Đế chế Đô vật WWE: Môi trường làm việc “địa ngục”, không nghỉ ngơi, không bảo hiểm, không tôn trọng tính mạng… (P.2)

02/05/2019 08:32 AM | Kinh doanh

Để đảm bảo nội dung đều đặn mỗi tuần, các đô vật WWE không được nghỉ lễ, nghỉ phép, nghỉ bệnh… ngay cả khi chấn thương, họ cũng bị ép quay lại sàn đấu nếu không muốn bị đuổi việc.

Nội dung nổi bật:

Bối cảnh: Là "thế lực độc quyền" của ngành đô vật, WWE đem về hơn 900 triệu USD mỗi năm với hơn 500 sự kiện lớn nhỏ. "Siêu sao WWE" tưởng chừng như là một công việc trong mơ.

Thực tế: Tất cả đô vật đều bị coi là "cộng tác viên", WWE hoàn toàn không chịu trách nhiệm về sức khỏe và sinh mạng của một ai.

Kết quả: Đô vật trở thành nghề có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các môn thể thao, hàng loạt siêu sao tuyên bố giải nghệ, buộc người hâm mộ phải đứng lên bảo vệ thần tượng của mình.


Dẫn đầu cả doanh thu và… tỷ lệ tử vong

WWE là một trong những sự kiện thể thao nổi tiếng nhất thế giới, với hơn 1 tỷ người hâm mộ trên mạng xã hội, 2 chương trình dài tập được chiếu mỗi tuần, 1 kênh nội dung độc lập và 1 studio có khả năng ra đời hàng loạt bộ phim "bom tấn".

Chỉ tính riêng năm 2018, WWE đã thu về hơn 930 triệu USD, với WrestleMania trở thành sự kiện thể thao đông người theo dõi nhất Bắc Mỹ.

Nhưng WWE cũng là nguyên nhân chính khiến "đô vật" trở thành nghề có tỷ lệ tử vong cực cao. Theo một nghiên cứu của FiveThirtyEight, đô vật có khả năng tử vong cao hơn cả vận động viên bóng bầu dục thường xuyên đối mặt với những cú húc mạnh đến 700 kg.

Đế chế Đô vật WWE: Môi trường làm việc “địa ngục”, không nghỉ ngơi, không bảo hiểm, không tôn trọng tính mạng… (P.2) - Ảnh 2.

Không chỉ đối mặt với những hiểm nguy lúc biểu diễn, các đô vật còn bị WWE đưa vào lối sống tiệc tùng thâu đêm, khuyến khích sử dụng nhiều loại thuốc để tăng cường cơ bắp và khả năng hoạt động trên sàn diễn.

Kể cả trong lúc tập luyện, các đô vật cũng phải tập trung vào những động tác "đẹp" nhất có thể, hoàn toàn không quan tâm tới sức khỏe và ảnh hưởng xấu của nó lên cơ thể.


WWE – địa ngục trần gian

Nếu đã nhắc tới WWE thì không thể không nói tới chủ tịch Vince McMahon. Sau khi mua lại công ty đô vật của cha mình vào năm 1982, Vince đã thực hiện một chiến dịch "thu phục" tất cả đối thủ trên thị trường để tạo thành một đế chế WWE độc quyền.

Đế chế Đô vật WWE: Môi trường làm việc “địa ngục”, không nghỉ ngơi, không bảo hiểm, không tôn trọng tính mạng… (P.2) - Ảnh 3.

Chủ tịch WWE - Vince McMahon

Đối với WWE, Vince McMahon là người có khả năng "sinh sát" cao nhất vì ông giám sát hầu hết những công việc hệ trọng, từ biên tập nội dung cho đến lên kịch bản và lập kế hoạch cho nhiều sự kiện lớn nhỏ.

Vince McMahon còn tham gia sâu vào kịch bản của WWE để đóng vai một ông chủ "độc ác, tham lam và nhẫn tâm", nhưng tiếc rằng vai diễn kia không khác thực tế là bao.

Ngay từ khi bước chân vào công ty, Vince đã buộc tất cả đô vật ký vào một bản hợp đồng "cộng tác viên" đầy lạnh lùng. Những đô vật nổi tiếng nhất, những người mang lại nhiều tiền nhất cho WWE cũng không thoát khỏi hợp đồng "cộng tác" này.

Nhưng hợp đồng làm việc bất lợi mới chỉ là khởi đầu khi không đô vật nào có quyền nghỉ phép, càng nổi tiếng, họ càng phải đầu tư toàn bộ cuộc sống của mình cho WWE nếu không muốn bị "ra rìa".

Tính đến thời điểm hiện tại, các đô vật chỉ được WWE cho phép nghỉ ngơi nếu như họ … đã hết thời. Nếu không thì họ chỉ có vài ngày nghỉ ngắn ngủi tại khách sạn giữa các chuyến lưu diễn, gần như mất hoàn toàn liên lạc với người yêu và gia đình.

Nhắc đến lưu diễn, dù WWE "ra lệnh" cho các đô vật di chuyển khắp nơi để biểu diễn, nhưng công ty chỉ đứng ra chi trả vé máy bay giữa các thành phố, đô vật phải tự mình trả thêm tiền cho dịch vụ taxi, khách sạn, nghỉ dưỡng trong suốt thời gian "công tác" …

Đế chế Đô vật WWE: Môi trường làm việc “địa ngục”, không nghỉ ngơi, không bảo hiểm, không tôn trọng tính mạng… (P.2) - Ảnh 4.

Vào cuối năm 2017, WWE liên tục đề cập về chương trình "Monday Night Raw" được trình chiếu xuyên suốt mùa lễ Giáng sinh. Chưa biết khán giả có vui mừng với quyết định này hay không, nhưng những "siêu sao" WWE đã mất luôn một mùa lễ bên gia đình vào năm đó.

Không ngày lễ, không nghỉ phép, dường như các đô vật chỉ còn cách nghỉ bệnh hoặc chấn thương để trốn việc. Nhưng tiếc rằng Vincent đã đoán trước điều này và ràng buộc nó vào trong hợp đồng. Cụ thể là việc WWE hoàn toàn có quyền thanh lý hợp đồng bất cứ lúc nào nếu đô vật bị chấn thương và phải tạm nghỉ quá 6 tuần.

Không những thế, dù là những người trực tiếp biên tập và chỉ đạo các đô vật phải thực hiện những màn biểu diễn nguy hiểm, WWE nhấn mạnh trong hợp đồng rằng công ty sẽ không chịu trách nhiệm cho mọi chấn thương và tai nạn, dù cho nguyên nhân có đến từ "sơ suất của ban tổ chức" đi chăng nữa.

Đế chế Đô vật WWE: Môi trường làm việc “địa ngục”, không nghỉ ngơi, không bảo hiểm, không tôn trọng tính mạng… (P.2) - Ảnh 5.

Đô vật Kevin Owens phải rời khỏi chương trình trên cán

Không những không được nghỉ bệnh hưởng lương, các đô vật WWE còn thường xuyên buộc phải trình diễn dù chấn thương chưa lành. Tình trạng làm việc quá tệ đã khiến "siêu sao" CM Punk buộc phải rời khỏi WWE vào đầu năm 2014 vì bị công ty bắt đi làm lại mặc cho lời khuyên nghỉ ngơi của bác sĩ.


Tia hy vọng cuối cùng

Đối mặt với nhiều phản ứng gay gắt từ chính đô vật và người hâm mộ, WWE đã có một số động thái "chăm lo" hơn cho các nhân viên của mình. Điển hình nhất là việc hạn chế biểu diễn động tác "phang ghế sắt trực tiếp vào đầu" và bắt đầu hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ.

Nhưng nó vẫn chưa đủ để biến WWE thành một môi trường làm việc an toàn, và chủ tịch Vince McMahon vẫn nhất mực "cứng đầu" khi không có bất kỳ cam kết nào hơn.

Nếu chọn ra một người có thể giúp WWE thoát khỏi cái mác "địa ngục" thì chỉ có một, đó chính là người hâm mộ.

Đế chế Đô vật WWE: Môi trường làm việc “địa ngục”, không nghỉ ngơi, không bảo hiểm, không tôn trọng tính mạng… (P.2) - Ảnh 6.

Những "fan cuồng" WWE đã rất thành công khi thuyết phục Vince McMahon trao cho các đô vật nữ một cơ hội, và họ cũng "phá tan" kế hoạch biến Roman Reigns trở thành người thừa kế của The Rock.

Không những tác động đến nội dung chương trình, người hâm mộ còn trực tiếp đứng ra hỗ trợ tiền cho các cựu đô vật đang trải qua những giai đoạn hiểm nghèo hoặc quyên góp cho những tên tuổi xấu số có được một lễ tang tươm tất.

Suy cho cùng, người hâm mộ không phải là bên có trách nhiệm "chăm lo" cho đô vật, WWE mới là bên cần chủ động bảo vệ những "đối tác" của mình, những người đã hy sinh xương máu và nước mắt vì một đế chế WWE gần như không có đối thủ.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM