Đề án ngoại ngữ 9.400 tỷ sau 8 năm và chuyện chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch biết tiếng nước ngoài

25/09/2016 20:19 PM | Kinh tế vĩ mô

Hàng nghìn tỷ đồng đã được chi trong nhiều năm để phổ cập ngoại ngữ, nhưng khi ngành du lịch gấp rút cần người thì “chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch biết ngoại ngữ”.

Giữa tháng 9, Chính phủ có cuộc họp về việc xây dựng Đề án phát triển du lịch . Trong tinh thần phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đưa ngành lên một nấc thang mới, gấp rút hoàn tất đề án để trình Bộ Chính trị phê duyệt, không ít đại biểu giật mình với phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam .

“Nghe báo cáo sơ bộ thì chỉ 10% hướng dẫn viên du lịch của Việt Nam có ngoại ngữ. Một số doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng xong mà chưa thể khánh thành ngay được vì chưa tuyển đủ nhân lực vận hành”, Phó Thủ tướng cho biết.

Tỷ lệ 10% hướng dẫn viên du lịch biết tiếng nước ngoài khiến cho nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, nhất là khi nhớ về hàng nghìn tỷ đồng đã được chi ra nhằm phổ cập, nâng cao khả năng ngoại ngữ quốc dân.

Cụ thể, năm 2008, Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 đã được phê duyệt, trị giá 9.400 tỷ.

Chữ ký vào đề án khi đó, là để “đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ, sử dụng độc lập, tự tin giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hoá, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”.

Vậy mà, sau khi tiêu khoảng 5.400 tỷ trong 8 năm, một trong những kết quả mà mục tiêu “phổ cập” nhận được lại là tỷ lệ phần trăm gây sốc.

Chi nghìn tỷ, đích còn xa

Trong 4 năm cuối cùng của giai đoạn đề án (2016 – 2020), trọng tâm được đặt ra là triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm trên cả nước, từ lớp 3 đến lớp 12; tăng cường tiếng Anh trong tất cả các trường nghề, cao đẳng và đại học. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, dường như đây là nhiệm vụ khó khả thi.

Năm 2016, cả nước chỉ có khoảng 20% học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần. 80% còn lại chỉ được học 2 tiết/tuần, so sánh với mục tiêu 100% học sinh lớp 3 được học chương trình tiếng Anh chương trình mới là còn xa.

Hay việc đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu cũng là vấn đề nghiêm trọng. Cụ thể ở cấp THCS chỉ có 33%, THPT chỉ có 26% giáo viên đạt chuẩn, phần trăm này khi về các địa phương còn thấp hơn nhiều.

Trong khi theo đề án thì năm 2016 các tỷ lệ này lần lượt phải là là 45% ở cấp tiểu học, 55% ở THCS và 65% giáo viên THPT và từ năm 2017-2019, tỷ lệ đạt chuẩn mỗi năm tăng thêm 10% đối với giáo viên các bậc học. Mục tiêu năm 2020 đạt chuẩn 100% giáo viên các bậc học. Đối với giảng viên đại học, cao đẳng, đề án đưa ra lộ trình năm 2018 phải đạt chuẩn 100%.

Phổ cập tiếng Anh còn đang trắc trở, tuy nhiên, trong lộ trình đề án, Bộ Giáo dục vẫn đưa ra mục tiêu thí điểm dạy tiếng Nga, Trung, Nhật như ngoại ngữ 1 và tiếng Pháp, Hàn, Đức như ngoại ngữ 2. Điều này đã khiến nhiều người ngần ngại về tính khả thi của chương trình khi mà “tiếng Anh chưa tới, ngoại ngữ mới được không?”.

Ngoại ngữ hay rõ ràng hơn là tiếng Anh đã trở thành thành tố tất yếu trong mục tiêu của Chính phủ và xu thế hội nhập. Nhiều nghìn tỷ đã và đang được chi, nhưng hiệu quả đến đâu, khi mà hạn đề án sắp hết thì các mục tiêu cụ thể vẫn ngồn ngang. Trong khi đó, một ngành vốn rất cần tiếng Anh như du lịch thì tỷ lệ mới chỉ có 10%.@@@@@

Theo Đình Phương

Cùng chuyên mục
XEM