Điểm lại những vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận: Chuyên gia chỉ rõ điều rất cần ở các trường học lúc này

17/04/2023 19:51 PM | Sống

Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội.

Mới đây, thông tin nữ sinh N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15, chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử nghi do bị bạo lực học đường cũng đang khiến dư luận bàng hoàng, thương xót. Theo thông tin chia sẻ trên MXH của một người tự nhận là người thân của Y.N thì trước đó, em vốn là học sinh giỏi nhất nhì lớp, nhưng bỗng dưng bỏ học, nói với mẹ "con sợ đi học, sợ đến trường", khi mẹ tìm hiểu thì biết con bị đánh, bị ngược đãi và bị áp đảo tâm lý.

Ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh xác nhận thông tin nữ sinh N.T.Y.N, học sinh lớp 10A15 qua đời ngày 16/4, nguyên nhân ban đầu được cho là em này đã tự tử. Nhà trường đã tiến hành xác minh, điều tra làm rõ sự việc. 

bạo lực - Ảnh 1.

Rất nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra. (Ảnh minh họa)

Dù chưa rõ việc N.T.Y.N tự tử có đúng là do bạo lực học đường hay không, nhưng thực tế bạo lực học đường từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề nóng, khiến thầy cô, cha mẹ đau đầu. Đã từng có rất nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra mà hậu quả "nhẹ" thì nạn nhân chấn thương nặng về về tinh thần và thể xác. Nặng thì các em đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình!

Dưới đây là một số trường hợp điển hình:

1. Nam sinh lớp 11 bị bạn đánh tử vong

Chiều 17/10/2022, BGH trường THCS & THPT Nguyễn Văn Rành – Phạm Thanh Hải (Long An) nhận được thông tin từ một giáo viên là có học sinh bị đánh chấn thương được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An cấp cứu. Được biết học sinh NBK, học lớp 11A1 bị một nhóm người ở bên ngoài đánh do mâu thuẫn với một học sinh lớp 10A1. Em N.B.K. được đưa đi cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không qua khỏi. 

2. Nam sinh lớp 11 đâm bạn lớp 12 tử vong 

Sáng ngày 11/10/2022, khi đi học Phan Quang Minh (SN 2006) -  trường THPT Lý Chính Thắng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã chuẩn bị sẵn một con dao nhọn cất giấu vào trong cặp. Trên đường về nhà, khi bị Thuận (học sinh cùng trường) cùng nhóm bạn chặn đánh, Minh mở cặp lấy dao chuẩn bị từ trước ra đâm một phát vào lưng của Thuận. Vết thương xuyên thủng vào vùng ngực, gây thủng phổi, làm Thuận ngục tại chỗ. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng Thuận đã tử vong sau đó.

3. Nữ sinh lớp 9 bị bạn cùng trường nhấn xuống bùn

Trung tuần tháng 12/2022, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip dài hơn 2 phút ghi lại hình ảnh một thiếu nữ đánh dã man bạn nữ ngay trước cổng Trường THCS Phùng Giáo (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) trước sự thờ ơ vô cảm của nhiều người xung quanh. Khi mũ rơi xuống đất, nữ sinh trên vẫn hung hăng xông vào túm tóc dùng tay đánh vào mặt rồi kéo nữ sinh kia xuống ruộng tiếp tục hành hung.

Điểm lại những vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận: Nhiều em bị bạn xúc phạm, làm nhục vì những lý do trời ơi đất hỡi - Ảnh 2.

Nữ sinh lớp 9 bị bạn cùng trường nhấn xuống bùn. (Ảnh cắt từ clip)

4. Nữ sinh lớp 10 bị đánh hội đồng, kéo lê trên đường

Ngày 24/10/2022, một clip dài khoảng 30 giây ghi lại cảnh một nữ sinh tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) bị một nhóm người dùng mũ bảo hiểm tấn công liên tiếp và kéo lê trên đường. Được biết, nạn nhân là P.N.P.U. (SN 2007, học sinh lớp 10 trường Việt Mỹ Vũng Tàu - VASCHOOLS). Qua tìm hiểu từ phía con gái, gia đình P.U cho biết do mâu thuẫn qua lại trên mạng xã hội giữa U. và một nữ sinh trường khác. Sau khi bị đánh, tâm lý em U. khá hoảng sợ và phải nghỉ học ở nhà 1 tuần để điều trị.

5. Không mua nước uống giúp bạn, nữ sinh lớp 8 bị đánh toác đầu

Ngày 17/9/2022, Công an xã Lộc Thủy phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) làm việc với phụ huynh và các nữ sinh đánh bạn và bị bạn đánh. L.A đã dùng tay, gậy đánh tới tấp vào người và đầu em H.L, bạn học cùng lớp. Trong khi L.A đánh em H.L thì có một số bạn nữ khác đi tìm dùi, gậy gần đó đưa cho L.A. Ngoài ra, một nữ sinh khác cũng xông vào giật tóc em H.L. Sau khi bị bạn cùng lớp đánh tới tấp, em H.L bị chảy nhiều máu ở vùng đầu. 

Chuyên gia Ngô Minh Uy: Đe dọa, nhắc nhở, đuổi học tạm thời… không giải quyết được vấn đề

Theo Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy - Giám đốc Trung tâm tâm lý Welink; Phụ trách Ban đào tạo, Hội khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, trong một môi trường có số đông trẻ em thường xảy ra sự kèn cựa, ganh đua nhau. Ngay cả trong gia đình, anh chị em cũng có thể có tình trạng này. Cho nên, việc mâu thuẫn giữa các em luôn có khả năng xảy ra. Vai trò của trường học là phải điều tiết được những ganh đua đó.

Việc xử lý những bạn có hành vi bạo lực bằng đe dọa, nhắc nhở, đuổi học tạm thời… không phải là những cách thức căn bản và quyết định trong việc ngăn ngừa vấn nạn này. Ngược lại, đôi khi còn mang đến hiệu quả ngược khi người tố cáo bị bạn bè xa lánh hoặc "bạo hành" tinh thần theo một cách thức khác. Bên cạnh đó, chúng ta thường tập trung giải quyết vấn đề từ vị trí của "thủ phạm" nhưng lại bỏ qua điều quan trọng không kém, đó chính là tâm lý của nạn nhân.

"Bạo lực học đường vẫn đang xảy ra với những hình thái khác nhau thường do chính sách quản trị không tốt ở trong các trường học. Xã hội nói chung và ngành giáo dục cũng như gia đình nói riêng hình như vẫn chưa có những quyết sách và hành động thích hợp để ngăn ngừa. Nghĩa là những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường vẫn còn như cũ, chưa được giải quyết thấu đáo".

Bạo lực học đường chịu ảnh hưởng của môi trường văn hoá, kinh tế, xã hội; tác động của môi trường học đường, các mối quan hệ bạn bè; phương pháp nuôi, dạy con của cha/mẹ. Cuối cùng, bạo lực học đường chịu sự tác động trực tiếp từ những đặc điểm về nhân cách, đặc điểm tâm lý lứa tuổi.

Rất cần chuyên gia tư vấn tâm lý học đường

Học sinh chưa biết đầy đủ cách ứng xử và đối phó với những áp lực, bất đồng và mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội. Phải làm sao để đứa trẻ nhận diện được là khi gặp một vấn đề thì phải có khả năng xử lý thay vì chọn cách cực đoan nhất là cái chết. Trước thực trạng này, ông Ngô Minh Uy cho rằng, vai trò của chuyên gia tâm lý học đường càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Tổ tư vấn tâm lý học đường phải có khả năng làm khảo sát để nhận diện tình hình sức khỏe tâm thần của học sinh và lên kế hoạch hoạt động cho từng năm. Tư vấn không phải chỉ nhằm giải quyết những khúc mắc về tâm lý mà là mọi vấn đề, cách ra quyết định, cách xử lý áp lực trước những tình huống không mong muốn. Trước một vụ việc về bạo lực học đường, chuyên viên tâm lý cần xác nhận theo đuổi vụ việc không chỉ hỗ trợ nạn nhân mà còn hỗ trợ sửa đổi chính sách trong trường học.

Điểm lại những vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận: Nhiều em bị bạn xúc phạm, làm nhục vì những lý do trời ơi đất hỡi - Ảnh 3.

Chuyên gia tham vấn tâm lý Ngô Minh Uy.

Trường học tôn trọng vai trò và đảm bảo các yêu cầu làm tâm lý học đường. Người đảm nhận công việc tham vấn nên chỉ chuyên tâm làm tham vấn chứ không cộng thêm các việc khác như giám thị hay khảo bài. Trường học tuyệt đối không có tư tưởng "mọi chuyện là do học sinh hư hỏng" mà đổi sang hướng tìm kiếm những cản trở và nâng đỡ học sinh. 

Người làm chuyên môn cần được hỗ trợ và tạo điều kiện để tham gia các hoạt động hội thảo hay nhận giám sát chuyên môn từ một cá nhân hay tổ chức đáng tin cậy. Khi sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của mỗi người đều được nhận ra, được chăm sóc và trở thành ưu tiên hàng đầu, những ứng xử lệch chuẩn, những hành vi bạo lực trong xã hội sẽ giảm.

Bên cạnh đó, ông Uy nhận định, khi một trở ngại xuất hiện, cá nhân về cơ bản thấy ổn hay bất ổn có liên quan đến nhân cách của mình. Nhân cách ấy được nhào nặn từ hồi trong bào thai từ di truyền và từ cơ hội học tập rèn luyện của con.

Khả năng xử lý (Cảm xúc; Sự việc/vấn đề). Phần này liên quan đến các chương trình kỹ năng sống hay kỹ năng xã hội. Một trường học tốt cần nhấn mạnh đến việc huấn luyện đứa trẻ thành người có khả năng sống cho bản thân và sống tử tế với người khác. Điều này phải được hình thành trong quá trình giáo dục lâu dài, chứ không phải chỉ qua vài ba buổi hội thảo, ngoại khóa. Cần có hoạt động tư vấn trong suốt giai đoạn học đường của các em.

Cơ hội được lắng nghe hay vai trò người hỗ trợ. Nghe không phải chỉ câu chuyện mà còn nghe được những ước muốn và cảm xúc của đứa trẻ. Nhiều người lớn thiếu hẳn khả năng lắng nghe và đối thoại với con nên mọi xử lý đều ổn với họ nhưng không có được kết nối với con.

"Có thể đứa trẻ cảm thấy nỗ lực của mình không được lắng nghe, cảm thấy không ai có thể thấy việc mình đau khổ là quan trọng, vì vậy trẻ chọn cái chết. Một xã hội, một trường học, một gia đình khiến một đứa trẻ cho rằng không còn ai nghe hoặc hiểu được mình thì chứng tỏ hệ thống của chúng ta có vấn đề", ông Uy chia sẻ.

Cha mẹ, thầy cô cần dành thời gian gần gũi với trẻ để lắng nghe, phát hiện vấn đề của trẻ sớm nhất. Nguyên tắc là phải ưu tiên bảo vệ tính mạng cho trẻ trong tình huống cấp tính. Nếu thấy vấn đề tâm lý của trẻ nặng nề, có thể cho tạm nghỉ học và đưa đến các chuyên gia tâm lý, các bệnh viện để được tư vấn, hỗ trợ.

Ông Uy cũng cho rằng, quyết định tự tử liên quan rất lớn với nhận thức con người. Đặc biệt, với lứa tuổi vị thành niên nếu thiếu những mối quan hệ thân tình thì khả năng tự tử sẽ càng cao: "Ở lứa tuổi này, phản ứng về cảm xúc nhiều nhưng khả năng ra quyết định hợp lý chưa ở mức tối đa. Cho nên, trong trường hợp cảm xúc lên cao độ mà lý trí không đạt tới thì trẻ có thể chọn cách cực đoan. Đó là lý do những người lớn phải có sự hỗ trợ bên cạnh kịp thời".

Theo Hiểu Đan

Cùng chuyên mục
XEM