Đề xuất thưởng 10 tỉnh, thành phố gần 1.200 tỷ đồng

19/06/2016 09:38 AM | Kinh tế vĩ mô

Đó là đề xuất của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây khi cho ý kiến về việc xử lý và phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2015.

Theo đó, 10 tỉnh, thành phố được đề xuất thưởng số tiền gần 1.200 tỷ đồng gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Bình Dương.

Giải thích cho lý do thưởng cho 10 tỉnh, thành phố số tiền trên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Luật Ngân sách nhà nước, khoản 5 Điều 59 quy định: "Hàng năm, trong trường hợp có tăng thu Ngân sách Trung ương (NSTW) so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa NSTW với Ngân sách địa phương (NSĐP), Chính phủ quyết định trích một phần theo tỷ lệ không quá 30% của số tăng thu so với dự toán thưởng cho NSĐP, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, các năm trước, NSTW đều thực hiện thưởng vượt thu cho các địa phương mức tối đa 30% của số vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và kết quả vượt thu thực tế (bao gồm cả các năm 2012, 2013 NSTW bị giảm thu tổng thể).

Đối với năm 2015, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và kết quả vượt thu thực tế, thì mức tối đa 30% của số vượt thu thưởng cho 10 địa phương là 2.255 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh NSTW về tổng thể bị hụt thu, nguồn lực NSTW hạn chế, thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước và căn cứ khả năng nguồn kinh phí còn lại và tiết kiệm chi của NSTW, Chính phủ kiến nghị xử lý 50% mức tối đa thưởng cho 10 địa phương là 1.128 tỷ đồng, gồm: thành phố Hà Nội 297,9 tỷ đồng, TP.HCM 449,3 tỷ đồng; Hải Phòng 4,3 tỷ đồng; Quảng Ninh 15,7 tỷ đồng; Vĩnh Phúc 149,4 tỷ đồng; Bắc Ninh 10,6 tỷ đồng; Đà Nẵng 30,9 tỷ đồng; Quảng Ngãi 67,2 tỷ đồng; Khánh Hòa 11,4 tỷ đồng và Bình Dương 91 tỷ đồng. Mức thưởng này tương ứng tỷ lệ 15% của số vượt thu, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước là không quá 30%”, ông Dũng cho biết.

Cắt mức hỗ trợ hơn 12.500 tỷ đồng “đặc thù” cho Hà Nội và TP.HCM

Đề cập đến khoản hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo cơ chế tài chính đặc thù cho thành phố Hà Nội và TP.HCM, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, căn cứ chế độ quy định và kết quả thu thực tế, thì tổng nhu cầu hỗ trợ đầu tư trở lại theo cơ chế tài chính đặc thù cho 2 thành phố là 12.554 tỷ đồng (trong đó: Hà Nội 3.217,6 tỷ đồng, TP.HCM 9.336,8 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trong điều kiện cân đối NSTW khó khăn do giảm thu, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội không thực hiện hỗ trợ đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP.HCM.

“Việc đề xuất xử lý mức thưởng vượt thu như phương án của Chính phủ và không đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP.HCM như trên là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và thực tế khả năng cân đối nguồn lực của NSTW nam 2015, không làm tăng thêm bội chi NSNN”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, trường hợp xử lý thưởng cho 10 địa phương theo tỷ lệ tối đa 30% của số vượt thu (2.255 tỷ đồng) và hỗ trợ 12.554 tỷ đồng đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù cho Hà Nội và TP.HCM thì phải tăng bội chi NSNN năm 2015 thêm 13.681 tỷ đồng, tương ứng bội chi NSNN và nợ công tăng thêm 0,31%GDP kế hoạch (0,33%GDP thực hiện).

Cho ý kiến thẩm tra về vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí việc thưởng vượt dự toán thu cho 10 địa phương như tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc nhiều địa phương vượt dự toán cao cũng phản ánh tình trạng lập dự toán NSNN chưa sát, cần xem xét, khắc phục để bảo đảm tính chủ động trong điều hành ngân sách trong những năm tới.

Đối với việc đầu tư trở lại cho Hà Nội và TP. HCM, ông Hải cho biết, đa số ý kiến tán thành với phương án Chính phủ trình. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, trong điều kiện áp dụng các tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 đã loại bỏ các ưu đãi tính điểm đối với các địa phương có điều tiết về NSTW, dẫn đến vốn đầu tư phát triển cho các thành phố như Hà Nội, TP.HCM giảm, thì cần thực hiện đúng quy định việc hỗ trợ đầu tư trở lại cho 2 thành phố theo quy định của Luật NSNN nhằm khuyến khích, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu lâu dài.

Sau khi nghe các đại biểu cho ý kiến, Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ sẽ thưởng cho 10 địa phương trên số tiền gần 1.200 tỷ đồng do vượt thu ngân sách trong năm 2015.

Theo Tuấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM