Đế chế Alibaba rung lắc mạnh: Cựu kiểm toán viên từng được Jack Ma chọn làm Chủ tịch bất ngờ bị mất toàn bộ chức vụ, nội bộ công ty cũng sốc

13/09/2023 17:13 PM | Kinh doanh

Ngay cả các giám đốc điều hành cấp cao của Alibaba cũng bày tỏ sự bất ngờ trước những diễn biến hiện tại.

Đế chế Alibaba rung lắc mạnh: Cựu kiểm toán viên từng được Jack Ma chọn làm Chủ tịch bất ngờ bị mất toàn bộ chức vụ, nội bộ công ty cũng sốc - Ảnh 1.

Sự từ chức bất ngờ của Daniel Zhang với tư cách là người đứng đầu mảng kinh doanh điện toán đám mây quan trọng của Alibaba đã làm nổi bật tầm ảnh hưởng liên tục của Jack Ma đối với công ty mà ông đồng sáng lập và lãnh đạo trong hơn hai thập kỷ.

Zhang trở thành Giám đốc điều hành của Tập đoàn Alibaba vào năm 2015 và đảm nhận vị trí chủ tịch thay Jack Ma vào năm 2019. Tháng 12 năm ngoái, ông cũng được bổ nhiệm làm lãnh đạo mảng Alibaba Cloud.

Nhưng Jack Ma, người đã dành gần một năm đi du lịch nước ngoài sau khi có bài phát biểu tai hại, chỉ trích ngành ngân hàng Trung Quốc, hiện đã trở lại Trung Quốc vào tháng 3. Theo một kế hoạch tái cơ cấu sâu rộng được công bố cùng thời điểm, tập đoàn này đã quyết định rằng Zhang sẽ nhường lại vị trí giám đốc điều hành và chủ tịch của Alibaba cho những người bạn tâm giao lâu năm của Jack Ma là Eddie Wu và Joseph Tsai.

a

Chelsey Tam, nhà phân tích vốn cổ phần cấp cao tại Morningstar cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng sự thay đổi mới nhất này đã không được lên kế hoạch từ tháng 6 và có những lo ngại về sự bất đồng giữa các đối tác của Alibaba”.

Sự ra đi của Zhang trùng hợp với sự trở lại của Wang Jian, người sáng lập Alibaba Cloud, người đã rời đơn vị này từ 10 năm trước. Wang ban đầu gia nhập Alibaba vào năm 2008 từ Microsoft Research Asia. Ông từng mô tả mối quan hệ của mình với Jack Ma trên các phương tiện truyền thông nhà nước là "giống như anh em nhà Haier", ám chỉ một bộ đôi nhân vật robot hoạt hình đi khắp thế giới để trải qua những cuộc phiêu lưu và vượt qua khó khăn.

Theo một thông cáo trước đó của Alibaba, ông Wang, 60 tuổi, là thành viên hội đồng quản trị của Alibaba Cloud.

“Sự trở lại của Wang là rất rõ ràng”, một quản lý cấp cao của công ty nói với Nikkei Asia. “Điều này cho thấy ông chủ lớn nhất của Alibaba vẫn là Jack Ma”.

Mặc dù không có vai trò chính thức tại công ty nhưng Jack Ma có sức ảnh hưởng lớn nhờ cơ cấu cổ đông phức tạp và quan hệ đối tác với những người nội bộ khác.

“Có vẻ như việc tái cơ cấu là chưa đủ và công ty cần những cải cách sâu sắc và triệt để hơn”, vị quản lý cấp cao nói thêm. Theo kế hoạch tái cơ cấu được công bố vào tháng 3, tập đoàn sẽ được chia thành 6 nhóm kinh doanh chính, 5 trong số đó sẽ theo đuổi các thương vụ IPO riêng biệt.

Tuy nhiên, thông báo về kế hoạch đó không giúp nâng giá cổ phiếu của Alibaba và tin tức về việc Zhang rời khỏi vị trí lãnh đạo chi nhánh điện toán đám mây cũng không giúp ích được gì. Cổ phiếu của hãng giao dịchtại sàn Hồng Kông đã giảm 5% trong hai ngày sau thông báo và tính đến thứ tư đã giảm hơn 2%.

Theo Bloomberg News, với giá cổ phiếu trì trệ, Alibaba cũng đang trì hoãn đợt IPO tiềm năng tại Hồng Kông của chuỗi cửa hàng tạp hóa Freshippo, vốn không thuộc bất kỳ linh vực kinh doanh chính nào trong số sáu tập đoàn kinh doanh chính của họ.

Duncan Clark, người sáng lập và chủ tịch của công ty tư vấn BDA có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Tôi nghĩ Alibaba muốn thiết lập lại ở một quy mô rất lớn ngay bây giờ, vì thông báo trước đó của họ về việc tái cơ cấu không tạo ra tác động đủ lớn. Họ có vẻ rất tự tin rằng cơ cấu mới sẽ tạo ra sự tăng trưởng mới, nhưng họ phải truyền đạt hoặc chứng minh điều đó tốt hơn. Thị trường tập trung hơn vào vấn đề nhân sự”.

Phần lớn sự tập trung đó là vào những điểm mạnh rất khác nhau của Zhang và Wu.

Zhang có kiến thức nền tảng về kế toán và tài chính. Trước khi gia nhập Alibaba vào năm 2007, ông đã làm việc hơn 10 năm tại Ernst & Young và PwC.

Ông đã thành danh tại Alibaba nhờ đặt cược đúng lúc vào “nâng cấp tiêu dùng” của Trung Quốc, một sự thay đổi hướng tới mua sắm chất lượng cao hơn và đắt tiền hơn qua internet, đặc biệt là qua ứng dụng di động. Ông đã khởi xướng chương trình mua sắm Ngày độc thân hàng năm của Alibaba vào ngày 11/11/2009, giúp Taobao đạt được lợi nhuận trong cùng năm đó.

Năm tiếp theo, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và Ngày Độc thân trở thành biểu tượng cho chủ nghĩa tiêu dùng xa hoa của Trung Quốc.

Nhưng khi nền kinh tế nước này bắt đầu chậm lại vào khoảng năm 2016, đối thủ Pinduoduo, một ứng dụng mua sắm nổi tiếng với mức giá rẻ, bắt đầu thu hút người mua từ Taobao và Tmall của Alibaba. Zhang đã phải vật lộn để vượt qua thử thách và vào năm 2020, Pinduoduo đã vượt qua Alibaba về lượng người dùng hoạt động hàng năm.

Theo một nguồn tin thân cận, gần đây, có sự hoài nghi trong nội bộ công ty về sự hiểu biết của Zhang về mảng kinh doanh đám mây.

Ông phụ trách Alibaba Cloud sau một đợt ngừng hoạt động dịch vụ lớn vào cuối năm ngoái, mặc dù ông không có trình độ chuyên môn kỹ thuật như Wu, người từng giữ chức giám đốc công nghệ tại đơn vị thanh toán Alipay của Alibaba và nền tảng mua sắm trực tuyến Taobao.

Theo ước tính của các nhà phân tích, mặc dù Alibaba vẫn là nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn nhất Trung Quốc với khoảng 33% thị phần, nhưng vị trí dẫn đầu của hãng này đã dần bị thu hẹp trong vài năm qua.

Vào tháng 4, Alibaba Cloud đã giảm giá cho khách hàng trong nước, động thái gây ra cuộc chiến về giá nhưng không thể tăng thị phần.

Bức tranh ở nước ngoài cũng không sáng sủa hơn. Theo công ty tư vấn Gartner của Mỹ, thị phần toàn cầu của Alibaba trong phân khúc "cơ sở hạ tầng như một dịch vụ" của điện toán đám mây đã giảm từ dưới 10% vào năm 2021 xuống dưới 8% vào năm 2022.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn hoài nghi liệu Wu có phải là người phù hợp để thay thế Zhang ở đơn vị chủ chốt hay không.

Chuyên giaTam của Morningstar cho biết: “Vì vai trò CEO của Alibaba và Alibaba Cloud sẽ lại được thực hiện bởi cùng một người, thay vì các nhà lãnh đạo khác nhau trong cách sắp xếp trước đó, chúng tôi nghĩ rằng điều này có thể gây lo ngại về vấn đề quản trị doanh nghiệp. Ví dụ: Khách hàng tiềm năng của Alibaba Cloud có thể lo lắng về việc chia sẻ dữ liệu của họ với Alibaba”.

Một số người khác thì có suy nghĩ tích cực hơn, chỉ ra cam kết đã nêu của Alibaba đối với kế hoạch tách bộ phận đám mây “dưới một đội ngũ quản lý riêng biệt vẫn chưa được bổ nhiệm”.

Brian A. Wong, cựu phó chủ tịch tập đoàn tại Alibaba cho biết: “Tôi tin rằng vai trò Giám đốc điều hành Cloud của Eddie Wu sẽ chỉ tạm thời và các nhà đầu tư có thể rất háo hức muốn biết ai sẽ dẫn dắt mảng Cloud trong tương lai”.

“Tuy nhiên, nền tảng công nghệ vững chắc và hiểu biết toàn diện của Eddie về hoạt động kinh doanh tổng thể của Alibaba cũng có nghĩa là ông ấy ở vị trí tốt để giúp dẫn dắt quá trình chuyển đổi và xác định những thách thức tiềm ẩn phía trước và người nào phù hợp màhọ cần để dẫn dắt hoạt động kinh doanh”, ông nói.

Câu hỏi chính xác người đó sẽ là ai vẫn còn bỏ ngỏ.

Wong nói thêm: “Tôi có thể nói rằng trong số các giám đốc điều hành hiện tại, có một nhóm nhân tài có đủ năng lực để khai thác, nhưng vấn đề là ai sẽ sẵn sàng bước lên”.

Nguồn: Nikkei

Phương Linh

Từ khóa:  Alibaba , jack ma
Cùng chuyên mục
XEM