Đến thăm Bảo tàng y học Mutter, một nơi khiến con người vừa tò mò vừa ghê rợn vì những hình ảnh chấn động lịch sử y học thế giới
Bảo tàng Mutter được xem là nơi cung cấp những thông tin bổ ít về y học, lưu giữ hiện vật và thông tin suốt nhiều thế kỉ qua.
Bảo tàng lịch sử y học Mutter ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ là một trong những bảo tàng “nặng đô” nhất thế giới. Tại đây trưng bày nhiều mẫu vật, mô hình và các thiết bị y tế cổ xưa không ai ngờ đến. Bảo tàng còn lưu giữ các cơ quan cơ thể người dị tật khác nhau như tay chân, các bộ phận và các thai nhi dị dạng. Bạn còn có thể tìm thấy một tuyến tiền liệt nặng 1kg, đại tràng khổng lồ bị táo bón nặng 36kg, u nang buồng trứng 66kg, não của Einstein hay khối u của một vị tổng thống.
Bảo tàng Mutter mở cửa lần đầu tiên vào năm 1849, là một phần của trường y khoa có tuổi thọ lâu đời nhất ở Mỹ, trường Cao đẳng Y học Philadelphia. Nhưng những người thu thập các mẫu vật kỳ lạ này không hoàn toàn là kẻ điên rồ. Trên thực tế, người sáng lập bảo tàng là Thomas Dent Mutter, một vị bác sĩ phẫu thuật người Mỹ được nhiều người ca ngợi và kính trọng.
Bác sĩ phẫu thuật Thomas Dent Mutter.
Ông là người tiên phong trong kỷ nguyên y học trong thời đại lạc hậu này. Sau gây mê bằng Ether được phát minh, Thomas Dent Mutter là bác sĩ phẫu thuật sử dụng thuốc mê sớm nhất ở Philadelphia, trong khi các đồng nghiệp của ông tại thời điểm đó đều phản đối phát minh này. Ngoài việc thúc đẩy sự phát triển của phương pháp gây mê, bác sĩ Mutter còn kiên quyết làm sạch và khử trùng giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng, trước khi Pasteur đề xuất lý thuyết mầm bệnh.
Trong sự nghiệp y học của mình, bác sĩ Mutter đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc các căn bệnh lạ bị cả thế giới quay lưng. Trong thời đại đầy rẫy sự phân biệt đối xử đó, ông chỉ biết bệnh là bệnh và họ cần ông chữa trị. Vì vậy, những “quái vật” được coi là “không có thuốc trị” đã tìm thấy một tia hy vọng nơi ông. Trong suốt cuộc đời theo đuổi y học, Mutter đã tích lũy một số lượng lớn mẫu vật của các bệnh bất thường. Trước khi chết, ông đã hiến tặng tất cả “kho báu” của đời mình cho trường Cao đẳng Y học Philadelphia. Ông tin rằng những mẫu vật bệnh lý này là những công cụ giảng dạy y khoa hiếm nhất và cần được giữ gìn để các thế hệ tương lai học hỏi. Bộ sưu tập này đã trở thành nền tảng của Bảo tàng Mutter.
Bảo tàng Mutter đã phát triển đến khoảng 25.000 mẫu vật và mỗi mẫu đều có một câu chuyện phi thường đằng sau.
Bức tường sọ người
Ngay từ bước chân đầu tiên bước vào bảo tàng, điều nổi bật nhất là bức tường sọ người khổng lồ.
Bức tường sọ người được đặt gần khu vực cửa của Bảo tàng.
Dưới mỗi hộp sọ là thông tin tuổi, nơi sinh và nguyên nhân tử vong. 139 hộp sọ người này là từ Joseph Hyrtl (1810 - 1894) và có liên quan đến ngành Não tướng học (Phrenology) ở thế kỷ 19. Não tướng học là một khoa học giả, cho rằng trí thông minh, tính cách và chủng tộc của con người có thể suy ra từ cấu trúc hộp sọ.
Lá gan chung của hai anh em người Thái
Chang và Eng là cặp song sinh người Mỹ gốc Thái, nhưng không giống như những cặp song sinh khác, 2 người đã dính liền với nhau phần ngực và có chung bộ phận gan. Ngoài những thứ này, họ là hai cá thể phát triển hoàn toàn độc lập.
Hai anh em Chang và Eng...
... và lá gan chung.
Năm 1829, họ bị bán đến Mỹ và bắt đầu biểu diễn trong rạp xiếc. Đến năm 28 tuổi, hai anh em đã định cư tại Mỹ bằng số tiền kiếm được và kết hôn với 1 cặp chị em người Anh, sinh ra 21 người con.
Năm 1874, Eng qua đời vì bệnh phổi, sau đó 2 tiếng Chang cũng mất. Cái chết của Chang vẫn là một bí ẩn đến hiện tại. Lá gan chung của họ hiện vẫn đang được đặt trong Bảo tàng Mutter.
Xác hai em bé dính liền thân
Không phải tất cả các em bé dính liền nhau đều có thể may mắn, như Jim và James. Tỷ lệ thai chết lưu của trường hợp tương tự là cực kỳ cao, khoảng 40% - 60% chết lưu trước khi ra đời và 35% sống một ngày. Ngay cả khi có thể sinh ra đời cũng sẽ có một thời gian khó khăn phải vượt qua.
Hai em bé dính liền thân.
Jim và James có hai đầu nhưng chỉ có 1 thân, chúng có chung 1 trái tim, 1 lá gan, 1 hệ tiêu hóa và sinh sản.
Người phụ nữ “xà phòng”
Năm 1875, xác ướp phụ nữ được phát hiện tại Philadelphia và được gọi là Người phụ nữ “xà phòng”, bởi vì cơ thể cô được bọc trong một lớp sáp dày như một bánh xà phòng.
Xác ướp được bao bọc trong một lớp sáp dày.
Mặt người mọc sừng
Nhìn vào bức ảnh trên, bạn có thể sẽ rất sốc khi biết đây là một chiếc sừng, và nó là chiếc sừng mọc trên một con người. Người góa phụ Dimanche ở Paris, Pháp vào thế kỷ 19 đã mắc phải một căn bệnh lạ, một chiếc sừng sắc nhọn kỳ quặc đã mọc trên đầu bà trong 6 năm. Trên thực tế, có nhiều người khác cũng “mọc sừng” trên các bộ phận nhưng không một ai có chiếc sừng dài và lớn như bà.
Chiếc sừng bị cắt bỏ khỏi đầu bà Dimanche.
Mô hình mô phỏng đặt tại Bảo tàng Mutter.
Vào thời điểm đó, các bác sĩ đã gỡ bỏ thành công chiếc sừng dài 25 cho bà Dimanche. Bảo tàng đã dựng lên một mô hình tương tự để trưng bày.
Người san hô
Trong số các mẫu vật kỳ quặc trong bảo tàng, đặc biệt nhất là bộ xương của Harry Eastlack. Nhìn từ xa thì đây chỉ là một bộ xương bình thường nhưng nếu nhìn gần, bạn sẽ rất ngạc nhiên: Xương không giống xương mà giống một rạn san hô.
Bộ xương của ông Harry Eastlack.
Harry Eastlack mắc một căn bệnh di truyền hiếm gặp là Hóa thạch cơ bắp tiến triển (Fibrodysplasia ossificans progressiva), thường gọi với cái tên Bệnh vôi hóa. Tỷ lệ mắc bệnh là khoảng 1/2 triệu, khiến cho nhiều bộ phận cơ thể như cơ bắp, gân và dây chằng hóa thành xương.
Mặc dù bệnh không ảnh hưởng đến trí não và nhận thức nhưng những xương mới hình thành có thể làm bệnh nhân khó chịu. Năm Eastlack 15 tuổi, hàm của ông bị dính liền với nhau vĩnh viễn, ông không thể ăn được những món rắn, cứng. Nhiều năm sau, ông mất do viêm phổi.
Con người đã nuốt phải những thứ kỳ lạ gì?
Những mẫu vật được lấy ra khỏi cơ thể người.
Bảo tàng Mutter lưu giữ cẩn thận 2374 mẫu vật phẩm được lấy ra từ đường hô hấp và thực quản của con người như đinh, kim gút, tiền xu, huy chương và đồ chơi có kích thước khác nhau.
Hũ thủy tinh đựng da người
Hủ thủy tinh đựng da chân của cô gái 23 tuổi.
Chủ nhân của nó là một cô gái 23 tuổi có sở thích lột da chân. Hơn nữa, cô không chỉ thích lột da mà còn cực kỳ thích giữ lại những mảnh da mình đã kéo ra được. Theo nghiên cứu, khoảng 2 - 3% dân số mắc căn bệnh này, đa phần là phụ nữ.
Tuyến tiền liệt nặng 1 ký
Người đàn ông trưởng thành có tuyến tiền liệt nặng trung bình khoảng 35gr, bằng kích thước của 1 quả óc chó. Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (Benign Prostatic Hyperplasia) thường gặp ở nam giới trung niên và lớn tuổi. Một tuyến tiền liệt lớn có thể gây ra đi tiểu thường xuyên, tiểu không tự chủ hoặc khó tiểu.
Hiện nay, tăng sản lành tính tuyến tiền liệt không phải là một vấn đề lớn, có thể kiểm soát được thông qua thuốc hoặc phẫu thuật. Nhưng vài thế kỷ trước, căn bệnh này khiến bệnh nhân phải chịu những cơn đau suốt đời.
Đại tràng của người mắc bệnh táo bón cả đời
Nó thuộc về ông J.W., mắc bệnh phì đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung). Ông đã chết vì cố gắng đi đại tiện sau khi mắc bệnh táo bón suốt 29 năm. Đại tràng của ông nặng 18kg và vị trí rộng nhất có đường kính 76cm.
Ảnh chụp ông J.W. khi còn sống.
Đại tràng của ông J.W. hiện được bảo tàng thay thế bằng rơm khô và vải bên trong. Ngày nay, chúng ta hiếm có cơ hội thấy một đại tràng nào to như vậy bởi vì căn bệnh này có thể chữa khỏi chỉ bằng một vài thủ thuật nhỏ.
U nang buồng trứng nặng 34kg
Trọng lượng buồng trứng bình thường của phụ nữ chỉ bằng chiều dài của ngón tay út. Tuy nhiên do sự thay đổi của hormone và nhiều nguyên nhân khác, u nang buồng trứng đã trở thành căn bệnh phổ biến ở phụ nữ. Thông thường, các u nang này không gây ra khó chịu và có thể tự biến mất. Nhưng một số u nang vẫn sẽ tiếp tục phát triển và chỉ có thể loại bỏ bằng phẫu thuật.
U nang đang được trưng bày tại bảo tàng Mutter là thuộc về cô S.M. Nó gây ra đau vùng xương chậu và nội tạng lệch đi nghiêm trọng. Năm 1865, u nang buồng trứng này đã được phẫu thuật khỏi người bệnh.
Bệnh nhân S.M. khi chưa được phẫu thuật cắt bỏ u nang buồng trứng 34kg.
Nhiều người đến thăm Bảo tàng Mutter là vì tò mò nhưng sau khi bước vào, họ sẽ choáng ngợp trước những thông tin mà các mẫu vật và Bảo tàng mang đến: Nguồn gốc mẫu vật, bệnh lý và căn bệnh đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc phải như thế nào. Dù tại thời điểm xưa cũ, các căn bệnh đó được xem là đáng sợ và không thể chữa được nhưng hiện y học hiện đại đã có thể khắc phục.
Nguồn: Zhihu