Để bảo vệ lá gan, hãy nằm lòng 7 điều sau

12/08/2017 11:11 AM | Sống

Gan là một trong những cơ quan quan trọng của cơ thể. Nó là nơi dự trữ chất dinh dưỡng, là trung tâm chuyển hóa tổng hợp nên protein cho cơ thể, sản sinh mật giúp tiêu hóa thức ăn và giải độc cho cơ thể. Vì vậy, giữ cho lá gan khỏe mạnh là việc làm cần thiết hàng đầu để bảo vệ sức khỏe của bạn.

Việt Nam nằm trong khu vực có tỷ lệ mắc ung thư gan cao nhất thế giới, bệnh có xu hướng gia tăng, đứng thứ 3 trong số 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới và tỷ lệ tử vong hàng đầu cho cả hai giới. Ngay lúc này hãy bỏ những thói quen xấu ảnh hưởng đến lá gan của bạn và thực hiện 7 điều sau để bảo vệ mình và chính gia đình mình:

1. Có chế độ ăn uống cân bằng hợp lý, hạn chế chất béo và đường

- Chế độ ăn đúng giờ, đảm bảo đủ dinh dưỡng và cân đối giữa các thành phần chất đạm, chất béo, tinh bột và rau xanh, điều này sẽ giúp lá gan của bạn hoạt động nhịp nhàng, không bị tích tụ mỡ và các chất độc hại.

- Những chất béo và chất đường được tìm thấy trong nhiều thực phẩm như khoai tây chiên, soda, thức ăn chiên xào, cũng như các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. Do đó, bạn nên hạn chế ăn những thực phẩm đóng gói chế biến sẵn, các loại thực phẩm lên men, các loại thực phẩm có chất bảo quản, phẩm màu và các phụ gia, các loại thức ăn hun khói….

- Nếu bị bệnh gan, bạn cần ăn uống nhiều chất bổ dưỡng cho gan có lượng protein cao, lượng mỡ thấp, lượng đường đầy đủ, vitamin phong phú để cung cấp thêm protein và vitamin cho cơ thể. Nên sử dụng các thực phẩm tươi sống để duy trì tốt chức năng gan nói riêng và sức khỏe nói chung.

- Hàng ngày, các chất dinh dưỡng được hấp thu tại ruột và chuyển tới dự trữ tại gan sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên, quá trình đó vô hình chung mang theo các vi khuẩn có hại từ đường tiêu hóa tới gây hại cho gan, vì vậy với chế độ ăn uống hợp vệ sinh và cân đối sẽ giúp giảm gánh nặng cho gan tối đa trước sự tấn công của các vi khuẩn đối với gan.

2. Không hút thuốc lá

Không chỉ có chế độ ăn uống ảnh hưởng đến gan, thuốc lá cũng được biết là một yếu tố có hại cho cơ thể và có ảnh hưởng đến gan. Đã có các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc xơ gan và ung thư gan vì trong khói thuốc lá có chứa chất nicotin và hơn 3.800 loại hóa chất độc hại. Sau khi hút thuốc, nồng độ chất độc hại trong máu sẽ tăng cao, do đó gan sẽ phải làm việc nhiều hơn và dễ tổn thương hơn.

3. Không uống nhiều rượu bia và các chất có cồn

Khi gan bạn phải “xử lý” chất rượu cồn, một số chất độc hại có thể phóng thích và gây tổn thương đến gan dẫn đến một số bệnh lý như gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu… Bệnh gan do rượu là kết quả của việc tiêu thụ một lượng rượu quá nhiều trong thời gian dài, là nguyên nhân gây tử vong chiếm 37% trong tất cả các bệnh lý về gan. Những người đặc biệt có nguy cơ phát triển bệnh gan do rượu là những người lệ thuộc rượu, phụ nữ, những người thừa cân. Việc tiêu thụ thường xuyên một lượng rượu cũng dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, là một trong những nguy cơ dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, quá trình tổn thương gan do rượu có thể được dừng lại hoặc đảo ngược khi chúng ta ngưng uống rượu. Ở người không có bệnh lý về gan, lượng rượu có thể được chấp nhận ở nam là 3-4 đơn vị rượu/ngày (tương đương 1,5 lon bia) và 2-3 đơn vị rượu/ngày đối với nữ (tương đương 1 lon bia). Trái lại, những người có những bệnh lý về gan thì không nên uống rượu dù chỉ là một ít.

4. Thận trọng khi dùng thuốc và không nên lạm dụng thuốc giảm đau

Ngoài chức năng dự trữ, tổng hợp các chất dinh dưỡng, gan còn là nơi chuyển hóa thuốc. Tất cả các thuốc sau khi uống hầu hết đều được chuyển hóa tại gan và để lại đây các chất độc hại (đôi khi cực độc) khiến gan phải làm việc nặng nề. Vậy nên chúng ta cần thận trọng khi dùng thuốc và không nên uống thuốc bừa bãi. Luôn luôn dùng thuốc theo đơn bác sĩ để giảm thiểu tác dụng có hại của thuốc với cơ thể.

Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng Acetaminophen (Paracetamol) là một thuốc giảm đau lành tính hoàn toàn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá liều Acetaminophen là một trong những nguyên nhân gây ra tổn thương gan và là nguyên nhân gây tử vong cho 1.000 người/năm tại Hoa Kỳ, nhất là với những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người có bệnh lý gan thì ngay cả một liều acetaminophen cũng có thể gây suy gan. Vì thế, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc phối hợp cùng với acetaminophen trong một viên thuốc (các thuốc chữa viêm họng, thuốc ho...) cần đọc kỹ thành phần trước khi sử dụng để tránh tăng liều quá mức gây tổn hại đến gan. Hãy nhớ rằng chỉ sử dụng acetaminophen khi cần thiết.

5. Thường xuyên tập thể dục và có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý

Việc tập thể dục không chỉ giúp bạn có được một sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn, tự tin trong giao tiếp mà còn giúp cho lá gan của bạn khỏe mạnh. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp gan tạo ra mật đều đặn hơn và tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần 150 phút hoạt động mỗi tuần (30 phút/ngày) đủ để cải thiện nồng độ men gan, chức năng gan nói chung và còn làm giảm nguy cơ phát triển gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, việc nghỉ ngơi hợp lý cũng là một trong những cách giúp cho gan bạn khỏe mạnh. Sau mỗi bữa ăn, gan phải tăng cường hoạt động để chuyển hóa và dự trữ các chất dinh dưỡng. Vì vậy, bạn nên nghỉ ngơi yên tĩnh 30 phút để giúp cơ thể hấp thụ được phần lớn các chất dinh dưỡng. Những người có chức năng gan không tốt nên đi ngủ trước 23 giờ và không nên thức quá 1 giờ đêm. Các nghiên cứu cho thấy, những người phải luôn làm việc vào ban đêm là những người có khả năng mắc bệnh gan khá cao và hệ thống miễn dịch cũng sẽ bị giảm sút nhiều, dễ mắc bệnh hơn.

6. Chủng ngừa virus viêm gan B

Viêm gan do virus hiện nay là một vấn đề hết sức thời sự. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý ở gan như viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Cách tốt nhất để phòng bệnh gan là chủng ngừa vắc-xin tại các cơ sở y tế phòng dịch của huyện, thị xã, thành phố. Bạn nên chủ động tiêm phòng đầy đủ theo quy định, nhất là với trẻ em. Không sử dụng chung kim tiêm, tránh tiếp xúc với các chất dịch tiết, máu của người nhiễm, quan hệ tình dục an toàn.

7. Kiểm tra sức khỏe, chức năng gan định kỳ

Ngày qua ngày, lá gan của chúng ta làm việc một cách âm thầm lặng lẽ chịu tác động của tất cả các chất từ hữu cơ đến vô cơ. Tuy nhiên, khi mọi thứ vượt ngưỡng quá tải, gan không còn khả năng bù trừ thì các triệu chứng mới biểu hiện trên lâm sàng. Vì vậy chúng ta nên chủ động kiểm tra sức khỏe, chức năng gan định kỳ (ALT) 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về sức khỏe, nhất là các bệnh gan mật. Nếu bạn không may mắc bệnh gan thì cần phải tuyệt đối tuân thủ lời dặn của bác sĩ, không nên tự ý điều trị bằng các phương pháp “dân gian”, điều đó chỉ càng khiến việc điều trị bệnh gan của bạn khó khăn và gian nan hơn.

Linh Đan

Cùng chuyên mục
XEM