Đề nghị xử lý hình sự hành vi pha cồn công nghiệp vào rượu gây ngộ độc chết người

24/05/2017 10:13 AM | Xã hội

Ngoài ra đại biểu Lan còn đề nghị bổ sung hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng giả có tính chất thường xuyên xử lý hình sự vì đây là hành vi tiếp tay cho vi phạm

Sáng nay ngày 24/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào phiên họp thứ 3 với các nội dung xoay quanh Luật Hình sự (sửa đổi).

Đa số ý kiến ĐBQH cho rằng, cần bổ sung định lượng vào Điều 317 Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng, tuy nhiên cần có sự phân hóa giữa việc sử dụng chất cấm và sử dụng chất chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

Có ý kiến đề nghị không sửa Điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đang xảy ra phổ biến hiện nay. Có ý kiến cho rằng việc quy định cụ thể các công đoạn sản xuất, chế biến thực phẩm là không cần thiết.

UBTVQH nhận thấy, việc định lượng để làm căn cứ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm là cần thiết, khả thi, tránh việc mở rộng phạm vi về đối tượng xử lý hình sự, trong đó có nhiều hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ.

BLHS chỉ nên xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà thực phẩm có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, hậu quả gây ngộ độc cho nhiều người, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác… Các trường hợp khác chưa đến mức xử lý hình sự thì cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là xử lý hành chính nghiêm cũng đủ răn đe, phòng ngừa và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm.

Góp ý trong phiên họp sáng nay, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan đồng ý với điểm a, khoản 1 điều 317 tuy nhiên thực tế cho thấy có những vụ ngộ độc thực phẩm gây chết người vì sử dụng thực phẩm chất lượng không đảm bảo do người chế biến thực phẩm vi phạm quy trình sản xuất, không kiểm định nguyên liệu, không kiểm định chất lượng trước khi đưa ra tiêu thụ. Do đó không rõ đã sử dụng nhầm nguyên liệu hay không rõ sử dụng chất cấm trong chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Bà Lan lấy ví dụ những vụ ngộ độc rượu cho dùng cồn, ethanol pha chế nhưng không biết gây chết người hoặc chết nhiều người. Cơ quan tư pháp rất khó xử vì điều 244, Bộ luật hình sự 1999 và dự thảo Luật hình sự 2015 cũng quy định ý thức chủ quan của người chế biến thực phẩm phải biết rõ nguồn gốc thực phẩm đảm bảo.

"Như vậy hành vi của người chế biến thực phẩm do làm sai quy trình, thiếu trách nhiệm như trường hợp nêu trên gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ không bị xử lý hình sự. Đề nghị bổ sung hành vi vi phạm quy trình vào khoản 1 điều 317 để xử lý hình sự", bà Lan góp ý.

Ngoài ra đại biểu Lan còn đề nghị bổ sung hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng giả có tính chất thường xuyên xử lý hình sự vì đây là hành vi tiếp tay cho vi phạm.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM