ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Chỉ đề xuất giảm 0,5% quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho chủ sử dụng lao động là không công bằng

01/06/2017 14:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Hiện nay Luật việc làm quy định quỹ bảo hiểm thất nghiệp do 3 tổ chức đóng, nhà nước 1%, chủ sử dụng lao động 1%, người lao động 1%.

Bổ sung dự án, dự án điều chỉnh mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đây là đề nghị của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thành viên Đoàn thư ký kỳ họp, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội trong phiên làm việc thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Theo ông Lợi, về điều chỉnh xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm 2017 Chính phủ đã đề xuất bổ sung 2 dự thảo về nghị quyết. Nghị quyết thứ nhất là xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hai là điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội chưa đưa dự thảo nghị quyết điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp vào kỳ họp thứ 3, lý do chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan.

Đại biểu này đưa ra 2 lý do như sau cần đưa nội dung này vào kỳ họp tới bởi:

Đây là nghị quyết thể chế hóa Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta.

Thứ hai, điều kiện để thực hiện nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là hoàn toàn có cơ sở. Theo ông Lơi, cho đến nay, quỹ bảo hiểm thất nghiệp của chúng ta kết dư 58.000 tỷ, nếu chúng ta giảm 0,5% quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho chủ sử dụng lao động thì mỗi một năm chủ sử dụng lao động tiết kiệm được 3.500 tỷ, giảm mức đóng của doanh nghiệp với các phần thu trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản đóng kể cả 2% của công đoàn.

Như vậy, hiện nay Luật việc làm quy định quỹ bảo hiểm thất nghiệp do 3 tổ chức đóng, nhà nước 1%, chủ sử dụng lao động 1%, người lao động 1%.

"Hai năm vừa qua do kết dư quỹ của chúng ta rất cao nên nhà nước không đóng 1%. Bây giờ nếu chúng ta đề xuất chỉ giảm 0,5 cho chủ sử dụng lao động thì có nghĩa nó không công bằng giữa 3 thành phần tham gia vào quỹ này. Nhà nước thì không đóng, chủ sử dụng giảm 0,5%, người lao động vẫn phải đóng 1%. Điều này không công bằng", ông Lợi góp ý.

Đại biểu đến từ đoàn Thanh Hóa cho rằng việc thể chế hóa Nghị quyết 35 của Chính phủ đặt ra trong điều kiện hiện nay rất cần thiết và rất đáng khích lệ để cho chủ sử dụng lao động và người lao động được khuyến khích cổ vũ để chúng ta phát triển kinh tế, xã hội và cũng chính là điều kiện để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% dự kiến năm 2017.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM