Đế chế Đô vật WWE (Phần 1): “Kết liễu” đối thủ cạnh tranh và “lật đổ” đối tác lâu năm để thống lĩnh cả thị trường Bắc Mỹ

28/04/2019 16:18 PM | Kinh doanh

Vincent McMahon không chỉ dùng tiền để chiêu mộ ngôi sao và làm phá sản không biết bao nhiêu tổ chức đô vật, ông còn “trở mặt” với đối tác truyền thông lâu năm để tạo ra nền tảng của riêng mình, một “đế chế” WWE không có đối thủ.

Nội dung nổi bật:

Bối cảnh: Vào những năm 90, Đô vật Mỹ tuy đã trở nên phổ biến nhưng lại hoạt động hết sức "manh mún", mỗi địa phương sẽ có một tổ chức với những "siêu sao" riêng biệt.

Kế hoạch: Sau khi mua lại WWE từ tay bố mình vào năm 1982, Vincent McMahon đã dành hàng chục năm để "đánh Đông dẹp Bắc", thách thức từ đối thủ cạnh tranh đến đối tác thân tín.

Kết quả: WWE giờ đây đã trở thành một thế lực truyền thông quốc tế, với doanh thu hơn 800 triệu USD và hơn 50 sự kiện mỗi năm, nhắc tới đô vật, ai cũng nhớ tới "WWE".

WWE và những đối thủ cạnh tranh

Trong nhiều thập kỷ, bộ môn đô vật chuyên nghiệp đã trở thành một thế lực lớn trong ngành giải trí Bắc Mỹ. Hàng loạt tổ chức đô vật được ra đời để tuyển mộ, huấn luyện và kiêm luôn marketing, tổ chức và truyền thông tại từng "lãnh thổ" riêng biệt.

WWE được thành lập vào năm 1952 với tên "Capitol Wrestling Corporation" (gọi tắt là CWC). Với hai đồng sáng lập Jess McMahon và Toots Mondt, CWC tập trung hoạt động chủ yếu ở "lãnh thổ" Đông Bắc nước Mỹ.

Theo cựu đô vật Jim Ross: "Nước Mỹ thời bấy giờ có tới 30 đến 40 "lãnh thổ" đô vật khác nhau. Sự phân chia này đến từ tình trạng độc quyền ở mỗi khu vực, cạnh tranh kém dẫn tới thị phần bị xé nhỏ bởi nhiều tổ chức khác nhau."

Mỗi lãnh thổ còn được đánh dấu bởi những "ngôi sao" riêng với khả năng bán cháy vé và thu hút một lượng lớn người xem qua TV. Nổi bật nhất là Hulk Hogan vùng Minnesota, Bret Hart của Canada và Ric Flair vùng Atlantic.

Đế chế Đô vật WWE (Phần 1): “Kết liễu” đối thủ cạnh tranh và “lật đổ” đối tác lâu năm để thống lĩnh cả thị trường Bắc Mỹ - Ảnh 1.

Bước ngoặt diễn ra vào năm 1982 khi Vincent Kennedy McMahon mua lại công ty Đô vật của cha mình và đổi tên thành World Wrestling Entertainment (WWE) sau đó. Trong suốt 2 thập kỷ, Vincent đã ra sức "đánh Đông dẹp Bắc", với mục tiêu đưa WWE trở thành tập đoàn truyền thông lớn nhất và duy nhất trên toàn lãnh thổ Bắc Mỹ.

Trong đó phải kể đến kế hoạch đầu tiên và cực kỳ "mạo hiểm" của Vincent: bắt tay với truyền hình cáp để "phát tán" những trận đấu của WWE ra toàn khu vực. Nội dung của WWE ngay lập tức "xâm phạm" địa bàn của nhiều tổ chức, đem lại không ít chỉ trích và căm ghét từ các đối thủ trong ngành.

Ở chiều ngược lại, với mức độ nổi tiếng ngày càng cao của WWE và nguồn thu cũng ngày một lớn mạnh từ truyền hình cáp, những "ngôi sao" đô vật nhanh chóng bị Vincent thuyết phục với mức lương hấp dẫn và khả năng nổi tiếng cũng "nhanh như gió".

Chiến thuật này đặt dấu chấm hết cho hàng loạt tổ chức khác nhau. Đầu tiên là WWA với sự ra đi của Gorilla Monsoon và Pedro Morales. Sau đó là AWA sau khi Larry Hennig, Vachons, Blackjacks và "siêu sao" Hulk Hogan đồng loạt chuyển sang đầu quân cho WWE.

NWA là một trong những tổ chức hiếm hoi có khả năng cạnh tranh với WWE, nhưng cũng sớm nhận thất bại vào những năm 90. Vincent còn mua đứt ECW và đang ra sức "kết liễu" TNA, tiến đến độc chiếm ngành đô vật Mỹ.

WWE và đối tác lâu năm

Đế chế Đô vật WWE (Phần 1): “Kết liễu” đối thủ cạnh tranh và “lật đổ” đối tác lâu năm để thống lĩnh cả thị trường Bắc Mỹ - Ảnh 2.

Các ngôi sao trong Hall of Fame của WWE

Có thể nói, những đối tác truyền hình cáp đã góp một tay "kết liễu" gần hết đối thủ của WWE trên thị trường. Đặc biệt là hợp đồng độc quyền hai chương trình "Raw" và "Smackdown" với đối tác NBC Universal, đem lại một nguồn thu khổng lồ để WWE có thể liên tục lôi kéo các "siêu sao".

Ngoài ra thì Wrestlemania và Summerslam cũng nhanh chóng trở thành một nguồn thu lớn với mô hình truyền hình trả tiền tại Mỹ.

Nhưng Vincent McMahon lại có một kế hoạch khác, việc WWE trở thành một thế lực toàn nước Mỹ nhưng phải "chia sẻ" lợi nhuận và phụ thuộc vào truyền hình cáp là điều làm ông không hài lòng.

Khi việc kinh doanh được người ngoài đánh giá là "không thể hoàn hảo hơn", WWE đột nhiên tung ra chương trình phát sóng của riêng mình với giá 9,99 USD mỗi tháng, bất chấp việc đang hợp tác rất hiệu quả với truyền hình cáp.

Đế chế Đô vật WWE (Phần 1): “Kết liễu” đối thủ cạnh tranh và “lật đổ” đối tác lâu năm để thống lĩnh cả thị trường Bắc Mỹ - Ảnh 3.

WWE và đối tác thân tín NBC Universal

Và hành động "trở mặt" này ngay lập tức mang lại hậu quả.

NBC Universal tuyên bố WWE đang cố tình "phá hỏng" mối quan hệ hiện có, ngay lập tức đòi cắt giảm quyền lợi của đối tác và đưa ra một bản hợp đồng mới với số tiền thấp hơn.

Cổ phiếu của WWE rớt ngay 44% chỉ trong một ngày, vì trước giờ không ai dám đương đầu với truyền hình cáp như vậy.

Nhưng Vincent và tập thể WWE chỉ coi đó như là một trở ngại trên đường phát triển. "Chúng tôi muốn nắm được dữ liệu của khách hàng, muốn biết họ xem gì, xem bằng gì, xem trong bao lâu …" Michael Wilson, giám đốc tài chính của WWE cho hay.

Chấp nhận chỉ trích của các cổ đông hơn 1 năm trời, WWE vẫn bình tĩnh phân tích dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng và rút ra được nhiều bài học thú vị. Chẳng hạn như 90% người dùng sẽ xem WWE ít nhất 1 lần mỗi tuần, 2/3 người dùng sẽ xem theo nhu cầu cá nhân và 36% nội dung WWE được trình chiếu trên điện thoại …

Dữ liệu này giúp đội ngũ WWE nhanh chóng thay đổi để phù hợp với nhu cầu người xem, những đoạn trình diễn ngắn được đầu tư công phu hơn, nội dung xem theo nhu cầu cũng được tăng gấp đôi chỉ sau một năm.

Kết quả

Đế chế Đô vật WWE (Phần 1): “Kết liễu” đối thủ cạnh tranh và “lật đổ” đối tác lâu năm để thống lĩnh cả thị trường Bắc Mỹ - Ảnh 4.

Không lâu sau đó, đến đầu năm 2016, số người đăng ký trên nền tảng WWE cũng nhanh chóng tăng gấp đôi, với 65 triệu lượt xem trên mạng xã hội (tăng 87% so với cùng kỳ năm trước). Sự kiện WrestleMania năm đó cũng "gây bão" trên mạng với hơn 10,9 triệu lượt tương tác.

Vinh dự hơn, tạp chí uy tín Forbes còn bình chọn WrestleMania là 1 trong 10 sự kiện thể thao lớn nhất thế giới. Và Fast Company cũng vinh danh WWE trong danh sách những tập đoàn sáng tạo nhất thế giới.

Vào năm 2017, WWE đã mang về hơn 801 triệu USD, phá vỡ kỷ lục về doanh thu năm. Và trong năm 2018, WWE đã mang về hơn 281 triệu USD trong chỉ trong 3 tháng hè, doanh thu quý cao nhất kể từ khi thành lập.

Về mặt đối tác, WWE cực kỳ khôn ngoan khi chia chương trình "RAW" cho USA Network và mang "SmackDown" sang đài FOX vào năm 2019, giúp doanh thu mảng truyền hình cáp tăng hơn 3,6 lần so với năm trước.

Kênh YouTube của WWE cũng bỏ xa tất cả môn thể thao thịnh hành nhất Bắc Mỹ về lượt view, từ bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ cho đến golf …

Không có dấu hiệu dừng lại, WWE hiện đang lên kế hoạch cho hơn 500 sự kiện mỗi năm, không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn vươn xa hơn 25 nước khác nhau, trở thành một thế lực mang tầm vóc quốc tế.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM