Đi tìm điểm sáng ngành công nghiệp Việt Nam năm 2016

09/01/2017 14:33 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của toàn ngành Công thương, tăng trưởng của công nghiệp được lựa chọn là một trong số 4 nhiệm vụ trọng yếu của toàn ngành Công thương trong năm tới

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của toàn ngành Công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh đã đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt mức 8-9% là một trong số những mục tiêu trọng yếu mà ngành Công Thương cần đạt được để đóng góp vào mức tăng trưởng 6,7% năm 2017 mà Thủ tướng đã đề ra.

Liên tục tăng trưởng tốt và được chọn để làm mục tiêu phấn đấu trọng yếu của ngành Công Thương, có thể thấy rõ xu hướng của kinh tế Việt Nam hiện nay không gì khác ngoài việc chuyển hướng sang mũi nhọn là công nghiệp.

Thật vậy, còn nhớ, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2016 của Tổng cục thống kê, Vụ trưởng vụ thống kê công nghiệp, ông Phạm Đình Thúy đã từng nói “Nền kinh tế đang có xu hướng chuyển dịch sang công nghiệp như đúng theo định hướng của Chính phủ”.

Trong năm vừa qua, không ngành nào ngoài sản xuất công nghiệp chính là điểm sáng nhất của nền kinh tế. Với đà tăng trưởng cao được tiếp diễn (tới 7,5%), trong khi các ngành khác thì ì ạch hoặc thậm chí tăng trưởng âm, nhóm ngành này trở thành thành nơi dẫn dắt tăng trưởng của cả nền kinh tế trong năm 2016.

Đi tìm điểm sáng ngành công nghiệp Việt Nam năm 2016 - Ảnh 1.

Chế biến chế tạo tăng bền vững, còn ngành khai khoáng nhận tăng trưởng âm lần đầu sau 5 năm

So sánh với các năm gần đây, mức tăng 2016 cũng là mức tăng trưởng ở mức khá của công nghiệp. Cụ thể, tăng trưởng 7,5% của năm 2016 chỉ thấp hơn mức tăng 9,8% của năm 2015 và cũng tiệm cận mức tăng 7,6% của năm 2014. Còn lại khi so với thời kỳ 2012, 2013, rõ ràng ngành công nghiệp đã có mức tăng trưởng vượt bậc.

Một loạt số liệu rất tích cực của sản xuất công nghiệp cũng đã được nêu ra trong sáng nay như chỉ số tồn kho của toàn ngành đã giảm chỉ còn 8,1% hay như những dự đoán tươi sáng về tăng của ngành này trong quý cuối cùng của năm 2016.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các số liệu cũng nói lên rằng đây hẳn là một năm có nhiều “niềm vui” khi mà đã có tới 81% doanh nghiệp trong quý cuối năm có dự báo tăng trưởng của mình sẽ cao hơn quý trước.

Trong cả năm, các doanh nghiệp này đã thu hút lao động thêm gần 3%. Cùng với đó, tăng trưởng về số doanh nghiệp và về vốn cũng thuộc hàng cao nhất trong các ngành. Cụ thế, số doanh nghiệp đã tăng trưởng 9%; còn số vốn đã tăng trưởng tới 60% trong năm 2016.

Không chỉ cả nền kinh tế, nội tại công nghiệp cũng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ: Chất hơn và sâu hơn

Nhóm ngành sản xuất công nghiệp vốn thường được thống kê theo các nhóm ngành chính bao gồm khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước năng, hơi nước và điều hòa không khí và cung cấp nước và cuối cùng là hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải.

Trong tăng trưởng 7,5% của năm nay một điều đáng chú ý là diễn biến trái chiều từ 2 ngành thuộc nội tại ngành công nghiệp: Sự đi xuống rất mạnh của khai khoáng và tăng trưởng công nghiệp của công nghiệp chế biến chế tạo.

Với khai khoáng, nếu như trong năm 2015, ngành này vẫn còn tăng trưởng 6,5% thì đến năm nay, mức giảm sâu 5,9% đã xuất hiện. Từng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2015, nhưng sang đến năm 2016 này, hàng loạt các doanh nghiệp khai khoáng đã phải “than trời”.

Bên cạnh việc thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng thì một trong số các lý do làm khai khoáng gặp khó khăn chính là do Chính phủ đã có chính sách hạn chế xuất khẩu và khai thác khoáng sản.

Ngược lại với khai khoáng, trong suốt nhiều năm liền từ năm 2012, công nghiệp chế biến chế tạo lại đã âm thầm tăng trưởng, năm sau tăng cao hơn năm trước để đến năm nay đạt mức tăng 11,2%, là mức cao nhất trong nhiều năm liền.

Trong bối cảnh ngành khai khoáng có tăng trưởng âm thì mức tăng cao này của chế biến chế tạo lại càng trở nên ý nghĩa. Có thể nói công nghiệp chế biến chế tạo đã dẫn dắt tăng trưởng của cả ngành công nghiệp năm 2016.

Có được kết luận này, có thể khẳng định xu hướng chuyển dịch sang chế biến chế tạo đang là rất rõ nét từ 5 năm trở lại đây: giảm bớt gia công, lắp ráp và thay vào đó là nâng cao độ tinh xảo của sản phẩm, đóng góp nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Điều này càng được khẳng định khi trong hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công thương đã cho biết sẽ từng bước chuyển dịch trong ngành, đi sâu vào chế biến, chế tạo, giảm dần gia công, lắp ráp.

Theo vị Bộ trưởng, điều đó có nghĩa là công nghiệp kể từ giờ sẽ tập trung khai thác theo chiều sâu chứ không theo chiều rộng nữa, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, sức cạnh tranh tốt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM