ĐBQH Trần Hoàng Ngân: "Đăng ký thành lập doanh nghiệp còn dễ hơn làm thủ tục chạy xe Grab bike"

16/11/2019 08:30 AM | Xã hội

Đề cập Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được trình trình trước Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng việc quản lý thành lập doanh nghiệp hiện nay là quá dễ, thậm chí dễ hơn cả việc đăng ký chạy Grab bike.

Theo ông Ngân, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, vừa qua Quốc hội đã thảo luận rất nhiều về tình trạng nợ đọng thuế, người kinh doanh bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh hay bỏ địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Theo ông Ngân, Việt Nam rất muốn cải tiến, để thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp dễ dàng. Bình quân mỗi tháng, chúng ta có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Tuy nhiên, rất nhiều trong số đó ngừng hoạt động.

"Thủ tục đăng ký quá dễ. Nó dễ hơn so với người chạy xe Grab hiện nay phải làm thủ tục. Tài xế muốn đăng ký chạy xe Grab, xe honda thôi, cũng phải làm lý lịch tư pháp. Trong khi giấy phép, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp quá dễ", ông Ngân phát biểu.

Theo vị đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cần phải xem lại. Trong khi nhà nước, cơ quan quản lý tạo điều kiện một cách minh bạch, rõ ràng, thuận lợi nhưng phải đảm bảo được, kiểm tra được để tránh tình trạng doanh nghiệp nợ đọng thuế, trốn thuế, chây ì, tìm rất khó. Thậm chí, có nhiều người đăng ký thành lập doanh nghiệp đang có vấn đề về pháp lý. Ông Ngân cho rằng cần kiểm tra tư cách thể nhân và pháp nhân trong đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đại biểu Ngân cũng đề cập tới việc bỏ con dấu được quy đinh trong Điều 44 của dự thảo luật. Theo đó, đây là sự tiến bộ và được thế giới áp dụng nhiều. Chữ ký của lãnh đạo doanh nghiệp được tin tưởng cao. Tuy nhiên, ông Ngân cũng chỉ ra rằng khâu thành lập doanh nghiệp đã được kiểm tra, kiểm định chặt chẽ.

"Doanh nghiệp Việt Nam, nếu không có dấu nữa, thì không biết quản lý thế nào. Tôi cho rằng nên chấp nhận trong giai đoạn đầu vẫn phải dùng dấu", ông Ngân cho biết.

Bên cạnh đó, ông Ngân cũng đề xuất những đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội. Dẫn việc Quốc hội nước ngoài có thể yêu cầu doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn tới xã hội ra điều trần, ông Ngân cho rằng Quốc hội Việt Nam cũng nên có quyền triệu tập chất vấn các doanh nghiệp nhà nước lớn vì đang quản lý tiền của nhân dân.

"Nếu được thì tốt quá. Chất vấn như hiện nay là cần thiết nhưng chưa đủ. Quốc hội nên có quyền chất vấn khi có sự kiện xảy ra. Trong trường hợp đó, Quốc hội có thể mời Bộ trưởng hoặc lãnh đạo doanh nghiệp tới chất vấn. Những điều này khiến các phiên chất vấn trở nên háo hức hơn", ông Ngân nói về đề xuất chất vấn bất thường, chất vấn đột xuất.

Với hộ kinh doanh, ông Ngân dẫn các số liệu cho biết Việt Nam hiện có 5-6 triệu hộ kinh doanh với vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng việc đưa các hộ này vào luật quản lý là rất khó. Hiện nay, việc có thể làm là chuẩn bị dần các bước đi nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh có thể thực hiện các nghĩa vụ về thuế, sổ sách hay kế toán.

"Cần có luật riêng cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Không nên quy định trong luật Doanh nghiệp. Hiện nay, cần Nghị quyết, Nghị định để định hướng phát triển hộ kinh doanh", ông Trần Hoàng Ngân cho biết.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM