Địa Trung Hải không còn yên tĩnh

16/08/2017 08:29 AM | Xã hội

Giữa lúc hàng trăm ngàn người vẫn cầu mong một cuộc sống tốt đẹp bên kia Địa Trung Hải, vùng biển này lại ẩn chứa những cuộc chiến ngầm là mầm mống cho sự chống đối nổi bật.

Hôm 11/8, tổ chức cứu hộ người di cư Sea-Eye của Đức thông báo một tin bi hài: Họ đã đến ứng cứu con tàu C-Star. Đó là một hành động lạ thường, khi "con mồi" phải đi ứng cứu "kẻ săn mồi". Câu chuyện này vẽ nên một thực trạng cực kỳ rối ren như vốn dĩ về vấn đề di cư, tị nạn - cơn sốt đã và đang biến châu Âu trở thành một cộng đồng chia rẽ.

Cuộc "giận lẫy" giữa đại dương

Sea-Eye là một trong 9 tổ chức phi chính phủ thuộc hoạt động tìm kiếm cứu hộ người di cư (SAR). Những tổ chức này đã hỗ trợ rất nhiều cho người dân các vùng châu Phi hoặc Trung Đông khi muốn băng Đại Tây Dương để cập bến châu Âu, nơi nước Ý hoặc Hy Lạp sẽ là cánh cổng.

Nhưng C-Star - con tàu mà Sea-Eye vừa ứng cứu, lại do nhóm Defend Europe vận hành. Defend Europe, đúng như cái tên của nó nghĩa là "Bảo vệ châu Âu", được thành lập với cái nhìn cực đoan về các tổ chức vận chuyển, bảo trợ, ứng cứu người tị nạn như Sea-Eye.

Theo quan điểm của Defend Europe, những SAR như Sea-Eye là kẻ buôn người. Defend Europe nói rằng các tổ chức như vậy lấy lý do ứng cứu người di cư chỉ nhằm làm vỏ bọc cho mưu đồ cướp bóc, lạm dụng tình dục và tiền bạc của dân di cư, bắt cóc và nhận tiền hối lộ để "vượt biên" sang châu Âu rồi phạm pháp.

Defend Europe, trong mắt tờ Independent (Anh), giống như tổ chức người da trắng cực đoan. Defend Europe cho rằng Địa Trung Hải, nơi có hơn 2.400 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị chết đuối, là nơi chứng kiến hậu quả của một cuộc "xâm lược" châu Âu của bọn buôn người, và ra sức "bảo vệ châu Âu". Vì thế con tàu C-Star thường bám theo những chiếc tàu chở người di cư hoặc hỗ trợ như Sea-Eye để "giám sát", theo AFP.

Thế nhưng, như một phần tất yếu, thái độ bài di cư của Defend Europe vấp phải những phản ứng từ các nước đang có người dân chạy nạn khỏi hậu quả của phong trào "Mùa xuân Ả Rập" sang châu Âu, như Tunisia hay Libya.

Những cư dân sống ở bờ biển tại các nước này trả đũa bằng cách không cho C-Star ghé vào tiếp nhiên liệu để "bám đuôi" trên Địa Trung Hải, đơn cử là hành động của ngư dân Tunisia tuần trước.

Vừa qua, C-Star gặp nạn, mà theo thông báo của họ trên Twitter thì đó là "lỗi kỹ thuật". Khi chiếc tàu Sea-Eye đến ứng cứu, họ cho biết C-Star đã "giận lẫy" bằng cách từ chối sự trợ giúp vì trong mắt Defend Europe, dẫu sao thì Sea-Eye cũng là kẻ "thông đồng" với bọn buôn người ở Libya mà thôi.

Tuy nhiên nhà hoạt động người Pháp Clement Galand nói với AFP hôm 10/8 rằng chiếc thuyền C-Star đã "được nạp nhiên liệu, mọi thứ đã ổn". Michael Buschheuer - Chủ tịch của Sea-Eye, trong khi đó khẳng định: "Giúp một con tàu gặp nạn là nhiệm vụ của mọi người trên biển, không cần xét tới gốc gác, tôn giáo, chủng tộc hay đức tin gì cả”.

Tín hiệu không vui

Defend Europe là một tổ chức cực đoan về nhập cư, hoặc ít nhất cực đoan về bản chất của các đợt nhập cư, vốn chứng kiến cả trăm ngàn người đã vào châu Âu từ đầu năm đến nay cũng như số liệu khổng lồ của những năm qua. Nhưng, trong mắt chính quyền các nước châu Âu, thì chưa hẳn Defend Europe đã làm sai.

Suốt giai đoạn gồng gánh những người nhập cư, châu Âu đã thay đổi. Năm 2016 và 2017 chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, cứng rắn với dân nhập cư nổi lên. Và sắp tới đây, nước Đức cũng nín thở chờ Thủ tướng Angela Merkel tái đắc cử, trong bối cảnh người phụ nữ (một thời) quyền lực này cũng gặp không ít khó khăn trong vai trò neo giữ một châu Âu, hoặc một Liên minh châu Âu (EU) mở cửa.

Nhưng sức ép trong nước là có thật. Tuần trước, Đức đã phần nào thể hiện quan điểm siết chặt vấn đề nhập cư. Berlin nằm trong số những quốc gia thuộc EU đã khởi động tiến trình giao trả người di cư lại Hy Lạp - cánh cổng đầu tiên thường được lựa chọn khi dân nhập cư muốn vào 28 nước EU.

Luật của EU quy định người nhập cư phải nộp đơn tị nạn cho quốc gia đầu tiên mà những người ấy cập bến. Tuy nhiên yêu cầu trên bị trì hoãn khi hàng trăm ngàn người đa phần từ Syria, đã đến Hy Lạp từ những con thuyền Thổ Nhĩ Kỳ năm 2015.

Một nhánh thực thi của EU hồi tháng 12 năm ngoái yêu cầu các nước thành viên phải gửi những người di cư bất hợp pháp từ ngày 15/3 về sau phải trở lại Hy Lạp. Tuy nhiên, quan chức Hy Lạp thừa nhận tới nay không thể đáp ứng lượng người nhập cư lớn như vậy, và cũng không nhiều người tuân thủ.

Cũng tuần trước, cảnh sát Malta và Ý đã từ chối cho một tàu Tây Ban Nha chở người di cư Lybia cập bến, gây ra tình trạng neo giữ lưng chừng ngoài bờ biển quốc tế...

Theo THÁI DUY

Cùng chuyên mục
XEM