Để giáo dục con trước hết cần thấu hiểu con: Cha mẹ ơi đây là 4 điều các con muốn nói

28/10/2019 11:10 AM | Sống

Sở thích và quan điểm của con khác biệt không có nghĩa con hỗn láo. Con không cần được khen mình là nhất, chỉ cần cha mẹ chấp nhận con là chính con. Tại sao chỉ mình con bị nhận xét còn cha mẹ thì không? Cha mẹ đừng chỉ quan tâm mỗi kết quả.

Năm 2016, trong chuỗi sự kiện quảng bá cuốn sách của mình về phương pháp giáo dục con cái, tác giả Swati Lodha đã dừng chân ở quê hương Ấn Độ. Tại một buổi giao lưu, một vị khán giả đã đặt câu hỏi cho cô con gái 16 tuổi của Lodha, Swaraa, người đã đồng hành với mẹ trong suốt tour quảng bá sách của mẹ em. Câu hỏi của vị này là cơn ác mộng với bất kỳ bậc phụ huynh nào: “Cháu có nghĩ mẹ cháu là người hoàn hảo không?”

Swaraa trả lời: “Không ai hoàn hảo cả ạ.”

Vị kia tiếp tục: “Cháu có thể chia sẻ một điều cháu thấy mẹ chưa được không?”

Cô bé đáp: “Cháu có thể viết cả một cuốn sách ấy ạ.”

Wow.

Thế là mẹ cô bé quyết định hợp tác với con gái mình cho ra đời một cuốn sách khác. Ở đây 200 trẻ em tuổi từ 8 đến 18 được phỏng vấn về cách các em nghĩ về cha mẹ mình và những gì các em mong muốn cha mẹ sẽ thay đổi. 

Có thể bạn sẽ thắc mắc: “Tại sao lại đi hỏi trẻ con chuyện đấy?”. Đơn giản là chúng ta luôn muốn và kỳ vọng sẽ nhận được phản hồi từ “người dùng” trong phần lớn các lĩnh vực cuộc sống. Một em nhỏ 14 tuổi đã trả lời phỏng vấn như thế này: “Khi một sản phẩm được cho ra mắt, khách hàng sẽ được hỏi: “Bạn muốn sản phẩm có thiết kế như thế nào?  Bạn muốn sản phẩm có những chức năng gì?”

Còn tác giả Swati thì cho rằng: Phỏng vấn là để hiểu các con đang nghĩ gì, không phải bắt chúng chịu trách nhiệm. 

Để giáo dục con trước hết cần thấu hiểu con: Cha mẹ ơi đây là 4 điều các con muốn nói - Ảnh 1.

Theo khảo sát của cô, sau đây là 4 điều các con muốn chia sẻ nhiều nhất với cha mẹ mình:

Khác biệt về sở thích không có nghĩa là con hỗn láo

Nhiều em nhỏ được phỏng vấn đã chia sẻ rằng cha mẹ các em thường xuyên coi những sự khác biệt về sở thích, quan điểm của con mình là hỗn. Tác giả Swati Lodha kể lại câu chuyện về chính gia đình của cô. Con gái cô, Sharaa thích mang theo máy ảnh và laptop của con bé trong mỗi chuyến du lịch, cô bé kè kè 2 vật dụng đó bên người ngay cả khi cả gia đình di chuyển bằng máy bay. 

Một lần, bố của Sharra hỏi cô bé liệu em có thể để máy ảnh và laptop trong hành lý ký gửi không vì cả nhà rất mất thời gian ở cổng kiểm tra an ninh với những thiết bị công nghệ đó. Sharaa không đồng ý, cô bé muốn giữ đồ của mình bên người hơn vì lo rằng những thiết bị giá trị và dễ vỡ sẽ bị hỏng nếu để cùng hành lý ký gửi khác.

Bố con bé tỏ rõ sự không hài lòng và sự bất đồng trở thành vấn đề nhức nhối của cả gia đình mỗi chuyến du lịch xa. Sharaa cho rằng bố em coi hành động của em là biểu hiện của sự nổi loạn và ích kỷ. Lần gần đây nhất chuyện này xảy ra, bố con bé đã nói: “Con coi trọng những thứ này còn hơn người nhà của con.” Swati chia sẻ: “Con gái tôi cảm thấy bị cho ra rìa. Con bé nói với tôi là ‘Bố mẹ chỉ thích con vâng lời, bố mẹ không bao giờ cho con được cùng tranh luận.’” Sharra hy vọng bố em tôn trọng quyết định của mình vì em có những lý lẽ riêng.

Swati kết luận: “Điều các con muốn là các bậc cha mẹ hãy xem xét lại mối quan hệ giữa hai thế hệ và sự vâng lời đồng thời tôn trọng nguyên nhân đằng sau những hành vi và quyết định của các con.”

Để giáo dục con trước hết cần thấu hiểu con: Cha mẹ ơi đây là 4 điều các con muốn nói - Ảnh 2.

Các con không cần được khen chúng là nhất

Theo Swati, “Bố mẹ có những khoản đầu tư về tinh thần nhất định vào con cái nên bất kể các con làm gì bố mẹ cũng thấy con mình là nhất. Lũ trẻ cũng sẽ bắt đầu đánh giá quá cao bản thân mình theo cách tương tự.” Thế nhưng các em nhỏ được phỏng vấn lại không mấy thích thú với những lời ca tụng này. Các em muốn mình được đánh giá một cách thực tế và hy vọng cha mẹ chấp nhận chính con người thật của mình, không phải hình mẫu “con nhà người ta” mà cha mẹ hay kỳ vọng. “Chúng ta nên cân bằng giữa thực tế và những kỳ vọng của mình", Swati chia sẻ.

Các con lúc nào cũng bị nhận xét; cha mẹ cũng nên nhận được những nhận xét tương tự

Chúng ta đang sống trong thời đại mà bất kỳ ai lớn hơn một đứa trẻ - cha mẹ, anh chị, thầy cô, cộng đồng – đều có thể thoải mái bình luận về cách sống của các con. Một khán giả nhí đã kể với Swati: “Lúc nào con cũng bị nhận xét. Cô giáo nhận xét con kém tiếng Anh. Mẹ nhận xét con là đứa nghịch ngợm còn chị gái toàn gọi con là đứa ích kỷ.” Các em nhỏ được phỏng vấn trong dự án của Swati chỉ ra rằng cha mẹ không bao giờ nhận những nhận xét kiểu như này và các em muốn một sự thay đổi. 

Cha mẹ đừng chỉ tập trung vào mỗi kết quả

Swati nói, “Các bậc phụ huynh rất yêu thích kết quả. Không chỉ kết quả, họ yêu mọi thước đo kết quả.” Các con chia sẻ mình bị áp lực bởi kỳ vọng của cha mẹ vào điểm số, giải thưởng, huy chương, xếp hạng đặc biệt trong các môn thể thao, các môn học ở trường cũng như các môn sở thích các con theo đuổi do yêu cầu của bố mẹ. Theo Swati, các con muốn nỗ lực của mình được công nhận và trân trọng ngay cả khi kết quả không được như kỳ vọng.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM