Đề xuất "mở rộng hạn điền" của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và cái lắc đầu không đồng tình của đại biểu Trần Hoàng Ngân

16/06/2017 09:33 AM | Tài chính

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Trần Hoàng Ngân đứng lên phát biểu 2 lần với cùng 1 vấn đề tâm tư: Thu hút đầu tư nước ngoài FDI và đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nông nghiệp đóng góp 18% GDP

"Ngành nông nghiệp nước ta còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế, thế nhưng tổng vốn đầu tư xã hội dành cho lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Hiện tại, vốn đầu tư cho nông nghiệp mới chỉ ở mức 5,5% trên tổng vốn đầu tư, trong khi lĩnh vực nông nghiệp đang đóng góp tới 18% cho GDP.

Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của khu vực này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1 - 2%", đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân đưa ra những con số đầy trăn trở với Bộ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Câu hỏi được ông đặt ra cho Tư lệnh ngành đầu tư đó là Chính phủ cần có giải pháp gì để tăng cường thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp? Những năm qua, lượng FDI chảy vào Việt nam vẫn dồi dào, nếu thu hút được dòng vốn này sang lĩnh vực nông nghiệp, chắc chắn sẽ là trợ lực lớn thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại hóa nền nông nghiệp theo chủ trương Chính phủ đã đề ra.

Tuy nhiên, thực tế thường thấp hơn kỳ vọng. Ông Dũng cho biết, Việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta sau gần 30 năm qua kết quả hết sức hạn chế, bởi có những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà khi đầu tư vào ngành này.

"Lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp ở các địa bàn của chúng ta đối với các nhà đầu tư nước ngoài chưa hấp dẫn, chưa đủ để các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia đầu tư vào trong lĩnh vực nông nghiệp. Trên thực tế hiện nay vốn đầu tư nước ngoài mới chiếm 1%, chúng tôi tính chính xác khoảng 0,9%. Có một số dự án trước đây trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết thất bại", Bộ trưởng Dũng tiết lộ thực trạng gian khó khi đầu tư vào nông nghiệp.

Trong đó, nguyên nhân quan trọng mà ông Dũng đề cập tới, đó là do đặc thù đất đai Việt Nam hiện nhỏ lẻ và manh mún, không thể có diện tích lớn khả năng tích tụ được như dạng cánh đồng mẫu lớn. Cũng không thể áp dụng ngay được cơ giới hóa, áp dụng ngay khoa học kỹ thuật, các tiến bộ và mô hình. Thứ yếu nữa là các vấn đề hạ tầng nông thôn, hay sự kết nối giữa doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư, các thủ tục còn phức tạp,…

Hạn điền có phải là một nút thắt?

Nếu đất đai không đủ diện tích, nhỏ lẻ, manh mún thì tất nhiên biện pháp được đưa ra sẽ là dồn điền, dồn thửa. Bộ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư đề xuất thực hiện với Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn 5 giải pháp chính.

Năm giải pháp được chỉ ra bao gồm: Thứ nhất là mở rộng được hạn điền, tích tụ được diện tích đất lớn hơn có thể áp dụng được công nghệ cao cũng như cơ giới hóa; Thứ hai là có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định và rõ ràng; Thứ ba là hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn lớn và có thế mạnh từ khâu giống trong việc nuôi trồng và chế biến. Thứ tư là phải hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp chất lượng cao. Và cuối cùng, là sửa Nghị định 210 để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các ưu đãi, cơ chế chính sách chúng ta cũng áp dụng cho cả doanh nghiệp nước ngoài, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng đối tượng, mở rộng các diện hỗ trợ, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư và giảm các chi phí cho doanh nghiệp.

"Đó là một số giải pháp xin kiến nghị đã và đang làm, sắp tới chúng ta phải rõ rằng như vậy mới khuyến khích và thu hút được đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp", ông Dũng khẳng định.

Những giải pháp được bộ trưởng Dũng đưa ra, chưa thực sự thỏa mãn đại biểu Trần Hoàng Ngân, cũng giống như lời ông Ngân nói bên hành lang Quốc hội giữa giờ nghỉ giải lao: "Bộ trưởng mới trả lời được 70% mong đợi của đại biểu, bởi lĩnh vực của Bộ quá rộng".

Theo ông Ngân, nền nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn cứ loay hoay ở những giải pháp bên ngoài mà chưa thực sự đi vào sâu bên trong. Nếu cứ làm vậy, cuộc sống của người nông dân vẫn sẽ tiếp tục khó khăn.

Đại biểu này lại cho rằng hạn điền ở Việt Nam chúng ta không phải là bài toán quan trọng mà điều quan trọng là phải phát triển được chuỗi giá trị, sự hợp tác giữa các hộ của các nông hộ. Ông Ngân gợi ý rằng Việt Nam phải phát triển được mô hình hợp tác xã.

Theo ông, hiện ở Thái Lan có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã. Quốc gia này rất quan tâm đến mô hình phát triển hợp tác xã, vấn đề ứng dụng công nghệ vào trong lĩnh vực nông nghiệp rất quan trọng, vấn đề cơ khí hóa, điện khí hóa, tự động hóa ở nông nghiệp, do đó rất cần vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng quan điểm với đại biểu Trần Hoàng Ngân, PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương rằng: "Sản xuất lớn trong nông nghiệp không có nghĩa là quy mô phải lớn. Điều quan trọng là áp dụng công nghệ cao để có năng suất cao, chất lượng cao."

Hạn điền còn là quan điểm tranh cãi của những người làm chính sách lẫn giới nghiên cứu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên để nông nghiệp sớm vươn vai trỗi dậy xứng tầm vốn có của một trụ cột của nền kinh tế, có lẽ cần sớm có những thống nhất, những bước đi quyết liệt của Chính phủ kiến tạo.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM