Dịch vụ tốt, công nghệ cao, lãi ngàn tỷ, sai lầm nào đã đẩy ngân hàng Đông Á lâm vào khủng hoảng?

13/12/2016 12:11 PM | Kinh doanh

Năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Đông Á lên tới 947 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, sau năm này, lợi nhuận của Đông Á tuột dốc không phanh.

Được thành lập từ năm 1992, Ngân hàng TMCP Đông Á là một trong những ngân hàng cổ phần đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Mức vốn điều lệ ban đầu của nhà băng này chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, cùng 56 nhân viên và 3 phòng nghiệp vụ.

Hơn 2 thập kỉ sau, ngân hàng này đã vươn lên thành nhà băng có quy mô vốn 5 ngàn tỷ đồng, với nền tảng rất tốt về bán lẻ, công nghệ và nằm trong top đầu của các ngân hàng tầm trung.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ngân hàng này gặp khó khăn lớn khi chuyển hướng sang cho vay bất động sản, đúng lúc thị trường bất động sản Việt Nam bước vào giai đoạn đóng băng.

Đi đầu về công nghệ, đỉnh cao với mức lãi ngàn tỷ, sa lầy vì bất động sản & vàng

Được biết đến với công nghệ ngân hàng vượt trội so với các hệ thống trong nước, từ ATM bán vàng tự động, ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp… Đông Á đã nhanh chóng ghi điểm với hàng triệu khách hàng cá nhân.

Từ những năm 1993-1998, nhà băng này đã tập trung nguồn lực hướng đến nhóm khách hàng cá nhân cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đi kèm những sản phẩm dịch vụ mới như dịch vụ thanh toán quốc tế, chuyển tiền nhanh và chi lương hộ.

Giai đoạn 1999-2002, Đông Á tiếp tục đẩy mạnh nhận vốn ủy thác quốc tế và đẩy mạnh tín dụng cho nhóm SMEs, thành lập Trung tâm Thẻ và phát hành thẻ Đông Á.

Từ 2003 đến 2007, Đông Á đạt con số 2 triệu khách hàng sử dụng Thẻ Đa năng chỉ sau 4 năm phát hành thẻ, trở thành NHTMCP dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam.

Đây cũng là nhà băng đầu tiên phát triển và triển khai thêm 2 kênh giao dịch: NH Đông Á Tự động và NH Đông Á Điện Tử, đồng thời triển khai thành công dự án chuyển đổi sang core - banking, giao dịch online toàn hệ thống. Đây là bước ngoặt hoạt động để cả hệ thống có thể kết nối, ngân hàng có thể kiểm soát được hoạt động tốt hơn, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Doanh số thanh toán quốc tế của ngân hàng này vượt 2 tỷ USD, với 2 triệu khách hàng.

Giai đoạn 2008- 2012, Đông Á là nhà băng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại như: máy ATM TK21 - Kỷ lục Việt Nam năm 2007 (nhận tiền mặt trực tiếp 100 tờ với nhiều mệnh giá khác nhau trong 1 lần gửi), sản phẩm ATM lưu động (Kỷ lục Việt Nam năm 2010), máy H38N và nhiều dòng máy ATM hiện đại khác.

Số lượng khách hàng sau đó đã tăng lên 6-7 triệu người nhờ mạng lưới rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Số máy ATM lên tới 1.400 đơn vị, 1.500 POS, kết nối thành công với 3 hệ thống liên minh thẻ VNBC, Smarklink và Banknet.

Thời gian này, Đông Á phát triển rực rỡ và được đánh giá là một trong những ngân hàng có chất lượng dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam.

Năm 2007, lợi nhuận sau thuế của nhà băng này đạt 332 tỷ đồng và liên tục tăng những năm sau đó, cán mức đỉnh 947 tỷ đồng năm 2011.

Và đó cũng là buổi hoàng hôn rực rỡ nhất của Đông Á ngay trước đêm dài lắm mộng về sau.

Thực ra trong 2 năm 2012-2013, lãi ròng từ hoạt động tín dụng của nhà băng này vẫn ở mức cao, trên 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đã giảm mạnh và chính thức "rơi tự do" vào năm 2014, với mức lãi chỉ còn 27 tỷ đồng, giảm đến 90% so với năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do hoạt động cho vay của ngân hàng sụt giảm, đồng thời mức chênh lệch lãi suất thấp khiến các khoản lãi thu về không cao.

Chính ông Trần Phương Bình cũng thừa nhận vấn đề này này và kết quả thanh tra được đưa ra là do “nợ xấu” khó đòi. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, Đông Á đã chệch hướng trong giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái mà lại hướng dòng tín dụng vào thị trường bất động sản, thay vì bán lẻ và nhóm công ty SMEs như định hướng ban đầu.

Năm 2011, tỷ lệ nợ xấu của Đông Á chỉ là 1,69%, nhưng liên tiếp các năm 2012, 2013 và 2014, tỷ lệ nợ xấu luôn trên 3%, vượt mức quy định.

Bên cạnh đó, Đông Á cũng gặp rất nhiều khó khăn khi trong bối cảnh giá vàng thế giới tụt giảm mạnh ngoài dự báo.

Vốn được biết đến là một nhà băng được tham gia bình ổn thị trường vàng nội địa. Đông Á có cổ đông lớn là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ (do bà Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông Trần Phương Bình làm chủ tịch). Cú giảm giá kỷ lục của giá vàng thế giới, từ đỉnh cao 1.920,3 USD một ounce đạt được vào tháng 9/2011 xuống sát 1.000 USD/ounce vào cuối 2015 có thể đã ảnh hưởng nhiều tới Đông Á.

Các phương án tái cơ cấu đồng loạt thất bại

Trong hoàn cảnh khó khăn, Đông Á đã tìm cách tăng vốn, hợp tác với các nhà đầu tư bên ngoài nhưng đều không thành công. Ngân hàng từng có ý định tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng nhưng cổ đông không mặn mà do giá phát hành còn cao hơn thị giá cổ phiếu.

Lãnh đạo của Đông Á từng nhiều lần đề cập đến việc sáp nhập với Ngân hàng An Bình, một ngân hàng có quy mô tương đương nhưng hoạt động kinh doanh tốt hơn. Mặc dù vậy, thương vụ này cũng bất thành.

Thậm chí, có thời điểm Tập đoàn Kido (Kinh Đô) cũng từng nuôi ý định rót 1.000 tỷ đồng vào Đông Á, nhưng sau khi thấy ngân hàng này có quá nhiều vấn đề về tài chính, Kido cũng tuyên bố rút lui.

Ông Trần Phương Bình, khi đó là Tổng giám đốc Đông Á cho biết, có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua 49% cổ phần của ngân hàng và hỗ trợ về tài chính để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ 2015, Đông Á đã xác nhận các mối lương duyên không thành. Đông Á cũng đã xin Ngân hàng Nhà nước thêm thời gian để xử lý các vấn đề tồn đọng nhưng cũng không được chấp thuận.

Tại cuộc họp ĐHCĐ 2015, Chủ tịch Đông Á Bank Cao Sỹ Kiêm cũng đã bất ngờ xin từ chức vì “lý do cá nhân”. Tháng 8/2015, Đông Á trở thành ngân hàng đầu tiên được NHNN công khai tình trạng bị kiểm soát đặc biệt trong đợt tái cấu trúc giai đoạn 2011 - 2015.

Chiều 20/8/2015, ông Trần Phương Bình bị đình chỉ chức vụ TGĐ. Ngày 11/12/2016, ông Bình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) khởi tố và bắt tạm giam với 2 tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 165 và Điều 179 Bộ luật Hình sự.

Hàng loạt các lãnh đạo chủ chốt của Đông Á đã bị miễn nhiệm, thay thế bằng các cán bộ của BIDV.

Sau hơn 1 năm kể từ ngày miễn nhiệm các lãnh đạo Đông Á, ngày 9/12 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công An (C46) đã tiến hành các thủ tục khởi tố và bắt tạm giam một số cán bộ nguyên là lãnh đạo Đông Á, trong đó có ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng.

Ông Bình bị khởi tố và bắt tạm giam với 2 tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 165 và Điều 179 Bộ luật Hình sự.

Vẫn nắm lượng lớn cổ phiếu tại Đông Á

Hiện nay, ông Trần Phương Bình và gia đình sở hữu tổng cộng 48,4 triệu cổ phiếu của Đông Á, tương ứng tỷ lệ khoảng 9,7%.

Riêng ông Bình hiện sở hữu khoảng 15 triệu cổ phiếu, bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ ông Bình) nắm 9,68 triệu cổ phiếu. Bà Dung là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

3 người con gái là Trần Phương Ngọc Thảo sở hữu 3,4 triệu cổ phiếu, Trần Phương Ngọc Giao sở hữu 10 triệu cổ phiếu và Trần Phương Ngọc Hà là 10,3 triệu cổ phiếu. Ngoài sở hữu cổ phần tại Đông Á, vợ và các con gái của ông Bình còn sở hữu hàng triệu cổ phiếu tại PNJ.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM