Để vươn tới đỉnh cao công nghệ, Trung Quốc định thôn tính cả lĩnh vực mà người Đức giỏi nhất

16/06/2018 15:30 PM | Xã hội

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã liên tục vung tiền ra ở các ngành như công nghệ xe hơi, khoa học người máy và y sinh của Đức.

Chiến lược lâu dài của Bắc Kinh mang tên "Made in China 2025", nhắm đến mục tiêu biến Trung Quốc từ công trường của thế giới thành một đất nước đi đầu về công nghệ. Và trong khi đầu tư ở khắp nơi trên toàn Châu Âu, họ vẫn chủ yếu tập trung vào công nghệ và kỹ thuật làm kính hàng đầu của người Đức.

Một nghiên cứu mới đây do Quỹ Bertelsmann thực hiện đã phân tích dữ liệu để xem Trung Quốc đang nhắm đến những ngành nào để đầu tư trong số các lĩnh vực của nền kinh tế Đức, và họ kết luận rằng "mua cổ phần ở các công ty nước ngoài chính là một phần của chiến lược này".

Vì thế không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư Trung Quốc đã liên tục vung tiền ra ở các ngành như công nghệ xe hơi, khoa học người máy và y sinh của Đức.

Bertelsmann đã rà soát 175 thương vụ mua lại và sáp nhập của Trung Quốc trong đó họ mua ít nhất 10% cổ phần ở các công ty của Đức (mức cao nhất cho đầu tư trực tiếp nước ngoài) trong 3 năm từ 2014 đến 2017. Họ nhận thấy gần 64% các thương vụ đầu tư đều diễn ra ở các ngành mà Trung Quốc dự định sẽ chiếm lĩnh vị thế hàng đầu trên thế giới vào năm 2025.

Thương vụ mua lại công ty người máy Kuka trị giá 5 tỷ USD của nhà sản xuất hàng gia dụng Midea vào đầu năm 2017 đã làm dấy lên một cuộc tranh luận nóng bỏng về vấn đề liệu có phải nước Đức đã "chia sẻ" quá nhiều bí quyết kỹ thuật hay không. Vào tháng 2/2018, chính phủ Đức nói đang thận trọng quan sát sau khi công ty ô tô Geely có 10% cổ phần của Daimler. Và mới đây, theo tạp chí Handelsblatt, Tổng công ty lưới điện của Trung Quốc một lần nữa cố gắng mua lại 20% cổ phần trong mạng lưới điện cao thế 50 Hertz của Đức.

Để vươn tới đỉnh cao công nghệ, Trung Quốc định thôn tính cả lĩnh vực mà người Đức giỏi nhất - Ảnh 1.

Nghiên cứu nêu trên còn cho biết chỉ có khoảng 20% các khoản đầu tư của Trung Quốc được thực hiện bởi các công ty quốc doanh, nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ Đức có thể thở phào nhẹ nhõm.

Tác giả nghiên cứu Cora Jungbluth nói rằng cả Đức và Liên minh Châu Âu (EU) cần phải yêu cầu Trung Quốc đưa lại mức độ tiếp cận thị trường tự do tương ứng cho các công ty của EU, chứ không để họ tiếp tục bảo hộ các ngành chủ chốt của mình.

"Cần phải tỏ ra quan ngại một mặt vì ảnh hưởng tiềm tàng từ việc các công ty Trung Quốc nắm giữ cổ phần ở Đức," Jungbluth cho biết, "mặt khác, không hề có sự tương ứng trong quan hệ kinh tế Đức-Trung Quốc: Đức mang lại một môi trường đầu tư cởi mở cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi đó Trung Quốc thì không. Nếu sự thiếu cân bằng này tiếp tục diễn ra, nó sẽ là bất lợi lâu dài cho nước Đức với tư cách là một địa điểm kinh doanh. Đức cần phải xem xét thật nghiêm túc việc giảm mức trần đầu tư. Hiện nay mức này đang là 25%, và sẽ hợp lý hơn nếu nó được giảm

Bà còn nhấn mạnh, với từ 10% trở lên, mục tiêu của một nhà đầu tư chủ yếu là nắm quyền kiểm soát.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM