Dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân khám chữa bệnh ở nước ngoài (Kỳ 2): Nhật Bản cực kỳ đắt đỏ, Singapore PR hoành tráng, Ấn Độ như một "hub" của châu Á

16/11/2019 14:43 PM | Kinh doanh

Trong câu chuyện về dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân khám chữa bệnh ở nước ngoài kỳ trước, chúng tôi có nhắc đến trường hợp của Medifly - một trong các đối tác chính thức của Hội đồng du lịch y tế Malaysia (MHTC) tại Việt Nam. Họ thường nhắm đến những ca khó hoặc bệnh lý phức tạp và chưa được điều trị dứt điểm trong nước, để đem đến một cơ hội cho bệnh nhân tiếp cận với nền y học của các nước tiên tiến khu vực và thế giới…Bức tranh toàn cảnh về đặc trưng của một số nền y tế tiêu biểu lại là câu chuyện thú vị khác.

Singapore đẩy mạnh truyền thông, Nhật Bản đứng đầu về sự đắt đỏ

Ở khu vực, mức độ nhận diện thương hiệu du lịch – y tế của Singapore vượt trội so với các nước khác vì những ông lớn như Tập đoàn Parkway chú trọng đẩy mạnh hoạt động sale và tiếp thị. Lẽ hiển nhiên, họ đứng top thế giới về doanh thu liên quan đến du lịch – y tế.

Xếp sau Singapore là Thái Lan và Malaysia. Malaysia vốn có nền y tế không thua kém về mức độ tiên tiến và giá rẻ gấp 3-4 lần, song công tác truyền thông ra bên ngoài dường như chưa được chú trọng.

Bác sĩ Malaysia sau khi tốt nghiệp xong, chỉ cần bước qua eo biển Johor là có thể kiếm được mức lương cao hơn. Có 40% - 50% nguồn bác sĩ cung cấp cho các bệnh viện liên quan đến Parkway là từ Malaysia sang.

Ở Singapore, trình độ chuyên môn cao tỉ lệ thuận với đơn giá điều trị. Cho nên, sau một thời gian nằm viện, nhiều bệnh nhân ở Singapore phải chuyển hướng sang Malaysia.

Tuy nhiên, khi nền du lịch – y tế đã mang tính thị trường một cách sâu sắc thì "tiền nào của nấy". Theo lời của Giám đốc Medifly, bác sĩ Singapore tư vấn rất chuyên nghiệp và trung thực với y văn, đồng thời cho phép ghi âm công khai.

Nhưng nếu xét theo thứ tự về giá, Nhật Bản mới là quốc gia có nền y tế đắt đỏ (đối với bệnh nhân nước ngoài như Việt Nam). Thủ tục xin visa y tế ở xứ Phù Tang rất phức tạp. Trước mắt, bệnh nhân phải đóng phí làm thủ tục khoảng 1.000 USD và xin visa thông qua một đối tác bảo lãnh tại Nhật được công bố trên trang của Đại sứ quán. Sau khi sang Nhật, họ lại phải đặt cọc số tiền hơn mười nghìn đôla (tránh trường hợp bỏ trốn).

Nối tiếp Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan sở hữu thế mạnh về ghép tạng và thủ tục đơn giản hơn nhiều. Ekip chuyên gia Hàn Quốc từng phối hợp với một bệnh viện lớn ở TP.HCM ghép tạng thành công ca đầu tiên vào năm 2008.

Giám đốc Medifly cho biết, những trung tâm lớn tại Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan mà chị giới thiệu bệnh nhân sang ghép tạng đã thực hiện khoảng vài ngàn ca ghép/năm. Ở Việt Nam, tới nay ghi nhận được khoảng hơn 60 ca ghép thành công, tập trung ở 5 bệnh viện hàng đầu cả nước.

Dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân khám chữa bệnh ở nước ngoài (Kỳ 2): Nhật Bản cực kỳ đắt đỏ, Singapore PR hoành tráng, Ấn Độ như một hub của châu Á - Ảnh 1.


Singapore thường trả lời đầu tiên, Ấn Độ là một trường hợp thú vị khác

Theo lời của Giám đốc Medifly, giá ghép tạng của bệnh viện tư nhân Ấn Độ bằng hoặc rẻ hơn Việt Nam, nhưng chất lượng khá tốt. Họ có đội ngũ y khoa cũng học từ Harvard ra, đang thực hiện trung bình 3.000 – 5.000 ca ghép gan/năm.

"Các bệnh nhân châu Âu không đủ khả năng chi trả chi phí điều trị ở nước họ thường chọn giải pháp sang Ấn Độ. Ấn Độ có lợi thế như một "hub" của châu Á về công nghệ và y tế", Giám đốc Medifly nói.

Thực tế, các công ty dược hàng đầu thường đặt nhà máy tại Ấn Độ. Giá thuốc generic (thuốc sản xuất cùng công thức thuốc gốc) hoặc thiết bị y tế sẽ có giá cực kỳ rẻ, dưới sự khuyến khích bằng chính sách của nước này.

Cùng nhóm với Ấn Độ là Thái Lan. Quốc gia này có bệnh viện nổi tiếng là Bumrungrad (Băng Cốc). Dịch vụ của Thái được nhận xét là "chăm sóc tận răng", nhân viên sẵn sàng đem thuốc lẫn máy cà thẻ đến tận giường người bệnh. Bên trong Foodcourt bệnh viện còn có cả Starbucks, người bệnh như đang bước chân vào trung tâm thương mại.

Câu chuyện về nền du lịch – y tế của các nước lại chuyển trọng tâm sang Singapore, nơi có chiến lược PR đỉnh cao. Theo lời Giám đốc của Medifly, bản CV của các bác sĩ Singapore được thể hiện rất "hoành tráng" và "rõ ràng". Thỉnh thoảng, các bệnh viện lại làm truyền thông bằng việc tổ chức điều trị miễn phí một ca bệnh.

"Khi tôi gửi đi một ca cần tham vấn cho các bệnh viện thì nhóm của Singapore thường sẽ trả lời đầu tiên", chị này cho biết.

Làm dịch vụ hỗ trợ bệnh nhân khám chữa bệnh ở nước ngoài không hề đơn giản. Như đã nói ở phần đầu, bệnh nhân muốn khám chữa bệnh dài hạn cần xin visa y tế. Muốn được cấp visa y tế, phía bệnh viện nước ngoài yêu cầu phải cung cấp đầy đủ bệnh án, văn bản tiếp nhận gửi tới cơ quan lãnh sự. Những người thực hiện dịch vụ phải đem theo tất cả hồ sơ và cùng bệnh nhân làm thủ tục từng bước.

Tuy nhiên, khi họ đã xây dựng được mạng lưới các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ mật thiết với các giáo sư y khoa thì việc nhắn tin làm việc qua email rất dễ dàng. "Những người thầy" – cách gọi của Giám đốc Medifly, sẵn sàng trả lời email "nửa đêm nửa hôm hoặc vào ngày cuối tuần". Họ tận tình tư vấn và chuyển ca bệnh đến đúng địa chỉ.

Phương Danh

Cùng chuyên mục
XEM