Để khởi nghiệp thành công liệu có cần tới bằng cấp?

08/05/2017 13:35 PM | Startup

Ngày nay, những tấm gương như Steve Jobs, Richard Branson hay Larry Ellison - chưa từng tốt nghiệp đại học, vẽ ra một ước mơ cho nhiều bạn trẻ về một tương lai "Khởi nghiệp thành công không bằng cấp".

Giá trị nào cho bằng cấp đại học, cao đẳng luôn là câu hỏi gây tranh cãi trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam...

Có đến hàng tá những doanh nhân, tỷ phủ trên thế giới thành công rực rỡ như Steve Jobs, Richard Branson hay Larry Ellison chưa từng tốt nghiệp đại học, vẽ ra một ước mơ cho nhiều bạn trẻ về một tương lai "Khởi nghiệp thành công không bằng cấp".

Dù đó không hẳn là điều viển vông, nhưng chúng ta nên biết rằng, bên cạnh những doanh nhân nổi tiếng đó, luôn có đội ngũ nhân viên và các đồng nghiệp xuất sắc từ khi còn đi học.

Vậy theo học đại học sẽ có những lợi thế và hạn chế như thế nào? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua những luận điểm chính sau đây.

- Lợi thế:

Cơ hội tốt hơn về việc làm

Theo các thống kê từ Trung tâm giáo dục quốc gia của Mỹ chỉ ra rằng, 73% người có được việc làm full-time với tấm bằng đại học hoặc cao đẳng so với 65% các học sinh chỉ tốt nghiệp cấp 3. Cùng với đó, những thông số về thu nhập cũng cho thấy kết quả tương tự khi những sinh viên đã tốt nghiệp cao đẳng hoặc đại học có được "lợi thế" về mức thu nhập cao hơn tới 66% so với những người khác.

Việc hoàn thành tấm bằng đại học và cao đẳng rồi có được việc làm, không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Nhưng điều này ít nhiều mang lại những cảm xúc "thành công" đầu tiên cho sự nghiệp. Đó có thể là bước đệm đầu tiên cần thiết để một người tiến đến những thành công xa hơn.

Hơn thế nữa, dựa vào những cơ hội việc làm và thu nhập kiếm được, những người tốt nghiệp đại học sẽ sống hạnh phúc hơn. Điều đó mang lại khả năng chăm sóc sức khỏe kèm theo những lợi ích từ việc giải trí, ít căng thẳng hơn, đó là lí do vì sao có sự khác biệt tuổi thọ giữa những người tốt nghiệp với tấm bằng đại học so với những người khác. Có việc làm, thu nhập ổn định sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn trong cuộc sống.

Môi trường hoàn hảo để "thực hành" kĩ năng

Các số liệu từ Taylor & Francis Online từ 11.745 cá nhân tham gia vào chương trình này cho biết có tới 94 phần trăm của CEO, thẩm phán, chính trị gia, triệu phú, tỷ phú và lãnh đạo doanh nghiệp xuất phát từ ngôi trường đại học và có đến 50% trong số họ tốt nghiệp từ những trường đại học danh giá.

Dựa trên số liệu này chúng ta có thể đưa ra lời khẳng định rằng, những người thành công mà không qua trường lớp cao đẳng đại học, chắc chắn sẽ chiếm thiểu số.

Điều đó còn quan trọng hơn nữa khi chúng ta coi môi trường đại học trở thành một nơi thực hành, tôi luyện những kĩ năng cần thiết để mong đạt được những thành công trong tương lai.

- Hạn chế:

Tốn kém

Đối với nhà kinh doanh, nhà văn và chủ doanh nghiệp James Altucher, ông luôn cho rằng bỏ ra một số tiền quá lớn để học đại học và cao đẳng là hoang phí. Ở Mỹ, các sinh viên thường nhận được các khoản vay từ chính phủ để trang trải cho học phí bậc đại học.

Kèm theo những trang trải cuộc sống cá nhân, những vấn đề cần phải tính đến sau khi rời trường đại học như khoản chi cho nhà cửa, phương tiện và hôn nhân cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn có theo học đại học hay không. Theo thống kê, có tới 70% sinh viên tốt nghiệp hoàn thành việc trả nợ từ tuổi 30 trở đi và 52% sinh viên cho rằng khoản nợ đó ảnh hưởng đến sự nghiệp và con đường thành công của họ.

"Dựa trên những miêu tả trên phim ảnh về cách hoạt động của các trường đại học, tôi có thể nhìn thấy rõ quan điểm của mình. Lãng phí hàng chục ngàn đô la và mong ước kiếm lại để trả nợ sau khi ra trường là thất sách", James cho biết:

Lãng phí thời gian

Jeffrey J. Selingo, tác giả của cuốn sách "There Is Life After College" từng phỏng vấn 752 người trẻ, có tuổi từ 24 đến 27 và cho rằng:

"Những sinh viên hoàn thành việc học cao đẳng, đại học thường mất quá nhiều thời gian để gây dựng sự nghiệp. Họ tiêu tốn quá nhiều thời gian để chuyển đổi từ việc học thành nghề nghiệp, sau đó là thành công.

Thành công không phải là chỉ đơn thuần là về việc tìm kiếm và hoàn thành tại một ngôi trường đại học có tiếng. Chúng ta còn phải tính toán đến thời gian sau đó và những hiệu quả mà lựa chọn đó mang lại. Nếu bạn không thể chắc chắn mình sẽ làm gì sau bậc đại học, công việc theo học đại học và cao đẳng của bạn coi như hỏng bét".

Ngoài ra, không phải cứ theo học đại học là sẽ có việc làm và ngược lại.

Các thông số từ diễn đàn mở Amex, 62% những doanh nghiệp nhỏ tự nhận rằng họ sẽ thuê những ứng viên không "bằng cấp" hơn là những ứng viên tốt nghiệp các trường đại học. Họ cho biết đó là vì họ không thấy sự khác biệt nào trong năng suất làm việc giữa các ứng viên này, thậm chí những người không có bằng cấp còn chăm chỉ hơn.

Kết lại

Chúng ta thực chất vẫn có thể thành công mà không cần bằng đại học. Thành công trong khởi nghiệp và bằng cấp không nhất thiết phải gắn liền với nhau.

Vì muốn trở thành một người thành công đòi hỏi rất nhiều kĩ năng và khéo léo, nắm bắt thời cơ và vô số những điều kiện cần có khác. Đó hoàn toàn là những điều thường không được dạy từ sách giáo khoa hay khi còn ngồi ghế nhà trường.

Tuy nhiên không vì vậy mà hoàn toàn phủ nhận việc theo học tại các trường đại học hay cao đẳng vẫn là một giấc mơ, một việc nên làm trong cuộc sống. Vì chúng ta không chỉ tích lũy được kiến thức từ đây, hơn thế nữa, đó còn là một trải nghiệm trong cuộc sống, một điều cần có trong cuộc đời mỗi người.

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM