Đi du lịch thế giới nên tip như thế nào cho lịch sự, hợp văn hóa?

29/01/2019 08:00 AM | Xã hội

Tiền boa là một vấn đề nan giải hầu hết các vị khách du lịch lâu năm phải đối mặt - liệu có nên đưa tiền boa hay không? Nếu có, thì nên đưa bao nhiêu?

Ở Anh, 2 đảng chính trị chính ở đất nước này đang xem xét luật cấm các quán bar và nhà hàng giữ tiền boa của nhân viên. Không phải mọi quốc gia trên thế giới đều coi trọng tiền boa như người Anh. Tục lệ này được cho là bắt nguồn từ Anh vào thế kỷ 17, khi quý tộc tặng những món quà nhỏ cho những người thuộc “tầng lớp thấp kém” hơn.

Tuy nhiên, tiền boa là một tục lệ rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng được áp dụng khác nhau phụ thuộc vào giá trị văn hóa của từng quốc gia.

Mỹ

Đi du lịch thế giới nên tip như thế nào cho lịch sự, hợp văn hóa? - Ảnh 1.

Có một câu đùa phổ biến của người Mỹ là chỉ một tờ khai thuế phức tạp hơn tiền boa. Tục lệ thưởng tiền cho người phục vụ được du nhập vào Mỹ trong thế kỷ 19, khi những người Mỹ giàu có bắt đầu du lịch đến châu Âu.

Tục lệ này ban đầu không được tán thành, và những người phản đối coi nó là chống lại dân chủ. Ở thời điểm hiện tại, người Mỹ vẫn tiếp tục tranh luận về những ưu điểm và nhược điểm. Nhưng tiền boa vẫn ăn sâu vào tâm lý quốc gia. Nhà kinh tế học Ofer Azar đã ước tính rằng vào năm 2007, chỉ riêng kinh doanh nhà hàng đã đem lại 42 tỷ USD tiền boa cho nhân viên phục vụ. Ở Mỹ, tiền boa được coi là một phần thu nhập quan trọng bên cạnh tiền lương.

Trung Quốc

Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, phần lớn văn hóa Trung Quốc không ưa chuộng tiền boa. Trong nhiều thập kỷ, nó thậm chí bị cấm và bị coi là hối lộ. Cho đến ngày nay, tiền boa không phải một tục lệ phổ biến ở Trung Quốc. Tại các nhà hàng thường được ghé thăm bởi người bản địa, khách hàng thường không để lại tiền boa.

Các trường hợp ngoại lệ là các nhà hàng chủ yếu phục vụ khách nước ngoài và các khách sạn quốc tế (chỉ áp dụng cho những người vận chuyển hành lý). Một ngoại lệ khác là để lại tiền boa cho hướng dẫn viên du lịch và những tài xế xu buýt du lịch.

Nhật Bản

Đi du lịch thế giới nên tip như thế nào cho lịch sự, hợp văn hóa? - Ảnh 2.

Hệ thống nghi thức phức tạp của Nhật Bản bao hàm cả tiền boa và tiền hiếu hỉ. Nó được xã hội chấp nhận trong các dịp như đám cưới, đám tang, và các sự kiện đặc biệt, nhưng trong các tình huống phổ biến hơn, tiền boa có thể khiến người nhận cảm thấy bị coi thường, hoặc thậm chí bị xúc phạm.

Theo triết lý của người Nhật, dịch vụ tốt là một điều hiển nhiên. Kể cả trong các trường hợp nơi tiền boa và tiền hiếu hỉ được chấp nhận, thì tiền cũng phải được đặt trong một phong bì đặc biệt để thể hiện lòng biết ơn và sự tôn trọng.

Nhân viên khách sạn, những người gần như luôn lịch sự và nhanh nhẹn, được đào tạo để từ chối tiền boa một cách lịch sự.

Pháp

Năm 1955, Pháp thông qua luật yêu cầu các nhà hàng thêm phí dịch vụ vào hóa đơn – một thông lệ sau đó đã trở nên phổ biến trên khắp châu Âu và các nơi khác trên thế giới – như một cách để cải thiện tiền lương cho người phục vụ và khiến họ bớt phụ thuộc vào tiền boa.

Tuy nhiên, tiền boa vẫn được coi là một thông lệ, mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy thế hệ trẻ Pháp thường không boa tiền. Vào năm 2014, 15% khách hàng Pháp cho biết họ sẽ không bao giờ boa tiền, gấp đôi so với kết quả một năm trước đó.

Nam Phi

Đi du lịch thế giới nên tip như thế nào cho lịch sự, hợp văn hóa? - Ảnh 3.

Đất nước Cầu vồng xuất hiện trong danh sách này vì một dịch vụ đặc biệt không có ở nhiều quốc gia khác: canh gác xe. Đây là một ngành công nghiệp không chính thống, đang gia tăng do tỉ lệ thất nghiệp cao ở Nam Phi (hiện ở mức 25%). Về cơ bản, công việc này gồm các cá nhân giúp người lái xe tìm điểm đỗ và trông xe cho họ. Theo thống kê chính thức, gần 140 xe bị đánh cắp mỗi ngày tại Nam Phi vào năm ngoái.

Trả phí nhỏ hơn 1 USD cho dịch vụ canh xe không phải là một vấn đề ở Nam Phi. Vấn đề nằm ở chỗ hoạt động này gần như không được kiểm soát bởi pháp luật và không có gì đảm bảo rằng một trong hai bên sẽ thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Thụy Sĩ

Đi du lịch thế giới nên tip như thế nào cho lịch sự, hợp văn hóa? - Ảnh 4.

Người dân Thụy Sĩ thường làm tròn hóa đơn và để lại tiền cho nhân viên khách sạn và những người lao động như thợ cắt tóc. Tuy nhiên, quốc gia này có lương tối thiểu thuộc hàng cao nhất thế giới. Ví dụ, bồi bàn ở Thụy Sĩ kiếm hơn 4000 USD/tháng. Do đó, họ không phụ thuộc vào tiền boa giống như đồng nghiệp của họ ở Mỹ.

Ấn Độ

Nhiều nhà hàng ở Ấn Độ áp đặt phí dịch vụ lên hóa đơn, nên có thể nói tiền boa được chấp nhận ở quốc gia này. Nếu không có phí dịch vụ, thông tục là khách hàng nên để lại 15-20% giá trị hóa đơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà hàng để biển báo phản đối tiền boa. Một khảo sát năm 2015 cho thấy Ấn Độ nằm trong nhóm boa tiền hào phóng nhất ở châu Á, chỉ xếp sau Bangladesh và Thái Lan.

Singapore

Dù một khoản tiền nhỏ sẽ không gây ra sự xúc phạm nào ở các khách sạn, nhà hàng và taxi, tiền boa có thể là một vấn đề hóc búa ở Singapore. Trang web chính phủ nước này thậm chí đã viết rằng “tiền boa không phải là một phong cách sống” trên hòn đảo này.

Ai Cập

Tiền boa đã đi sâu vào văn hóa Ai Cập. Những người khá giả thường xuyên thưởng tiền cho tất cả các nhân viên phục vụ, từ bồi bàn đến nhân viên bơm xăng. Tiền boa được chào đón tại nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp cao trên 10%, trong đó khu vực phi chính thức đóng góp tới gần 40% GDP.

Nga

Trong thời kì Xô Viết, tiền boa không được chấp nhận ở Nga – nó thậm chí bị coi là một hành vi coi thường giai cấp công nhân. Nhưng người Nga có một từ dành cho nó “chayeviye” (tạm dịch là tiền trà nước).

Tiền boa được áp dụng trở lại vào những năm 2000s. Tuy nhiên, những người lớn tuổi vẫn cảm thấy khó chịu về nó.

Argentina

Trả tiền cho người phục vụ sẽ không dẫn đến rắc rỗi ở Argentina, dù thực tế, hành động này bị coi là bất hợp pháp theo luật lao động năm 2004 đối với ngành dịch vụ ăn uống và khách sạn. Tuy nhiên, tiền boa vẫn diễn ra và nó chiếm tới 40% thu nhập của những người bồi bàn ở quốc gia Nam Mỹ này.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM