Đến cục quản lý thực phẩm Hoa Kỳ cũng bó tay với định nghĩa thực phẩm "có lợi cho sức khỏe"

20/05/2016 15:29 PM | Sống

Tuần trước, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông báo sẽ xem xét lại định nghĩa về thực phẩm “có lợi cho sức khỏe”.

Động thái này được thực hiện theo kiến nghị của KIND, một công ty bị FDA lên tiếng phê phán vì sử dụng thuật ngữ này trên bao bì các sản phẩm của mình. KIND đã phải bỏ thuật ngữ này trên các bao bì, nhưng sau đó cho rằng định nghĩa mà FDA nêu ra là vô lý. FDA, sau khi cho phép KIND sử dụng lại thuật ngữ này trên các sản phẩm của mình, đã tuyên bố sẽ kiểm tra lại các quy định của mình.

Vậy thì thế nào là “có lợi cho sức khỏe”?

Nhờ có các nghiên cứu về dinh dưỡng, rất ít người đồng ý rằng định nghĩa của thuật ngữ này đủ bao quát và chính xác. Tiêu chuẩn vàng về bằng chứng y tế chính là các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và có kiểm soát.

Trong lĩnh vực dinh dưỡng, các nhà nghiên cứu thường theo dõi tác động của các chế độ ăn trong một thời gian dài, vì thế rất nhiều nghiên cứu khác cũng được đưa ra tham khảo. Họ rất hay sử dụng các bảng câu hỏi để xác định xem các đối tượng tham gia nghiên cứu ăn những gì.

Tuy nhiên những dữ liệu thu thập được rất ít khi chính xác. Một số người không thể nhớ được chính xác những gì họ ăn; một số khác thì giả vờ kiêng khem thái quá. Vì thế, kết quả của những nghiên cứu này hết sức mâu thuẫn. Một cuộc rà soát được thực hiện vào năm 2012 cho thấy hầu hết các thực phẩm phổ biến nhất đều có liên quan đến khả năng mắc ung thư cao hơn hoặc thấp hơn.

Chất béo có thể là thất bại lớn nhất của các nhà dinh dưỡng.

Vào năm 1980 chính phủ Hoa Kỳ đã công bố bản “nguyên tắc ăn uống” đầu tiên, khuyến khích mọi người ăn ít thịt bò và bơ. Các công ty hân hoan sản xuất thêm rất nhiều các loại bánh quy và bơ thực vật “ít béo”, những sản phẩm chứa các nguyên liệu rẻ tiền hơn so với mỡ động vật.

Hiệp Hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyên nên ăn nhẹ bằng các loại kẹo cứng, kẹo dẻo, đường, si rô, mật ong và các đồ ăn ít béo khác. Và trong hơn 2 thập niên, FDA đồng thuận rằng “có lợi cho sức khỏe” chỉ để mô tả các loại thực phẩm ít béo (vì thế các thanh kẹo của KIND, vì chứa hạt hạnh nhân, không phù hợp với định nghĩa này).

Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chất béo đã bị đối xử bất công. Vào năm 2014, một cuộc phân tích tổng thể trên diện rộng cho thấy không hề có mối liên hệ nào giữa chất béo bão hòa và bệnh tim. Và cuộc tranh cãi vẫn tiếp diễn khi các chuyên gia cho rằng nhiều nghiên cứu không nhận thấy được lợi ích của dầu cá và dầu thực vật, vì thế phân tích tổng thể nêu trên là một nỗ lực đầy khiếm khuyết.

Để chuẩn bị cho “nguyên tắc ăn uống” gần đây nhất của Mỹ, một ủy ban gồm các chuyên gia đã giải thích rằng “cholesterol không phải là một mối lo với chúng ta khi tiêu thụ quá nhiều”. Trong các nguyên tắc đã được phê duyệt, chính phủ lại nói điều ngược lại, khuyên mọi người nên “ăn càng ít thực phẩm chứa cholesterol càng tốt”. (Một bác sĩ chuyên khoa tim cho rằng những nguyên tắc này chẳng có bằng chứng gì cả).

Vậy một người muốn ăn uống cẩn thận để bảo vệ sức khỏe thì nên làm gì? Hãy tránh các loại thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng, chẳng hạn như soda và kẹo. Các thực phẩm tự nhiên (như bít tết, táo, nho) luôn tốt hơn thực phẩm chế biến (bánh quy giòn, nước táo đóng hộp). Nói chung, như các nhà nghiên cứu đã nói, cách tốt nhất là ăn những thứ mình thích, nhưng phải điều độ.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM