Đi ăn hàng, ai phải trả tiền: Cuộc chiến tranh giành hóa đơn giữa những người muốn tỏ ra mình hào phóng không hồi kết

20/02/2019 13:15 PM | Sống

Bữa ăn tối ngon miệng với hội bạn kết thúc. Nhân viên nhà hàng tới và đặt tờ hoá đơn giữa bàn ăn. Giây phút đó, tất cả mọi người nhìn nhau, làm động tác vươn tới tờ hoá đơn. Ai nên là người trả tiền? Bạn? Hay một người khác mới có trách nhiệm thanh toán?

Đi ăn hàng dù chỉ đơn thuần là một cuộc tụ tập của hội bạn sau nhiều năm không gặp hay một buổi kỷ niệm dịp đặc biệt đều có thể trở thành một trải nghiệm, một truyền thống thú vị hằng năm. Tuy nhiên, thường có một bầu không khí khó xử bao trùm khi những người tham gia buổi tụ tập không chắc ai nên thanh toán, thanh toán những thức gì.

Sự thật thì không có câu trả lời hoàn chỉnh cho câu hỏi này. Nó phụ thuộc lớn vào tính chất bữa ăn, dịp các bạn tụ họp lại với nhau, một số yếu tố tế nhị thuộc về địa vị xã hội và mức độ thân sơ. Đối tượng cùng bạn dùng bữa cũng là yếu tố quyết định cho câu trả lời ai là người nên trả tiền.

Quy ước cơ bản nhất

Mặc dù chúng ta sẽ lần lượt tiếp cận nhiều tình huống khác nhau, một trong những quy tắc cơ bản nhất bạn cần ghi nhớ là: Nếu bạn là người ngỏ lời mời hoặc nếu bạn chịu trách nhiệm đứng ra tổ chức bữa tiệc, bạn là chủ xị thì bạn nên là người trả tiền. Ngược lại, nếu bạn được mời đi ăn, bạn là khách thì thường bạn sẽ không có trách nhiệm phải thanh toán. Còn nếu có sự nhất trí giữa tất cả mọi người, các bạn có thể theo hướng ai ăn gì tự người đó trả.

Đi ăn với bạn bè

Một nhóm bạn

Khi một nhóm bạn lớn bao gồm cả các cặp đôi, người độc thân... tham dự buổi gặp mặt thì cách tốt nhất là để mỗi người tự trả tiền phần ăn của mình. Người đi một mình trả một phần, cặp đôi trả tiền hai phần. Về mặt lý thuyết thì hoá đơn được chia đều cho số đầu người còn trên kinh nghiệm của tôi, đặc biệt đối với nhóm bạn trẻ, mỗi người nên trả tiền cho phần ăn riêng họ đã gọi, còn những món ăn chung thì chia đều tiền. Bằng cách này, người đang tiết kiệm có thể gọi burger trong khi một người khác đang muốn thưởng lớn cho bản thân có thể gọi bít tết và rượu vang. Sẽ không có chuyện lo lắng hay tị hiềm xảy ra trong buổi gặp mặt. Để tránh việc nhân viên nhà hàng phải tách toàn bộ hoá đơn sau khi các bạn đã dùng bữa xong, các bạn nên nói với nhà hàng ngay từ đầu là mỗi người/cặp đôi sẽ cần hoá đơn riêng và với những món nào nhóm sẽ gọi chung và chia tiền theo đầu người.

Trường hợp ngoại lệ sẽ xảy ra nếu một người bạn mời cả nhóm đi ăn với đôi lời như "Tớ sẽ mời mọi người một bữa" hoặc có cụm "Tớ trả tiền" trong lời rủ.

Đi ăn hàng, ai phải trả tiền: Cuộc chiến tranh giành hóa đơn giữa những người muốn tỏ ra mình hào phóng không hồi kết - Ảnh 1.

Nhóm nhỏ hai, ba người và có thể có cặp đôi

Tôi đưa vào trường hợp này vì đây cũng là tình huống phổ biến, đặc biệt khi bạn bè chơi với nhau lâu năm và hầu như ai cũng có đôi có cặp, các nhóm bạn với quy mô nhỏ hơn ra đời. Nếu bạn có một hội bạn thân thiết, có thể các bạn sẽ thường xuyên tụ họp lại với nhau, cùng nhau ăn uống và thống nhất với nhau về cách trả tiền cho các lần tụ họp này.

Một lựa chọn phổ biến cho những người bạn thân thiết và hay tụ tập ăn uống với nhau chính là một người/một cặp đôi thanh toán bữa này và tự hiểu những người bạn còn lại/những cặp đôi kia sẽ thanh toán cho những bữa ăn lần sau.

Một lựa chọn nữa là để mỗi người tự trả cho phần ăn của mình. Nếu các bạn thường xuyên ra ngoài ăn uống cùng nhau và có mức thu nhập tương tự nhau, việc trả tiền kiểu này ổn và sẽ tránh được một số bất tiện khi có những ngày ai đó muốn gọi một món đắt tiền hơn.

Nếu bạn đi theo cặp và dùng bữa với người bạn đi một mình hoặc nếu bạn biết bạn của mình đang trong giai đoạn thắt chặt chi tiêu, chắc hẳn bạn sẽ không muốn chia đôi tiền ăn bữa hôm đó. Trong trường hợp này, bạn có thể yêu cầu tách hoá đơn ngay từ đầu. Nếu bạn là người đề xuất buổi gặp gỡ và nơi các bạn dùng bữa là một nhà hàng với hình thức phục vụ tại bàn thay vì một cửa hàng ăn nhanh, đôi khi việc bạn đề nghị trả tiền cũng là hợp lý. Đây không phải là một sự ban ơn trừ khi lần nào bạn cũng trả tiền và hiểu rằng người bạn của mình không thể trả cho phần ăn của anh ấy/cô ấy. (Nhưng nếu người bạn đó mặc định kết luận bạn luôn là người trả tiền, hãy đặt ra giới hạn và nói rõ rằng bạn sẽ không thanh toán tất cả cho mọi lần tụ họp mà chỉ khi nào bạn là người mời mà thôi.)

Đi ăn hàng, ai phải trả tiền: Cuộc chiến tranh giành hóa đơn giữa những người muốn tỏ ra mình hào phóng không hồi kết - Ảnh 2.

Cuộc hẹn 2 người

Khi hai người bạn cùng giới đi ăn với nhau, "luật" khá là đơn giản. Hoặc là mỗi người tự trả tiền phần ăn của mình, hoặc một người nhận thanh toán kèm theo đôi lời như "Lần sau cậu trả nhé!"

Khi một nam và một nữ đi chung với nhau thì câu chuyện có phức tạp hơn một chút. Trong một buổi hẹn hò chính thức, người đàn ông nên trả tiền (trừ khi cô gái một mực từ chối thì nên chia tiền).

Nếu các bạn chỉ là bạn bè và cả hai đều ý thức rằng quan hệ giữa hai người không có gì hơn thế, việc chia đôi tiền ăn là hoàn toàn bình thường.

Nếu mối quan hệ còn mập mờ và cả hai đều nhận thức được điều này, những trường hợp sau đây có thể xảy ra. Thứ nhất, bạn yêu cầu nhân viên nhà hàng tách hoá đơn từ đầu. Bằng cách này, bạn đang đưa ra dấu hiệu mối quan hệ của chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè thôi nhé. Nếu bạn có nhiều hứng thú hơn với đối phương, hãy đề nghị thanh toán như một cách đánh tiếng về tình cảm của mình. Nếu cô ấy một mực đòi chia đôi tiền, hãy tự hiểu là cô ấy không có ý định tiến xa hơn ngoài quan hệ bạn bè với bạn.

Tổ chức tiệc mừng sinh nhật

Các quy ước đã nêu ở trên thường không áp dụng cho trường hợp một người trong nhóm bạn có tiệc sinh nhật (hoặc ăn mừng lên chức, có việc mới). Nhiều nhóm sẽ không để người bạn được tổ chức sinh nhật phải trả tiền cho phần ăn của anh ấy/cô ấy và điều này phải được thống nhất trong cả nhóm các bạn còn lại. Việc chiêu đãi người bạn có ngày sinh nhật sẽ phổ biến hơn khi nhân vật chính còn độc thân.

Nếu người được tổ chức sinh nhật đã có người yêu hoặc đã kết hôn, chuyện phức tạp hơn một chút. Nhưng thường thì phần ăn của cả hai người vẫn sẽ được bạn bè chiêu đãi thay vì tách ra làm hai và chỉ người có sinh nhật không phải trả tiền.

Tất nhiên cũng có những trường hợp nhân vật chính muốn chiêu đãi cả nhóm trong bữa tiệc sinh nhật của mình. Việc này dễ thấy hơn khi bạn đã trưởng thành và ai cũng có sự nghiệp của riêng mình. Nếu bạn có ý định này, hãy mời các bạn của mình một cách rõ ràng "Mình muốn mời mọi người đi ăn" hay "Đi ăn sinh nhật mình đi, mình chiêu đãi!".

Phương án thứ ba là ai trả tiền cho phần ăn của người ấy.

Trong phần lớn các trường hợp, bạn cần tinh ý dựa trên thái độ của mọi người cũng như dựa vào mức độ thân sơ của nhóm đang tụ họp để có lựa chọn phù hợp.

Cuối cùng, nếu điều kiện kinh tế không cho phép bạn chiêu đãi hay chịu một phần tiền ăn cho người bạn được tổ chức sinh nhật, đừng lo lắng về điều đó quá nhiều. Bạn bè sẽ hiểu cho bạn và đánh giá cao sự có mặt của bạn trong bữa tiệc.

Đi ăn với người nhà

Đi ăn hàng, ai phải trả tiền: Cuộc chiến tranh giành hóa đơn giữa những người muốn tỏ ra mình hào phóng không hồi kết - Ảnh 3.

Bố mẹ ruột

Khi bạn đi ăn với bố mẹ, việc người nào trả tiền sẽ phụ thuộc lớn vào lứa tuổi cũng như truyền thống của gia đình bạn.

Khi bạn còn trẻ, có thể còn là sinh viên hay còn trẻ hơn nữa, việc bạn đề nghị trả tiền không quá quan trọng trừ khi có một dịp đặc biệt nào đó hay chỉ đơn giản là bạn muốn mời bố mẹ một bữa. Ngay cả khi bạn đã có việc làm, bạn vẫn thường thấy bố mẹ một mực muốn trả tiền cho bữa ăn của cả gia đình. Tuy nhiên sẽ rất đáng trân trọng nếu khi bạn đã vững vàng về tài chính, bạn đề nghị được thanh toán tiền ăn cho cả nhà. Phần đông bố mẹ không nói ra nhưng sẽ rất tự hào trong lòng vì công sức bao năm nuôi dạy bạn được báo đáp, bạn đã trưởng thành và có thể chăm sóc phần nào cho bố mẹ.

Khi mọi người có tuổi hơn nữa - bạn đã lập gia đình, có thể đã có con - bố mẹ sẽ sẵn lòng để bạn thanh toán phần ăn của gia đình nhỏ của bạn, có thể cả phần của bố mẹ nữa và bạn rất nên đề nghị làm việc này. Mặt khác, cũng có trường hợp bố mẹ luôn muốn nhận trả tiền khi cùng con cháu ra ngoài ăn uống.

Yếu tố địa lý cũng đóng vai trò nhất định trong vấn đề này. Nếu bạn đi học, đi làm xa nhà và trở về thăm bố mẹ vào một dịp nào đó, bố mẹ có thể trả tiền ăn cho bạn vì lâu ngày bạn mới về nhà. Nhưng nếu bố mẹ đến thành phố bạn đang sống và làm việc để thăm con, bạn nên là người đề nghị trả tiền ăn.

Bố mẹ chồng/bố mẹ vợ

Mặc dù việc đi ăn ngoài với bố mẹ chồng/bố mẹ vợ cũng hơi tương tự như khi bạn đi ăn với bố mẹ ruột, bạn vẫn nên lưu tâm với một số chi tiết sau. Đối với phái nữ, việc đi ăn ngoài với bố mẹ chồng hay bố mẹ người yêu không quá cầu kỳ vấn đề ai phải trả tiền. Con dâu đã về nhà chồng hay kể cả con dâu tương lai thường không bao giờ bị đòi hỏi phải thanh toán hoá đơn trừ khi trong bữa ăn không có sự hiện diện của chàng trai. (Đối với trường hợp này, cô gái nên đề nghị được trả tiền phần ăn của mình hay thậm chí cả phần của hai vị phụ huynh nếu cô ấy rộng rãi, đồng thời cô gái không nên quá bất ngờ hay khăng khăng từ chối nếu bố mẹ chồng tranh trả tiền cho toàn bộ bữa ăn.)

Đối với chàng trai, việc đi ăn với bố mẹ vợ có thể yêu cầu cao hơn một chút. Đối với nhiều gia đình, cũng như khi đi ăn với bố mẹ đẻ vậy, bố mẹ vợ sẽ ngỏ ý trả tiền bữa ăn và đó cũng không phải là một vấn đề to tát. Khi việc này đã vào nếp, chàng trai không nhất thiết lần nào cũng phải ngỏ ý trả tiền ăn cho cả nhà, nhưng việc này cũng không quá khó khăn mà đúng không.

Nếu các bạn mới yêu, ngày cưới vẫn chưa được ấn định, có thể chàng trai sẽ muốn nhận thanh toán phần ăn của mình, thậm chí của cả nhà để chứng minh rằng mình là một người đàn ông trưởng thành có thể chịu trách nhiệm với con gái nhà người ta. Nếu lời đề nghị của bạn không được chấp nhận, bạn không cần quá lo lắng và giằng co lâu la. Còn nếu lời đề nghị của bạn được chấp nhận, hãy cứ tiếp tục ngỏ ý trả tiền phần ăn của mình trong những cuộc gặp mặt về sau cho đến khi cả hai về chung một nhà và có sự điều chỉnh nhất định.

Đi ăn hàng, ai phải trả tiền: Cuộc chiến tranh giành hóa đơn giữa những người muốn tỏ ra mình hào phóng không hồi kết - Ảnh 4.

Anh chị em họ

Khi bạn đi ăn hàng với anh chị em họ và các bạn đều đã là người lớn, có việc làm (tính cả sinh viên đại học), mỗi người có thể tự trả tiền cho phần ăn của mình. Trừ khi có một dịp đặc biệt hoặc một người cảm thấy hào phóng, không có bất kỳ quy tắc nào buộc một nhân vật cụ thể phải thanh toán cho bữa ăn của tất cả mọi người.

Cô/chú

Việc này phụ thuộc vào quan hệ họ hàng gần gũi giữa bạn và cô/chú. Nếu là quan hệ họ hàng rất gần, thường thì người vai trên sẽ đề nghị trả tiền. Tuy nhiên bạn cũng đừng trông đợi quá nhiều và hãy luôn trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị trả tiền cho phần ăn của mình.

Đi ăn với đồng nghiệp

Đối với các bữa ăn liên quan đến công việc của công ty, bạn gần như được đảm bảo không phải tự bỏ tiền túi để trả. Tuy nhiên thì định nghĩa các bữa ăn liên quan đến công việc đôi khi không được rõ ràng lắm. Đi ăn trưa với đồng nghiệp có tính không? Chắc là không rồi. Thế còn đi ăn với cấp trên thì sao? Cũng có thể.

Khi bạn đi ăn với các đồng nghiệp ngang bạn về cấp bậc, ai ăn gì tự trả tiền của người đấy. Việc này khá dễ hiểu và hợp lý.

Khi đi ăn với cấp trên, ngay cả khi đó chỉ là bữa trưa bình thường không liên quan đến công việc, chi phí ăn uống thường do công ty trả. Không phải trường hợp nào cũng như vậy nhưng tham khảo nhiều bạn bè trong ngành mà tôi biết thì phần lớn sẽ là như thế. Nhưng bạn cũng đừng hy vọng quá nhiều và hãy luôn sẵn sàng ngỏ ý trả tiền cho phần ăn của mình. (Ngoại lệ là khi yếu tố công việc được thể hiện quá rõ như đi tiếp khách hàng, đi khảo sát... Trong các trường hợp này, bạn không cần đề nghị trả tiền.)

Tranh trả tiền như nào cho sang

Nếu cả hai bên đều cho rằng thanh toán là nghĩa vụ của mình hay là việc mình nên làm, việc tranh giành trả tiền có mục đích tốt nhưng hơi khó xử có thể xảy ra khi mà cả hai người cùng chìa thẻ của mình cho nhân viên phục vụ. Đừng biến đây thành một cuộc chiến. Nếu bạn của bạn nhận hoá đơn nhưng bạn muốn mình là người thanh toán bữa ăn, hãy cho người bạn kia biết ý định của mình một cách thân thiện và dứt khoát. Nếu bên kia cũng chân thành và dứt khoát như bạn, hỏi họ rằng "Cậu chắc không?" một cách lịch sự. Nếu bạn của bạn chắc chắn, hãy làm theo nguyện vọng của người ấy và đừng quên thể hiện sự biết ơn trước hành xử hào phóng và tốt bụng của họ với thái độ lịch thiệp.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM