Để bảo vệ trái đất khỏi cảnh như phim Mad Max, đừng ăn nhiều thịt và chăm chỉ tắm gội nữa

26/11/2016 07:32 AM | Xã hội

Người dân sống trong nghèo đói cùng cực thường có khẩu phần ăn dựa trên rau quả và ngũ cốc là chủ yếu; còn người ở tầng lớp trung lưu hầu hết có chế độ ăn giàu protein.

Năm 2015, bộ phim giả tưởng Mad Max: Fury Road lấy bối cảnh thế giới ở thời kỳ văn minh nhân loại đã sụp đổ, con người trở nên mất nhân tính và cuồng điên trong những trận chiến để giành giật sự sống, các nhu yếu phẩm như nước và xăng. Thế giới giờ là sa mạc mênh mông, con người chia làm hai phe chuyên giết nhau để tồn tại.

Thế nhưng thực tế bối cảnh này không còn xa vời khi hiện nay 330 triệu người dân Ấn Độ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tháng 6/2016, 29 tiểu bang ở Ấn Độ chính thức thông báo tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đến cuối tháng 6. Những người dân nghèo ở Ấn Độ không có nước sạch sinh hoạt, buộc phải chi 1/5 thu nhập trung bình để mua nước mỗi ngày.

Đâu là nguyên nhân khiến nước trên thế giới ngày càng trở nên khan hiếm?

Dân số thế giới không ngừng phát triển

Nhiều quốc gia đã giành được nhiều thành tựu từ việc giảm tỷ lệ sinh, nhưng phần lớn các nơi này chưa giải quyết được vấn đề tuổi thọ trung bình đang được nâng lên rất nhiều, nếu chỉ so sánh với vài thập kỷ gần đây. Dân số thế giới hiện giờ đạt hơn 7 tỷ, dự kiến sẽ không chững lại cho đến năm 2050 khi nó đạt 9,5 tỷ người.

Cho dù 2,5 tỷ người dôi ra này có ăn hoặc tắm ít đến như thế nào thì chắc chắn rằng việc tìm kiếm, làm sạch, và cung cấp thêm phần nước dôi thêm này, cho dù chỉ là phục vụ nhu cầu cơ bản nhất, sẽ là một thách thức.

Trong vòng bốn thập kỷ sau đó, dân số thế giới được dự đoán tăng thêm 2 tỷ người, vượt mốc 9 tỷ người vào năm 2050. Ước tính gần đây của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy để đáp ứng được nhu cầu theo dự báo này, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ phải tăng tới 60% so với mức của năm 2005-2007.

Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu

Dân số thế giới không chỉ tăng lên, mà còn trở nên sung túc hơn. Hàng trăm triệu người trước đây sống trong cảnh nghèo túng đã vươn lên mức trung lưu, một xu hướng chủ đạo và sẽ tiếp tục diễn ra. Có 1,4 tỷ người trung lưu trên thế giới vào năm 2000. Con số này đã lên đến hơn 1,8 tỷ người vào năm 2009. Đến năm 2020, số người thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới được dự báo sẽ tăng đến khoảng 3,25 tỷ người.

Tắm gội hằng ngày, hồ bơi sân sau, và những bãi cỏ xanh mà những người đang giàu hơn này hưởng thụ sẽ tạo thêm áp lực lên nguồn nước, nhưng điều này chưa thấm vào đâu so với việc khai thác nước để phục vụ cho thói quen ăn uống gắn với lối sống trung lưu. Người dân sống trong nghèo đói cùng cực thường có khẩu phần ăn dựa trên rau quả và ngũ cốc là chủ yếu; còn người ở tầng lớp trung lưu hầu hết có chế độ ăn giàu protein. Để có được một cân thịt bò cần sử dụng lượng nước gấp 17 lần một cân ngô.

Nhưng vấn đề đối với lối sống trung lưu đâu chỉ nằm ở thực phẩm. Năng lượng cần để vận hành xe ô tô, điều hòa không khí, máy tính và các thiết bị gia dụng khác – mà hiện giờ là chuẩn mực của cuộc sống trung lưu – tiêu tốn một lượng nước gần như không thể tưởng tượng nổi. Để tạo ra một lít dầu cần tới vài gallon.

Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ bề mặt hồ chứa và sông ngòi tăng lên, dẫn tới sự bốc hơi nhanh hơn.

Nhiệt độ cao cũng đòi hỏi nhiều nước hơn để tưới cho cây trồng. Quy luật mưa cũng đang thay đổi: Khoảng cách giữa các trận dài ra, và cường độ mỗi trận tăng lên. Thời gian cách quãng giữa các trận mưa dài hơn dẫn tới đất trên bề mặt bị cứng lại. Khi mưa đến, phần lớn nước mưa chảy ra cống và sông ngòi hoặc đọng trên mặt đất chờ bốc hơi, cả hai cách này này đều dẫn tới việc nước mưa bị thất thoát, do không thể thấm xuống đất.

Nước nhiễm bẩn

Ô nhiễm cũng làm suy giảm lượng nước sẵn có. Trồng cây lương thực cho quá nhiều người và nuôi quá nhiều động vật đòi hỏi một lượng cực lớn phân bón và thuốc trừ sâu. Một phần trong số đó bị nước tưới, hoặc nước mưa cuốn ra các tầng nước ngầm, ao hồ, sông ngòi. Các kỹ thuật trích xuất năng lượng như dầu đá phiến không chỉ cần đến một lượng lớn nước, mà trong quá trình khai thác còn sử dụng các loại hóa chất phụ gia từng bị cáo buộc gây ra ô nhiễm vùng dự trữ nước uống gần đó. Cho dù cáo buộc này là đúng hay sai, điều chắc chắn là các loại hóa chất đang thấm vào nguồn nước khắp nơi trên thế giới. Một số các hợp chất công nghiệp là chất gây ung thư.

Bất kể việc nước đang bị nhiễm bẩn theo cách nào, việc khắc phục cho những thiệt hại gây ra đối với các tầng ngậm nước và hồ chứa bị nhiễm bẩn là rất tốn kém, và có lúc không khả thi. Khi một nguồn nước bị ô nhiễm, nó bị mất đi, đôi khi vĩnh viễn.

Rò rỉ nước

Cuối cùng, một lượng cực lớn nước ở các đô thị bị thất thoát mỗi ngày tại các thành phố trên khắp thế giới vì các nguyên nhân: rò rỉ, trụ cấp nước cứu hỏa bị hở, trộm cắp, và bỏ bê. London thất thoát khoảng 30% nước, và Chicago, khoảng 25%.

Một vài thành phố lớn ở Trung Đông và châu Á có thể thất thoát đến 60% lượng nước trong hệ thống của họ mỗi năm do cơ sở hạ tầng trục trặc; thất thoát 50% không phải là hiếm.

Thành phố New York đã giảm được thất thoát nước do rò rỉ, nhưng vẫn mất hàng tỷ gallon, với một chỗ rò rỉ nghiêm trọng khó khắc phục làm thất thoát 35 triệu gallon nước mỗi ngày Những tổn thất này có vẻ như vô hình, nhưng cực kỳ to lớn.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM