Đều là "hổ tướng", vì sao Quan Vũ coi thường Hoàng Trung, Mã Siêu nhưng coi trọng Triệu Vân?

22/07/2019 20:36 PM | Sống

Những điểm khác biệt trên một vài phương diện dưới đây đã khiến Triệu Vân được Quan Vũ xem trọng hơn nhiều so với hai nhân vật khác trong "Ngũ hổ tướng" là Hoàng Trung và Mã Siêu.

"Ngũ hổ tướng" là cách gọi chung của 5 vị tướng cốt cán hàng đầu thuộc tập đoàn chính trị Thục Hán trong tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung.

Những viên tướng có mặt trong danh sách này đều là các nhân vật vô cùng nổi danh dưới trướng Lưu Bị, bao gồm Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu. Trong đó người đứng đầu chính là danh tướng "uy chấn Hoa Hạ" - Quan Vân Trường.

Về tính cách của nhân vật này, tờ báo KKNews (Trung Quốc) nhận định, Quan Vũ lúc sinh thời tuy sở hữu võ lực xuất chúng và lòng trung nghĩa khó ai sánh bằng, thế nhưng ông cũng mắc phải một khuyết điểm chí mạng. Đó chính là thái độ kiêu ngạo và tính cách không thích thua kém người khác.

Cũng dựa trên những tình tiết của "Tam quốc diễn nghĩa", KKNews cho rằng trong hàng ngũ 5 vị hổ tướng của Thục Hán, Quan Vũ vốn xem nhẹ Hoàng Trung cùng Mã Siêu. Và người được ông coi trọng trong nhóm này ngoài huynh đệ Trương Phi thì chỉ còn duy nhất 1 nhân vật. Đó không ai khác ngoài Triệu Tử Long.

Vậy liệu rằng đâu là lý do khiến những tên tuổi lão làng trên chiến trường Tam Quốc khi đó như Hoàng Trung, Mã Siêu lại bị Quan Vũ xem nhẹ, trong khi ông lại rất mực coi trọng Triệu Vân?

Nguyên nhân khiến Quan Vũ không coi trọng Hoàng Trung, Mã Siêu

 Đều là hổ tướng, vì sao Quan Vũ coi thường Hoàng Trung, Mã Siêu nhưng coi trọng Triệu Vân? - Ảnh 1.

Hình minh họa: Nguồn Internet.

Hoàng Trung (145 – 211) là vị tướng cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.

Ông được "Tam Quốc diễn nghĩa" miêu tả là một lão tướng sở hữu sức địch muôn người và đã lập nhiều công lao sau khi đầu quân cho Tiên chủ Lưu Bị.

Dưới ngòi bút của tác giả La Quán Trung, sự kiện Hoàng Trung quy hàng Thục Hán đã được miêu tả hết sức hấp dẫn, đặc biệt là trận chiến giữa lão tướng này cùng Quan Vũ ở Trường Sa.

Màn tỷ thí giữa hai vị tướng nói trên cuối cùng được xem là "bất phân thắng bại" khi Quan Vũ từng có một lần chủ động tha chết cho Hoàng Trung, và Hoàng Trung cũng từng bắn một mũi tên trúng vào quai mũ Quan Vân Trường.

Tuy nhiên theo nhận định của tờ báo KKNews, thì Quan Vũ cho rằng việc Hoàng Trung phải chịu ơn trong lần tha chết của mình chính là minh chứng cho thấy lão tướng này thua kém ông trên phương diện võ lực. Đó rất có thể là một trong những lý do khiến Quan Vân Trường không thực sự xem trọng Hoàng Trung.

Thái độ của Quan Vũ đối với lão tướng họ Hoàng được thể hiện hết sức rõ ràng trong hồi thứ 73 của "Tam quốc diễn nghĩa", khi Lưu Bị xưng làm Hán Trưng vương và phong chức tước cho quần thần.

Bấy giờ, khi thấy Lưu Huyền Đức sắc phong Hoàng Trung có mặt trong danh sách "Ngũ hổ tướng", Quan Vân Trường đã bất mãn mà nói thẳng:

"Trương Dực Đức là em ta, Mạnh Khởi là dòng dõi thế gia, Tử Long theo anh ta đã lâu, thì cũng coi như em ta. Ba người ấy cùng hàng với ta đã đành, còn như Hoàng Trung là ai mà dám ngang hàng với ta. Đại trượng phu lại thèm ngang hàng với một tên lính già à?".

Câu nói này đã thể hiện rõ sự xem nhẹ của Quan Vân Trường đối với Hoàng Trung, mà nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ những sự khác biệt về như tuổi tác, năng lực và địa vị.

Theo lý lẽ của Quan Vân Trường trong diễn nghĩa thì Hoàng Trung chỉ là một "tên lính già", không phải huynh đệ thân thiết như Trương Phi, Triệu Vân, cũng không mang xuất thân thế gia như Mã Siêu, do đó không thể đứng chung với ông trong hàng ngũ hổ tướng.

 Đều là hổ tướng, vì sao Quan Vũ coi thường Hoàng Trung, Mã Siêu nhưng coi trọng Triệu Vân? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Tương tự như Hoàng Trung, Mã Siêu cũng là một nhân vật trong danh sách "Ngũ hổ tướng" nhưng không nhận được sự coi trọng từ Quan Vân Trường. Điểm đáng nói nằm ở chỗ, nguyên nhân vị tướng họ Mã bị Quan Vũ xem nhẹ không phải bắt nguồn từ xuất thân hay giá trị võ lực.

Bàn về xuất thân, Quan Vân Trường đã từng công nhận Mã Siêu là nhân vật mang dòng dõi thế gia.

Nói tới võ lực, chỉ riêng cuộc tỷ thí bất phân cao thấp giữa ông và Trương Phi, cùng với đó là chiến tích khiến Tào Tháo phải sợ hãi tới mức cởi áo, cắt râu để chạy trốn bên bờ sông Vị Hà cũng đã đủ để chứng minh thực lực của viên hổ tướng này.

Thế nhưng yếu tố khiến cho Quan Vũ không xem trọng Mã Siêu lại nằm ở trên một phương diện khác. Đó chính là thái độ làm người.

Mao Tôn Cương trong "Thánh thán ngoại thư" đã từng đưa ra nhận định về vị tướng này:

"Trong số ‘ngũ hổ’ thì Quan, Trương, Triệu, Hoàng đều là bốn ‘đại tướng’ tài. Duy chỉ Mã Siêu thì chỉ là một ‘chiến tướng’ chứ không thể gọi là ‘đại tướng’."

Mà nguyên nhân chủ chốt khiến danh tướng họ Mã không thể so sánh với các nhân vật khác trong "Ngũ hổ tướng" lại nằm ở cách đối nhân xử thế thiếu đi "nhân" - "trí" của mình.

 Đều là hổ tướng, vì sao Quan Vũ coi thường Hoàng Trung, Mã Siêu nhưng coi trọng Triệu Vân? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Có giai thoại còn truyền lại rằng, năm xưa khi Mã Siêu đánh bại Khương Tự, mẹ của Khương Tự đã chỉ thẳng mặt ông và mắng rằng:

"Ngươi là đứa con bất hiếu, phản lại cha ruột, là tên giặc đáng chết giết vua. Người là kẻ trời không dung, đất không tha. Ngươi không chết đi mà còn dám vác mặt mũi đi nhìn người đời hay sao?".

Mã Siêu nghe xong liền vô cùng tức giận, lập tức hạ lệnh mang bà lão này ra chém đầu. Giai thoại nói trên đã được giản lược và đưa vào hồi thứ 64 của "Tam quốc diễn nghĩa". Đây cũng được xem là một trong những minh chứng tiêu biểu cho thấy sự tàn bạo của viên tướng họ Mã.

Bởi vậy nên có ý kiến cho rằng, một bậc đại trượng phu như Quan Vũ vốn không thể chấp nhận được cách cư xử thiếu nhân nghĩa của Mã Siêu. Đó mới thực sự là nguyên nhân khiến ông không xem trọng vị tướng ấy.

Xét trên một góc độ khác, có ý kiến cho rằng Hoàng Trung và Mã Siêu đều là hàng tướng đầu quân cho Lưu Bị sau khi đã nương nhờ những thế lực khác. Do đó việc Quan Vũ không thực sự thân thiết hay coi trọng họ cũng là điều dễ hiểu.

Điểm khác biệt khiến Triệu Vân, Trương Phi được Quan Vân Trường coi trọng

Trong "Ngũ hổ tướng", không khó để nhận thấy người mà Quan Vũ thân thiết nhất chính là huynh đệ kết nghĩa Trương Phi.

Vì vốn có duyên gặp mặt từ sớm, lại đều đi theo Lưu Bị vào cùng một thời điểm, hơn nữa còn kết nghĩa huynh đệ, cho nên Quan Vân Trường luôn rất mực coi trọng Trương Dực Đức.

Bên cạnh đó, ông còn đánh giá rất cao võ lực của Trương Phi. Điều này thể hiện qua lời tán dương trong hồi thứ 25 thuộc diễn nghĩa:

"Tôi đã thấm vào đâu. Em tôi là Trương Dực Đức còn có thể trong đám quân trăm vạn lấy đầu thượng tướng dễ như lấy vật gì trong túi".

Câu nói này cho thấy bản thân Quan Vũ coi trọng Trương Phi không chỉ vì tình nghĩa mà còn bởi giá trị võ lực xuất chúng của vị tướng này.

 Đều là hổ tướng, vì sao Quan Vũ coi thường Hoàng Trung, Mã Siêu nhưng coi trọng Triệu Vân? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Nếu không tính người em kết nghĩa như Trương Phi, thì nhân vật duy nhất còn lại trong "Ngũ hổ tướng" được Quan Vân Trường coi trọng chính là Triệu Vân.

Bàn về võ nghệ, tài năng của Triệu Tử Long chắc chắn đủ để khiến cho một danh tướng "uy chấn Hoa Hạ" như Quan Vũ cũng không thể coi thường. 

Ông đã từng nhiều lần làm nên kỳ tích trên chiến trường, mà tiêu biểu phải kể tới chiến công một mình đột phá vòng vây quân Tào để cứu vợ con Lưu Bị trong trận chiến khốc liệt tại Đương Dương – Trường Bản.

Trong "Tam quốc diễn nghĩa" chi tiết Triệu Vân phá vòng vây cứu A Đẩu được La Quán Trung miêu tả hết sức ly kỳ và hấp dẫn. 

Cũng trong trận chiến đó, ông đã giết được 50 viên tướng Tào, chặt gãy 2 lá cờ to và lấy được thanh gươm Thanh Công – gươm báu mạ vàng của Tào Tháo được cho là có thể chém gãy các loại binh khí.

 Đều là hổ tướng, vì sao Quan Vũ coi thường Hoàng Trung, Mã Siêu nhưng coi trọng Triệu Vân? - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Không chỉ sở hữu tài năng xuất chúng trên phương diện võ lực, Triệu Vân còn hoàn toàn xứng đáng nhận được sự xem trọng của Quan Vũ nhờ vào những phẩm chất hiếm có.

Năm xưa mặc dù không tri ngộ với Tiên chủ  sớm như Quan Vũ, Trương Phi, nhưng Triệu Tử Long cũng được xem là nhân vật theo phò Lưu Bị từ những ngày đầu gây dựng sự nghiệp và được Lưu – Quan – Trương xem như huynh đệ.

Không chỉ dừng lại ở đó, vị tướng này còn nổi danh là người trung nghĩa và luôn dốc toàn tâm toàn lực để phụng sự quân chủ. Ông cũng được biết tới là người có cách hành xử rất mực cẩn trọng và xứng đáng được xem là bậc quân tử.

Xuất phát từ những yếu tố nói trên, có thể nhận thấy việc Triệu Vân được Quan Vũ coi trọng vốn là điều hết sức dễ hiểu. Cũng bởi vậy mà không ít người vẫn thường ca ngợi viên hổ tướng văn võ song toàn ấy chính là nhân vật hoàn mỹ nhất vào thời Tam Quốc.

Mặc dù ông từng là vị tướng dưới quyền của Công Tôn Toản trước khi đi theo phò tá Lưu Bị, thế nhưng chính tài năng và nhân cách của viên tướng này đã khiến ông có được sự công nhận cùng tín nhiệm từ những nhân vật cốt cán hàng đầu trong tập đoàn chính trị Thục Hán, mà Quan Vũ cũng là một trong số đó.

*Dịch từ các báo nước ngoài.

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM