ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương: Nợ xấu một phần do nhận thức “tiền thì tiền ngân hàng, người thì người trại giam"

07/06/2017 11:09 AM | Kinh tế vĩ mô

Một trong những nguyên nhân đại biểu này chỉ ra là từ ý thức của người dân trong vay vốn không đúng mục đích vay vốn, thậm chí kinh doanh mạo hiểm sai mục đích, thậm chí mua xe sang để đi. Xã hội có câu vui là “tiền thì tiền ngân hàng, người thì người trại giam”.

Sáng nay, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI thảo luận về dự thảo Nghị Quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn đại biểu Quảng Bình cho rằng hạn chế trong quy định về xử lý tài sản đảm bảo hiện nay ảnh hưởng tới kết quả xử lý nợ xấu dẫn đến vướng mắc và kéo dài. Ví dụ tài sản đã thế chấp, thống nhất với ngân hàng nhưng khi xử lý phải có bàn bạc hiệp thương giữa TCTD với người vay và nếu không thống nhất thì đem ra tòa án xử lý. Có nhiều trường hợp không xử lý được.

Ngoài nguyên nhân trên còn có nguyên nhân ý thức của người dân trong vay vốn không đúng mục đích vay vốn, thậm chí kinh doanh mạo hiểm sai mục đích, thậm chí mua xe sang để đi. Xã hội có câu vui là “tiền thì tiền ngân hàng, người thì người trại giam”.

Cũng cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải đoàn Hà Giang cho rằng, nợ xấu có nguyên nhân từ khách quan lẫn chủ quan, liên quan đến nhiều chủ thể từ khách hàng tới ngân hàng, cơ quan quản lý, môi trường sản xuất… và cả nền kinh tế. Trong đó khách hàng là nguyên nhân trực tiếp, là chủ thể trực tiếp gây ra nợ xấu, đến hạn trả nợ mà không trả, khả năng trả nợ của chủ thể lại phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô, vào môi trường kinh doanh, thậm chí là ý thức trả nợ.

Đại biểu Phương nhấn mạnh Quốc hội ban hành Nghị quyết là cấp bách, cần thiết, tạo hành lang pháp lý cho xử lý, kịp thời đáp ứng nhu cầu lưu thông tiền tệ và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Nhưng ông quan ngại đây là chỉ là giải pháp tạm thời nhưng chưa phải giải pháp lâu dài. Về lâu dài cần phải có hệ thống điều chỉnh bằng luật, nghị quyết chỉ tạm thời.

Do pháp luật chưa hoàn chỉnh và không xử lý nhanh được tình hình như hiện nay điều quan trọng của Nghị quyết là nâng cao nhận thức của người vay. Kể từ nay người vay phải thực hiện đúng nguồn kinh phí của mình và nếu như thua lỗ phải chịu trách nhiệm thế chấp tài sản đảm bảo để TCTD bán. Đây là điều cả người vay và TCTD đều không mong muốn nhưng phải chấp nhận. Đại biểu phương kiến nghị làm rõ thêm 5 nội dung trong hội thảo.

Theo ông Phương, thời hạn hiệu lựccủa Nghị quyết là 5 năm không hợp lý. Nợ xấu có thể giả thiết là 5 năm hoặc ngắn hơn 5 năm. Nếu chưa đến 5 năm mà đã ban hành luật thì điều chỉnh bằng luật thay vì Nghị quyết. Trong thời gian 5 năm mà nợ xấu vẫn tiếp tục chưa được xử lý thì phải dùng Nghị quyết này để điều chỉnh. Đại biểu Phương đề xuất thời hạn hợp lý là nghị quyết xử lý nợ xấu được điều chỉnh bằng pháp luật và nếu chưa được điều chỉnh bằng pháp luật thì có hiệu lực đến khi có luật điều chỉnh được đưa ra.

Điểm thứ 2, Nghị quyết cần khẳng định tầm quan trọng của tổ chức VAMC. Là công ty mua bán của nhà nước, là người mua bán cuối cùng của hệ thống trên thị trường và như vậy mới đảm bảo. Ví dụ khi bất động sản xuống giá, không ai mua thì VAMC là tổ chức cuối cùng tham gia. Hoặc 1 nhà máy khi xây dựng đến thời điểm xây dựng xong không còn tài sản thế chấp không còn để vay mượn thì VAMC tham gia mua thì dự án mới tiếp tục đầu tư, tái sản xuất để trả được nợ. Theo kinh nghiệm ở các nước vận hành mô hình tương tự, cần phải xác định được vị trí, vai trò của VAMC.

Đại biểu đoàn Quảng Bình còn cho rằng cần xác định làm rõ quyền của TCTD trong việc xác định xử lý tài sản thế chấp. Không để TCTD cho vay vừa mất thời gian đòi nợ, cam kết, hợp tác, ra tòa án.

Điểm thứ 4, cần làm cho người vay phải hiểu được rằng vốn là tiền của người dân huy động của người dân, ngân hàng chỉ đứng vai trò trung gian lưu chuyển tiền tệ. Vì vậy trách nhiệm của người vay phải sử dụng hiệu quả đồng vốn và chấp nhận xử lý tài sản đảm bảo sau khi vi phạm hợp đồng.

Cuối cùng, ông Phương kiến nghị trong quá trình thực hiện Nghị quyết cần phải quy định cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ để hoàn thành xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM