Quá khứ huy hoàng của ngân hàng từng đứng đầu thế giới Deutsche Bank: Biểu tượng của nền tài chính Đức (P.1)

09/07/2019 13:40 PM | Xã hội

Quay ngược dòng lịch sử, dù có trụ sở tại Frankfurt nhưng Deutsche Bank lại được thành lập ở thủ đô Berlin vào năm 1870 nhằm nhận trách nhiệm giao dịch tài chính với nước ngoài cũng như thúc đẩy xuất khẩu cho Đức.

Mới đây, thông tin ngân hàng Deutsche Bank phải sa thải 18.000 nhân viên và đóng cửa hàng loạt văn phòng đã làm xao động thị trường. Ít ai ngờ rằng tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức này lại có thể lâm vào tình trạng khó khăn như hiện nay.

Vậy Deutsche Bank là ngân hàng như thế nào và nó to lớn đến đâu?

Được thành lập vào năm 1870 và có trụ sở chính ở Frankfurt-Đức, Deutsche Bank là ngân hàng lớn thứ 15 thế giới về quy mô tổng tài sản và hiện đang hoạt động tại 58 quốc gia trên thế giới, trải dài từ Châu Mỹ, Châu Âu cho đến Châu Á.

Deutsche Bank cũng là ngân hàng lớn nhất Đức và là tổ chức phân tích chỉ số DAX trên sàn chứng khoán nước này. Xét theo cấu trúc, Deutsche Bank phân ra làm 3 mảng chính là ngân hàng tư nhân, ngân hàng doanh nghiệp và dịch vụ quản lý tài sản.

Đồng hành cùng Đức qua 2 cuộc Thế chiến

Quay ngược dòng lịch sử, dù có trụ sở tại Frankfurt nhưng Deutsche Bank lại được thành lập ở thủ đô Berlin vào năm 1870 nhằm nhận trách nhiệm giao dịch tài chính với nước ngoài cũng như thúc đẩy xuất khẩu cho Đức. Có thể nói Deutsche Bank đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Đức khi trở thành yếu tố chủ chốt đảm bảo nền tài chính nước này hoạt động.

Quá khứ huy hoàng của ngân hàng từng đứng đầu thế giới Deutsche Bank: Biểu tượng của nền tài chính Đức (P.1) - Ảnh 1.

Ba người thành lập nên ngân hàng này gồm Georg Siemens, Adelbert Delbruck và Ludwig Bamberger. Trước đó, nền tài chính và thương mại Đức phụ thuộc vào Anh và Pháp. Hầu như các giao dịch thương mại thời đó của Đức dựa vào những tổ chức tài chính của nước ngoài, còn đồng nội tệ của họ thì chẳng được biết đến nhiều trong giao thương quốc tế.

Trước thập niên 1890, Deutsche Bank chủ yếu hoạt động tại nước ngoài, mở các chi nhánh ở Thượng Hải (1872), London (1873) cùng nhiều nơi ở Nam Mỹ (1874-1886). Mục tiêu chính của ngân hàng là hỗ trợ giao thương cho nước Đức cũng như thúc đẩy vị thế, quảng bá đồng nội tệ ra nước ngoài và tìm kiếm của cải về cho đất nước.

Từ nửa cuối thập niên 1890, Deutsche Bank bắt đầu chú ý đến thị trường trong nước với hàng loạt cuộc sáp nhập. Mục tiêu của chính phủ Đức thời kỳ này là cải tổ nền kinh tế, hệ thống tài chính nên Deutsche Bank được yêu cầu quay sự chú ý trở về thị trường nội địa.

Đến Thế Chiến I, ngân hàng này chịu trách nhiệm chính cho việc giao thương, cung cấp khoản vay và tài nguyên cho quân đội. Tuy nhiên khi Đức thua trận, Deutsche Bank bị mất hàng loạt tài sản tại nước ngoài và trải qua thời kỳ khủng hoảng khi nhiều khách hàng của họ không đủ khả năng thanh toán.

Đến khi Adolf Hitler lên nắm quyền, Deutsche Bank mới dần hồi phục lại và hưởng lợi lớn từ thành quả thắng trận của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Trớ trêu thay, lại một lần nữa Deutsche Bank bị chia cắt sau khi Đức bại trận. Ngân hàng này bị buộc phải chia làm 10 tổ chức tài chính nhỏ với hàng loạt điều kiện ràng buộc.

Tuy nhiên, lần này ngân hàng nhanh chóng vực lại được nhờ sự hỗ trợ của các nước Phương Tây. Năm 1957, các ngân hàng nhỏ hợp nhất trở lại thành Deutsche Bank và đặt trụ sở ở Franfurt. Thời kỳ này, các nước Phương Tây muốn củng cố nền kinh tế Tây Đức nên đã hết sức hỗ trợ. Kết quả là Deutsche Bank bắt đầu mở rộng dịch vụ sang thị trường tư nhân với những khoản vay lẻ, hướng đến cả những khách hàng cá nhân thay vì chỉ có chính phủ và doanh nghiệp.

Quá khứ huy hoàng của ngân hàng từng đứng đầu thế giới Deutsche Bank: Biểu tượng của nền tài chính Đức (P.1) - Ảnh 2.

Tìm lại vinh quang

Thập niên 1970, Deutsche Bank dần trở lại sân chơi quốc tế khi mở cửa hàng loạt chi nhánh ở Milan-Ý, Moscow-Nga, London-Anh, Paris-Pháp, Tokyo-Nhật Bản…

Đến giữa thập niên 1990, Deutsche Bank dần vươn lên thành ngân hàng đầu tư sừng sỏ trên thế giới với nhiều cuộc sáp nhập lớn, tiêu biểu là thương vụ mua lại Bankers Trust trị giá 10 tỷ USD vào năm 1998, qua đó biến tổ chức này thành ngân hàng quản lý tài sản lớn thứ 4 trên thế giới.

Tiếp trong những năm sau đó là hàng loạt các cuộc sáp nhập và mua bán, khẳng định vị thế của Deutsche Bank trong thị trường tài chính ngân hàng.

Hiện nay, với tổng tài sản 1,34 nghìn tỷ Euro (tính đến năm 2018) và 91.463 nhân viên (tính đến quý I/2019), có tổng doanh thu đạt 167,362 tỷ Euro (2018), Deutsche Bank là một trong những ông lớn mà ngay cả chính phủ các nước Phương Tây cũng phải xem xét cứu trợ nếu có khủng hoảng xảy ra bởi tầm ảnh hưởng của ngân hàng này là quá lớn.

Deutsche Bank hiện là ngân hàng đầu tư toàn cầu với nhiều phi vụ kinh doanh nổi tiếng, mang đến các lợi ích và cung cấp một loạt dịch vụ tài chính cho các công ty, tổ chức, các khách hàng giàu có và cá nhân trên thế giới. Logo "hình vuông có đường chéo nằm ở giữa" là một biểu tượng tổng thể cho "sự phát triển trong một môi trường ổn định". Logo này được giới thiệu vào năm 1974 bởi họa sĩ đồ họa Anton Stankowski.

Quá khứ huy hoàng của ngân hàng từng đứng đầu thế giới Deutsche Bank: Biểu tượng của nền tài chính Đức (P.1) - Ảnh 3.

Ngân hàng Deutsche từ lâu đã được công nhận là ngân hàng dẫn đầu về lĩnh vực kinh doanh vốn có quy mô lớn, mang lại những giải pháp chất lượng cao cho khách hàng. Riêng lĩnh vực đầu tư ngân hàng, Deutsche là một trong những doanh nghiệp có doanh thu và các vụ chuyển tiền lớn nhất thế giới. Deutsche là ngân hàng duy nhất kết hợp kinh doanh hàng hóa tiêu chuẩn, tín dụng, cổ phiếu, ngoại hối và lãi suất với các sản phẩm phái sinh khác.

Deustche Bank tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu về tài chính toàn cầu với sự hiện diện mạnh mẽ tại châu Âu cũng như là vị trí tiềm năng tại châu Mỹ và châu Á. Quan trọng hơn, các lĩnh vực kinh doanh ổn định như quản lý tiền mặt và thương mại tài chính vẫn tiếp tục phát triển mạnh tại Deutsche.

Deutsche cũng là một trong những công ty có giá trị tài sản lớn nhất trên thế giới. Deutsche có vị trí quan trọng đối với việc quản lý tài sản chung cho các tổ chức và cá nhân đồng thời là nhà cung cấp quỹ hỗ trợ đầu tư hàng đầu tại Mỹ và châu Âu. Lĩnh vực bán lẻ của Deutsche được củng cố qua việc mua lại ngân hàng Berliner và Norish tại Đức và qua việc mở thêm chi nhánh tại Ba Lan.

Hơn nữa, việc mua lại Tập đoàn Tilney tại Anh và việc hợp tác kinh doanh ở Việt Nam và Trung Quốc đã mở rộng dịch vụ quản lý toàn cầu của Deutsche. Năm 2001, Deutsche niêm yết cổ phiếu tại Thị trường Chứng Khoán New York. Tại Luân Đôn, số nhân viên của Deutsche là 7,545 người và là ngân hàng có số nhân viên đông nhất và chiếm giữ diện tích nhiều nhất ở khu vực Square Mile.

Sở dĩ Deutsche có được vị trí cao như vậy là nhớ biết nắm bắt những khuynh hướng đang định hình trong môi trường hoạt động của ngành tài chính ngân hàng như là quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển của thị trường vốn và sự phát triển tài sản trên toàn cầu

Tuy nhiên, hàng loạt những vụ bê bối và rắc rối đang khiến Deutsche Bank gặp bất ổn trong các năm trở lại đây.

(Cỏn tiếp)

Quá khứ huy hoàng của ngân hàng từng đứng đầu thế giới Deutsche Bank: Biểu tượng của nền tài chính Đức (P.1) - Ảnh 4.

AB

Cùng chuyên mục
XEM