ĐHCĐ Vietnam Airlines: "Vietnam Airlines không phải là công ty thấy người ta làm gì thì làm theo..."

20/06/2017 15:34 PM | Kinh doanh

"VNA không phải là công ty thấy người ta làm cái gì thì làm theo, không phải là công ty không có chiến lược hành động của mình" – Chủ tịch HĐQT của VNA nói khi cổ đông so sánh "ông lớn" này với hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

Dự kiến, cuối năm nay, đầu năm sau, HVN sẽ niêm yết trên sàn HoSE hoặc HNX

Trả lời câu hỏi về kế hoạch chuyển sàn niêm yết, kế toán trưởng Trần Thanh Hiền khẳng định, Vietnam Airlines lên sàn UPCoM không phải vì không minh bạch. Từ năm 2001, Công ty đã công bố thông tin đầy đủ và minh bạch, thậm chí, độ minh bạch của Tổng công ty này còn cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn của sàn chứng khoán Việt Nam.

Sau khi hoàn tất Đại hội và phát hành bổ sung cổ phiếu tăng vốn, Vietnam Airlines đã đủ điều kiện niêm yết. Dự kiến, cuối năm nay và đầu năm sau sẽ niêm yết trên sàn chính thức HoSE hoặc HNX.

Thứ trưởng Bộ GTVT trong phát biểu của mình cũng đề nghị Vietnam Airlines sớm thực hiện niêm yết trên sàn chính thức và tiến tới niêm yết trên sàn nước ngoài.


Giá dầu giảm 1USD, chi phí giảm 200 tỷ đồng

Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch giá xăng dầu ở mức 64USD. Nếu giá dầu bình quân cả năm giảm/tăng 1 USD thì chi phí sẽ giảm/tăng 200 tỷ.


Giá nào cho cổ phiếu HVN?

Sự so sánh với Vietjet Air vẫn được cổ đông đặt ra khi giá cổ phiếu VJC trên thị trường chứng khoán là 130.000 đồng, trong khi của HVN thấp hơn nhiều.

Trả lời câu hỏi này, kế toán trưởng của VNA cho rằng, giá cổ phiếu phụ thuộc yếu tố đầu tiên là chất lượng kinh doanh, hiệu quả và chiến lược kinh doanh. Giá cổ phiếu cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường và tính thanh khoản. Trong nhiều trường hợp, tỷ lệ trôi nổi của cổ phiếu quá thấp khiến cho giá cổ phiếu không đại diện cho giá trị thực của cổ phiếu.

Đối với cổ phiếu HVN, khi cổ phần hóa, Tổng công ty đã thuê các tổ chức tư vấn để định giá theo tiêu chuẩn quốc tế. Tại thời điểm đó, các tổ chức định giá HVN là 22.300 đồng/cp. Đến tháng 1/2017, một lần nữa cổ phiếu HVN được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá lại và chào sàn giá 28.000 đồng. Trong 1 tháng nay, giá cổ phiếu cũng giao động trong khoảng giá 25- 29.000, tức sát với chuẩn mực của 1 hãng hàng không mang tính chuẩn mực cao có các chỉ tiêu sinh lời, chỉ tiêu chất lượng dịch vụ, các yếu tố nội tại đều tốt và giá cổ phiếu ổn định.

"Giá trị vốn hóa của VNA ngày hôm nay là 1,4 tỷ USD và Thái Airway là 1,17 tỷ… Hãy nhìn vào các hãng hàng không truyền thống mang tầm quốc tế để đánh giá và có quyết định của mình." – Kế toán trưởng của VNA nói.


"Vietnam Airlines không phải là công ty thấy người ta làm gì thì làm theo..."

"VNA không phải là công ty thấy người ta làm cái gì thì làm theo, không phải là công ty không có chiến lược hành động của mình" – Chủ tịch HĐQT của VNA nói khi cổ đông so sánh "ông lớn" này với hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

Ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc VNA chia sẻ, ngay từ năm 2000 – 2010, Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã coi hàng không giá rẻ là xu hướng hiện hữu và có chiến lược để đi theo xu hướng này bằng việc đầu tư vào Jetstar Pacifics với chiến lược sở hữu một thương hiệu hàng không low cost.

Ông Thành cũng nhận xét, các hãng hàng không giá rẻ đã phát triển nóng trong những năm qua và hiện đang chiếm thị phần khoảng 60%, nhưng đó là mảng thị trường 2- 3 sao. Trong khi đó, VNA là hãng hàng không có chất lượng dịch vụ đẳng cấp, đầy đủ dịch vụ. Với dự báo mức tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ trong vòng 2, 3 năm tới ở mức 20 -30%, chiến lược của VNA là đẩy mạnh ở thị trường quốc tế. Còn tại thị trường nội địa, VNA phát triển với định hướng thương hiệu kép cùng Jetstar và đảm bảo giữ thị phần không dưới 30%.

"Việc nằm trong liên minh hàng không Skyteam là lợi thế không phải hãng hàng không nào cũng làm được hay làm được trong ngày 1, ngày 2. Bên cạnh đó, VNA đang thực hiện các bước đi cụ thể để cơ cấu hoạt động kinh doanh và kết quả sẽ thấy trong dài hạn, chứ không phải ngắn hạn" – Tổng giám đốc của VNA khẳng định.

Cùng với hãng hàng không giá rẻ Jetstar, VNA có chủ trương thành lập công ty hàng không VASCO để phát triển một dải sản phẩm có đầy đủ dịch vụ cho khách hàng.

Theo Chủ tịch của VNA, CTCP Hàng không VASCO được thành lập đúng với quy định và quy hoạch phát triển ngành hàng không. Nhưng về thực tế, các nhà đầu tư vừa gửi thông báo đề nghị thông qua việc giải thể SkyViet. Hiện các bên đang rà soát và triển khai các thủ tục để đề nghị rút vốn.

Theo định hướng, VASCO là chi nhánh của VNA, dự kiến đứng ra độc lập để làm thành 1 hãng gom tụ, khai thác các đường bay không sử dụng được các máy bay lớn, tức là VASCO sẽ tạo nên sự đa dạng và hoàn thiện về sản phẩm trong hệ thống của VNA. Tuy nhiên thủ tục hành chính quá lâu và cổ đông tư nhân muốn rút vốn. VNA vẫn cam kết phát triển đầy đủ các sản phẩm theo định hướng như trên.


Phát hành 191 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, kế hoạch lợi nhuận giảm 35%

Sáng ngày 20/06, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017.


Đại hội cổ đông thường niên 2017 của Vietnam Airlines

Đại hội cổ đông thường niên 2017 của Vietnam Airlines

Tại đại hội năm nay, Vietnam Airlines trình kế hoạch doanh thu hợp nhất 87.900 tỷ đồng - tăng trưởng 22,7% so với năm 2016 nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất kế hoạch là 1.338 tỷ đồng – giảm 35%. Trong năm trước, 2.054 tỷ đồng lợi nhuận đạt được là con số lớn nhất lịch sử của Vietnam Airlines, chủ yếu là nhờ giá nhiên liệu giảm so với năm trước giúp giá vốn giảm mạnh. Năm 2016 vừa qua là năm giá dầu ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Kế hoạch lợi nhuận giảm trong năm nay được lý giải là do thận trọng trước dự báo giá nhiên liệu không thuận lợi như năm trước, đồng thời doanh nghiệp sẽ tăng chi phí khấu hao khi mua máy bay mới.

Vietnam Airlines cũng đánh giá rằng, sức mua thị trường dự kiến chỉ tăng 9,5% dẫn tới thu suất bình quân (RASK) toàn thị trường dự báo giảm 5% so với năm 2016 và chỉ bằng 78% so với năm 2015. Trong khi đó, trên các đường bay quốc tế, cạnh tranh tiếp tục gia tăng khi các hãng hàng không giá rẻ tăng cường khai thác các đường bay đi/đến Việt Nam trong khu vực Đông Bắc Á/ Đông Nam Á.

Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất dự kiến được đưa vào sửa chữa cuối năm 2017, giới hạn khai thác có thể bị giảm chỉ còn 70% so với hiện tại. Các hãng dự kiến phải điều chỉnh giảm tối thiểu 15% tổng số chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất trong giờ bay ngày.

Theo kế hoạch, Vietnam Airlines tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu đội bay thân rộng, dừng khai thác và trả 3 tàu A330, bán và cho thuê lại 4 tàu A350 và 1 tàu B787.

Tại ĐHCĐ, HĐQT công ty cũng trình thông qua chủ trương phát hành khoảng 191,2 triệu cổ phiếu mới với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó dự kiến phát hành 164,73 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông Nhà Nước, gần 16,77 triệu cổ phiếu mới cho ANA Holdings Inc và gần 9,7 triệu cổ phiếu mới cho các cổ đông khác. Tỷ lệ phát hành cho cổ đông hiện hữu 15,575%.

Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành 1.912 tỷ đồng sẽ dùng để bù đắp tiền mua máy bay B787-9/A350 và thanh toán các dịch vụ hoạt động SXKD.

Theo PV

Cùng chuyên mục
XEM