Đây là vị Shark tuyên bố không thích đầu tư nhỏ, đã đầu tư là muốn giành quyền chi phối: "Tôi góp 51% là tôi muốn đi với các bạn đến cùng"

22/08/2018 14:30 PM | Kinh doanh

Tính đến thời điểm hiện tại, vị Shark này đã cam kết đầu tư vào 4 thương vụ, 3/4 trong số đó Shark yêu cầu nắm 50-51% cổ phần.

Shark Tank mùa 1 ghi nhận Shark Nguyễn Xuân Phú là người có phong cách đầu tư tương đối chắc chắn: Yêu cầu startup phải có tài sản thế chấp hoặc người sáng lập phải về làm thuê cho Shark nếu thất bại. Đến mùa 2 này, ngoài Shark Phú, xuất hiện một Shark khác cũng có phong cách đầu tư "rắn" tương tự: Đó là Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT - TGĐ công ty CP Đầu tư xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom).

Không đặt ra nhiều điều kiện nhưng hầu hết các startup có ông Việt rót vốn, nhà sáng lập chỉ giữ được một nửa cổ phần, nửa còn lại do Shark nắm giữ.

Trước hết là startup công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời của "nhà khoa học bất đắc dĩ" Nguyễn Văn Khoẻ ở tập 4. Trong khi 4 Shark còn lại đều lắc đầu, Shark Việt không ngần ngại cam kết đầu tư 1 triệu USD vì đây là lĩnh vực công ty ông cũng đã tham gia, lại còn có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, Shark Việt yêu cầu mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần và "phải tìm được người kế vị trong 7 năm nữa" vì nhà sáng lập hiện đã 73 tuổi.

"Sau khi làm tốt, tôi có thể nhượng hết. Chúng ta đi với nhau. Nếu vì kiếm lời, tôi có thể có nhiều nơi tạo ra nhiều lời hơn đi với anh. Tôi tác động đến một doanh nghiệp thì phải nằm quyền chi phối", Shark cho biết.

Sang đến tập 5, Chủ tịch Intracom "chốt" thêm 2 thương vụ nữa với Vina Chuối, startup chuyên các món ăn vặt liên quan đến chuối và Tokai, startup hoạt động tại Nhật theo hướng mua lại các căn nhà trống và cho người Việt ở đây thuê.

Với Vina Chuối, Shark Việt cam kết đầu tư cùng Shark Dzung Nguyễn ở mức 2,3 tỷ đồng, trong đó 1 tỷ đồng đối lấy 51% cổ phần, số tiền còn lại sẽ được giải ngân theo tình hình thực tế của công ty.

"Khi em đủ lông đủ cánh bọn anh sẽ out thôi, ôm cho lắm làm gì, nhưng tỷ lệ phải là 51 để quản lý", Shark giải thích với founder về con số 51% cổ phần.

Tương tự với mô hình Tokai, để tiếp cận thị trường bất động sản của Nhật Bản, Shark Việt đề nghị rót 12 tỷ đồng đổi lấy 51% cổ phần kèm điều kiện nhà đầu tư phải được cấp phép rót vốn ra nước ngoài.

"Tôi góp với startup nào 51% là tôi muốn đi với các bạn đến cùng"

Đây là vị Shark tuyên bố không thích đầu tư nhỏ, đã đầu tư là muốn giành quyền chi phối: Tôi góp 51% là tôi muốn đi với các bạn đến cùng - Ảnh 1.

Chia sẻ tại sự kiện "Đối mặt thách thức" do Shark Tank Việt Nam tổ chức chiều 21/8, Chủ tịch Intracom cho biết vấn đề không phải là các Shark cần 51% cổ phần của startup, mà chính bản thân ông đã từng có kinh nghiệm xương máu trong chuyện góp vốn startup với người khác.

Shark Việt cho biết việc góp vốn không khác gì đánh bạc, trước đây ông có góp vốn cùng một người nhưng người này lại mang tiền đi làm việc khác, cuối cùng hai bên phải "lôi nhau ra toà kiện cáo, chả hay ho gì".

"Vấn đề chúng ta làm với nhau quan trọng nhất là chữ tín: Ta đi với nhau, ta gắn bó với nhau, chữ tín ấy không mua được bằng tiền. Vì vậy cả hai bên phải giữ uy tín với nhau".

"Tôi góp với startup nào 51% là tôi muốn đi với các bạn đến cùng, sau khi các bạn thành công rồi, chúng ta sẽ chia tay nhau trong vui vẻ. Bởi vì huyền thoại Việt Nam là gì, là Thánh Gióng, thắng rồi cởi áo giáp đi, ở lại chia phần mệt lắm", Shark Nguyễn Thanh Việt nhấn mạnh.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM