Đề nghị quy trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với tội rửa tiền

24/05/2017 14:30 PM | Xã hội

Việc không quy định trách nhiệm hình sự với pháp nhân thương mại trong tội rửa tiền và tài trợ khủng bố có thể dẫn đến những bất lợi cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế và ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội, trong đó có dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, các giao dịch tài chính...

Sáng nay ngày 24/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV bước vào phiên họp thứ 3 với các nội dung xoay quanh Luật Hình sự (sửa đổi).

Không mở rộng trách nhiệm hình sự với mọi pháp nhân mà chỉ pháp nhân thương mại

Theo báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), liên quan đến quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và việc mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, nhiều ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự đối với tất cả các pháp nhân mà không chỉ giới hạn đối với pháp nhân thương mại. Ý kiến khác lại đề nghị không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

UBTVQH cho rằng, BLHS năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới do pháp nhân thương mại gây ra, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, môi trường, phù hợp với xu hướng chung của quốc tế.

Việc quy định trách nhiệm hình sự chỉ đối với pháp nhân thương mại đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận kỹ, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền và đã lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định. Do đó, UBTVQH đề nghị trong điều kiện hiện nay của nước ta và đây cũng là vấn đề rất mới nên BLHS chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại.

Đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại với tội tài trợ khủng bố và rửa tiền

Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324).

UBTVQH nhận thấy, theo báo cáo của Cơ quan chủ trì soạn thảo và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì một số công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (như Công ước của Liên hợp quốc năm 1988 về chống vận chuyển trái phép chất ma túy và các chất hướng thần; Công ước của Liên hợp quốc năm 1999 về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố; Công ước của Liên hợp quốc năm 2000 về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…) yêu cầu các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải hình sự hóa hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền đối với pháp nhân.

BLHS năm 2015 không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội danh này là chưa bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của nước ta trong các công ước nêu trên, có thể dẫn đến những bất lợi cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế và ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội. Cụ thể là ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư nước ngoài, đến dòng tiền vốn đầu tư vào Việt Nam, các dự án vay vốn, các giao dịch tài chính, ngân hàng với nước ngoài; Gây khó khăn cho hoạt động tài chính, ngân hàng, tín dụng cũng như các hoạt động kinh tế khác; Ảnh hưởng lớn đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế mà lâu nay chúng ta đang cố gắng tạo dựng…..

Vì vậy, UBTVQH đồng ý với Chính phủ, trong điều kiện hiện nay, cần thiết phải bổ sung quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội tài trợ khủng bố và Tội rửa tiền như trong dự thảo Luật tại Điều 300 và Điều 324.

Theo Ngọc Toàn

Cùng chuyên mục
XEM