mứt, lạp xưởng, đồ khô... Bên cạnh đó, việc sản xuất thực phẩm ở các cơ sở không đủ điều kiện vệ sinh ATTP, rất dễ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, rượu giả cũng bày bán rất nhiều.

Điểm mặt 6 nguy cơ rình rập tấn công sức khỏe trong những ngày Tết - Ảnh 2.

Ngộ độc thực phẩm thường có những biểu hiện xảy ra sau khi ăn uống như: nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, tê môi, tiêu chảy...Ngộ độc thực phẩm nhẹ có thể xử lý tại nhà bằng cách cố gắng nôn hết những thức ăn đã ăn, uống nước muối pha loãng theo tỷ lệ 2 muỗng cà phê muối/cốc nước. Trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nặng thì cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất trước khi quá muộn.

6. Ngã

Trượt chân, vấp và ngã ở nơi đông người là lý do phổ biến của những ca cấp cứu. Ngã khỏi thang khi đang treo đồ trang trí cũng phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc những người có sử dụng rượu bia.

Đặc biệt đối với những gia đình có trẻ nhỏ, các ông bố bà mẹ thường mải mê với những công việc ngày Tết mà quên đi đứa con bên cạnh. Thống kê hàng năm tại các bệnh viện cho thấy, lượng trẻ nhập viện do tai nạn trong ngày Tết và giáp Tết thường tăng cao.

Theo Hà Thu

Cùng chuyên mục
XEM